Từ những người Mỹ mệt mỏi vì lạm phát cho đến những người thất nghiệp ở Trung Quốc, người tiêu dùng đang được phục vụ phần ăn giá rẻ tại các cửa hàng đang muốn thực khách quay trở lại nhiều hơn.
Tại một cửa hàng McDonald’s ở New York, rất đông khách mua các phần ăn giá 5 USD (100.000 VND) trong một khung giờ giới hạn. Mỗi phần ăn bao gồm bánh mì kẹp phô mai hoặc bánh sandwich gà, khoai tây chiên cỡ nhỏ, gà viên và đồ uống. Nếu đặt hàng riêng, tổng các món sẽ là 8,96 USD trước thuế.
Các đối thủ của McDonald’s cũng đang cạnh tranh bằng các phần ăn dao động ở mức 5 USD. Starbucks giới thiệu bữa sáng gồm bánh sandwich và cà phê với giá 6 USD vào tháng trước. Tổng 2 món này thường có giá ít nhất là 8,62 USD. Tương tự, các chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh như Burger King, Wendy’s và Arby’s cũng đang cung cấp các phần ăn với giá chỉ 1 con số.
Một báo cáo do viện nghiên cứu thuộc Bank of America công bố vào tháng 6 cho biết những người trẻ tuổi đang chuyển từ việc ăn ngoài sang ăn ở nhà và ngày càng để ý hơn về giá cả hàng tạp hóa.
Trong quý 1 năm nay, Starbucks bị sụt giảm doanh thu lần đầu tiên trong 13 quý, trong khi chuỗi KFC Yum! Cũng chứng kiến doanh thu sụt giảm đầu tiên trong 15 quý.
Lạm phát ở Mỹ đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước. “Chi tiêu trả thù” sau đại dịch đã lắng xuống. Tình trạng mệt mỏi với lạm phát đang thúc đẩy người dân tiết kiệm tiền.
Người tiêu dùng Nhật Bản cũng trở nên nhạy cảm về giá vì tiền lương không theo kịp lạm phát.
Chuỗi gà rán KFC Nhật Bản đã giảm 40 yên (0,25 USD/6.300 VND) mỗi món cho 16 phần ăn trưa bao gồm bánh sandwich, đồ uống và khoai tây chiên từ cuối tháng 5. Sau khi chuỗi tăng giá một số món vào tháng 3 và tháng 10 năm ngoái, lượng khách hàng đã giảm.
Vào tháng 11, Skylark Holdings đã giảm giá 30 món chiếm 16% thực đơn tại chuỗi nhà hàng gia đình Gusto của công ty, bao gồm pizza, hamburger và đồ uống có cồn.
Chuỗi cửa hàng Saizeriya của Ý giữ nguyên giá khi nhiều đối thủ cạnh tranh tăng giá. Vì vậy, cửa hàng đã chứng kiến doanh số tăng 21,9% và lượng khách hàng tăng 19,1% trong sáu tháng tính đến tháng 2. Mặc dù chi phí hoạt động tăng do đồng yên yếu và chi phí lao động cao hơn, Chủ tịch Hideharu Matsutani của Saizeriya cho biết “chính sách không tăng giá của chúng tôi vẫn giữ nguyên”.
Ở Trung Quốc, thị trường việc làm yếu kém khiến nhiều người săn lùng những món hời.
Chuỗi nhà hàng lẩu Haidilao, với hơn 1.300 địa điểm, đã bắt đầu mở chuỗi nhà hàng giá rẻ vào mùa thu năm ngoái.
Một nồi nước lẩu có giá khởi điểm là 9,90 nhân dân tệ (1,36 USD) tại một địa điểm ở Bắc Kinh vào tháng 5, rẻ hơn gần 80% so với giá tại quán Haidilao đầy đủ dịch vụ. Một phụ nữ khoảng 30 tuổi làm việc gần đó cho biết: “Tính cả tiền đồ nhúng lẩu, một nồi lẩu có giá chỉ bằng một nửa thông thường và khiến bạn no bụng”. “Đó là một món hời”.
Yonghe King, chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh với hơn 450 địa điểm ở Trung Quốc, cũng đang chú ý hơn tới giá cả. Cửa hàng tung ra bữa sáng với giá thấp nhất là 6 nhan dân tệ.
Tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên đang tăng cao ở Trung Quốc, ở mức 14,2% trong tháng 5 đối với độ tuổi từ 16-24 và 6,6% đối với độ tuổi từ 25-29. Cả hai đều cao hơn tỷ lệ chung là 5%, theo Cục Thống kê Quốc gia.
Takeshi Takayama, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Viện nghiên cứu NLI, cho biết nhà hàng ở 3 quốc gia đang giảm giá vì những lý do khác nhau.
Ông nói: “Ở Mỹ, người tiêu dùng có thu nhập thấp không thể theo kịp lạm phát có xu hướng thắt chặt hầu bao”. “Trung Quốc đang trong xu hướng giảm phát”, còn ở Nhật Bản là “tiền lương thực tế chưa tăng nên khó tăng giá”.
Theo Nikkei Asia