Cô vợ tháng nào cũng mua quần áo mỹ phẩm hết 10 triệu nhưng dân mạng không dám chê nửa lời

Ngọc Linh, Theo Phụ nữ số 20:20 01/02/2025
Chia sẻ

Thậm chí, nhiều người còn phải khen cách chi tiêu của cô rất hợp lý.

Cố gắng tiết kiệm có lẽ là một trong những mục tiêu chung của không ít chúng ta trong năm mới, và để làm được điều đó, nhiều người thường nghĩ tới việc cắt giảm chi tiêu về mức tối thiểu. Dễ hiểu thôi, tiêu ít thì mới có dư, mới tiết kiệm được.

Nhưng không phải lúc nào việc chi tiêu "sẵng tay" cũng đồng nghĩa với hoang phí. Chia sẻ của của cô vợ trong câu chuyện dưới đây sẽ chứng minh điều đó.

Tháng kiếm 100 triệu, chi 10 triệu để chăm sóc bản thân

"Em 31 tuổi, chồng em 35 tuổi. Hai vợ chồng em làm tự do, thu nhập khoảng 100 triệu/tháng. 1 tháng em mua mỹ phẩm, quần áo hết cỡ 7-10 triệu, em cũng băn khoăn là như vậy có hoang quá không mọi người?

Cô vợ tháng nào cũng mua quần áo mỹ phẩm hết 10 triệu nhưng dân mạng không dám chê nửa lời- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Về chi tiêu cho cả gia đình thì nhà em phân bổ như sau:

- Tiền học bé lớn (4 tuổi): 9 triệu/tháng

- Tiền bỉm, sữa, tiêm phòng, thuốc bổ, quần áo cho bé nhỏ (3 tháng): 4 triệu

- Tiền ăn cả nhà: 9 triệu

- Tiền tiêu riêng của chồng (ăn sáng, ăn trưa, gặp gỡ bạn bè, xăng xe): 12 triệu

- Tiền đi chơi, đi ăn của cả nhà: 3 triệu

Các bác cho em xin ý kiến với ạ" - Cô vợ viết.

Như vậy tính ra, tổng chi tiêu bao gồm các chi phí cho gia đình và các khoản chi cá nhân, gia đình này tiêu hết 47 triệu/tháng. Đây là con số không nhỏ, nhưng nếu so với mức thu nhập của gia đình, đó vẫn là mức ngân sách hợp lý. Nhiều người đồng tình rằng chi tiêu khoảng 50% thu nhập và tiết kiệm 50% thu nhập là tỷ lệ khá ổn, vừa đảm bảo chất lượng cuộc sống, vừa có tiền tiết kiệm.

"Kiếm được tiêu được, không tiêu hết là ok rồi mom ơi. Với tình hình thu nhập như vậy thì mỗi tháng vẫn dư được tầm 50 triệu rồi. Nếu đã có nhà có xe thì cứ duy trì mức chi tiêu thôi, còn muốn mua nhà hay mua BĐS thì có thể cắt giảm khoản tiền tiêu cá nhân mom à" - Một người chia sẻ.

"Riêng mình thì nghĩ là nên đầu tư mạnh tay cho sức khỏe, sắc đẹp. Phụ nữ còn sinh nở, không chăm sóc bản thân thì sau này có tiền cũng chưa chắc lấy lại được sức khỏe. Thu nhập tốt và có dư hàng tháng rồi thì cứ chăm sóc bản thân, không có gì phải lăn tăn" - Một người khác cho hay.

"Kiếm được nhiều thì cứ xài thoải mái bạn ơi, cuộc đời này ngắn lắm. Mình thấy tiết kiệm được 20% là ổn, nhà bạn còn dư hơn 50% nên thoải mái thôi, nếu được thì để dành 1 khoản riêng biếu bố mẹ hàng tháng, còn ông bà cũng dư dả rồi thì tốt quá" - Một người khác bày tỏ.

Làm sao để cân bằng giữa việc hưởng thụ và tiết kiệm, tích lũy cho tương lai?

Có làm thì cũng nên có chơi, hay nói cách khác chính là hưởng thụ. Chúng ta đều là con người, không phải một cỗ máy vô tri vô giác, có thể làm quần quật quanh năm suốt tháng mà không biết mệt. Tuy nhiên, để việc hưởng thụ không đi quá xa, đến mức kiếm bao nhiêu tiêu hết chừng ấy, bạn nên tham khảo 2 gợi ý - cũng là 2 quy tắc cân bằng tài chính dưới đây.

1 - Lập quỹ hưởng thụ

Nếu bạn chưa biết: Theo quy tắc 6 chiếc lọ - Một quy tắc "kinh điển" trong quản lý tài chính cá nhân, quỹ hưởng thụ chính là 1 trong 6 chiếc lọ mà mỗi người cần chuẩn bị. Điều này đồng nghĩa với việc nhu cầu hưởng thụ là hoàn toàn chính đáng, không có gì đáng bài trừ nếu đảm bảo được sự cân bằng với 5 chiếc lọ còn lại.

Quy tắc 6 chiếc lọ là phương pháp quản lý chi tiêu bằng cách chia thu nhập thực tế thành 6 phần với hạn mức và mục đích cụ thể:

Cô vợ tháng nào cũng mua quần áo mỹ phẩm hết 10 triệu nhưng dân mạng không dám chê nửa lời- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Lọ nhu cầu thiết yếu - 55% tổng thu nhập: Dành cho những khoản phí cố định như tiền thuê nhà, tiền điện nước, tiền internet,…

Lọ tiết kiệm dài hạn - 10% tổng thu nhập: Dành cho việc tiết kiệm và tạo dựng quỹ dự phòng.

Lọ tự do tài chính - 10% tổng thu nhập: Dành cho các khoản đầu tư để tăng thu nhập.

Lọ giáo dục - 10% tổng thu nhập: Dành cho việc học tập và phát triển bản thân.

Lọ hưởng thụ - 10% tổng thu nhập: Dành cho những khoản chi tiêu giải trí như đi du lịch, xem phim, mua sắm,…

Lọ từ thiện - 5% tổng thu nhập: Dùng để ủng hộ các tổ chức từ thiện hoặc đóng góp vào các hoạt động xã hội.

Quy tắc này được đề xuất bởi tác giả T. Harv Eker trong cuốn sách "Secrets of the Millionaire Mind". Tác giả đã áp dụng và giảng dạy quy tắc này trong chương trình đào tạo tài chính cá nhân của mình, nhằm giúp mọi người quản lý tài chính một cách thông minh và đạt được sự mục tiêu tài chính. Quy tắc 6 chiếc lọ từ khi ra đời đã được rất nhiều người trên thế giới ứng dụng và đạt được hiệu quả trong việc quản lý tiền bạc, lập kế hoạch chi tiêu và sử dụng dòng tiền hợp lý.

2 - Lên kế hoạch tiết kiệm chi phí du lịch

Nếu không quản lý tài chính theo quy tắc 6 chiếc lọ phía trên, bạn vẫn có thể đi du lịch cùng gia đình mỗi năm 1-2 lần, đồng thời đảm bảo quỹ tiết kiệm không bị cắt xén bằng cách lên kế hoạch tiết kiệm 1 khoản riêng, phục vụ cho chuyến du lịch.

Đương nhiên việc lên ngân sách đi du lịch vẫn cần cân đối với các chi phí khác như tiền sinh hoạt, tiền học của con hay tiền tiết kiệm, đầu tư. Việc chuẩn bị trước một khoản tiền để đi du lịch vừa đảm bảo nhu cầu hưởng thụ của gia đình được diễn ra trọn vẹn, vừa không ảnh hưởng tới những khoản chi quan trọng khác.

Đừng có hứng lên là đi, hay vét sạch tiền để đi!

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày