Cô vợ đau đầu vì chi 12 triệu/tháng tiền ăn vẫn thấy thiếu, chẳng biết “bóp mồm bóp miệng” thế nào

Ngọc Linh, Theo Phụ nữ số 19:00 17/02/2025
Chia sẻ

Với gia đình này, tiền ăn có lẽ là khoản chi tốn kém nhất trong các chi phí cố định hàng tháng.

Nhắc đến chuyện cắt giảm chi tiêu, chắc hẳn phần lớn mọi người sẽ nghĩ ngay tới khoản tiền shopping. Đây cũng là khoản chi dễ "bị lố" nhất vì kiểm soát nhu cầu mua sắm vốn là chuyện không đơn giản. Ít ai lại nghĩ đến việc hạn chế tiền ăn, vì suy cho cùng ăn uống mà kham khổ quá thì chất lượng cuộc sống cũng như sức khỏe khó mà đảm bảo được.

Dẫu vậy, gia đình trong câu chuyện dưới đây vẫn quả quyết muốn cắt giảm tiền ăn hàng tháng.

Nhà 4 người, mỗi tháng chi 12 triệu tiền ăn vẫn lo thiếu

Trong bài tâm sự của mình, cô vợ cho biết: "Mình thấy nhiều nhà chi tiêu tiền thức ăn chỉ khoảng 6-7 triệu/ tháng. Thật sự rất nể. Nhà mình 4 người, 2 vợ chồng mình, 1 con trai 12 tuổi, 1 con gái 6 tuổi, mà cân đo đong đếm thế nào cũng không thể đủ với mức ngân sách 6-7 triệu/tháng, không tính tiền gạo.

Cô vợ đau đầu vì chi 12 triệu/tháng tiền ăn vẫn thấy thiếu, chẳng biết “bóp mồm bóp miệng” thế nào- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Nhà mình luôn làm 3 món trong bữa tối: 1 món mặn, 1 món canh, 1 món rau, thêm cả hoa quả tráng miệng. Sáng cũng nấu ăn tại nhà, không tính ăn trưa. Các mẹ vén hộ mình thực đơn với ạ, chứ tiền ăn tính cả ăn trưa tự túc, tiền gạo, tiền gia vị và sữa tươi cho con chắc 12 triệu cũng không đủ các mẹ ạ!".

Ở phần bình luận của bài đăng, có khá nhiều ý kiến, lời khuyên trái chiều dành cho mối băn khoăn về việc cắt giảm tiền ăn mà cô đặt ra. Có người cho rằng nếu kinh tế gia đình không quá eo hẹp, cũng không nên cắt giảm tiền ăn làm gì, vì 2 con đang tuổi ăn tuổi lớn, còn bố mẹ cũng phải ăn mới có sức làm việc kiếm tiền.

Bên cạnh đó, cũng có người quả quyết nhà 4 người mà tiền ăn 12 triệu/tháng thì đúng là hơi nhiều, nên cắt giảm.

"Nhà mình không vén khoản ăn uống, để các con ăn uống no nê thoả thích, món nào con không thích thì mình nấu ít, thích ăn thì mình nấu nhiều. Các con ở độ tuổi phát triển, ăn uống cũng nhiều hơn. Miễn sao thức ăn mỗi bữa không thừa quá nhiều, không bỏ phí là được mom ạ. Thay vì cắt giảm tiền ăn thì mom thử cắt giảm tiền mua sắm, vui chơi không thực sự cần thiết xem sao" - Một người bày tỏ quan điểm.

"Nhà em 4 người, 2 vợ chồng, 1 bé 5 tuổi, 1 bé 2 tuổi. Tiền ăn 1 tháng 4 triệu nhưng quả thực cũng phải nhịn ăn nhiều thứ mình thích nên nếu không quá khó khăn thì em nghĩ nên cắt giảm khoản khác, chứ cắt giảm tiền ăn thì nhiều khi thấy cực lắm ạ" - Một người đồng quan điểm không nên cắt giảm tiền ăn.

Cô vợ đau đầu vì chi 12 triệu/tháng tiền ăn vẫn thấy thiếu, chẳng biết “bóp mồm bóp miệng” thế nào- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

"12 triệu không đủ thì cũng nên xem xét lại thật, vì mình thấy nhiều nhà cứ mua đồ bừa phứa ra, nhất là các bạn ở chung cư, hay tiện mua trong group cư dân, đồ treo tận cửa, cứ tích đầy tủ lạnh mà mãi không ăn hết nên thành ra lãng phí. Nếu nhà bạn không như vậy thì tốt, còn muốn cắt giảm tiền ăn thì bố mẹ cố gắng mang cơm đi làm ăn trưa, tối hoặc sáng nấu dư ra 1 ít là cũng tiết kiệm được khá đấy" - Một người khuyên.

"Nhà mình 4 người, 2 người lớn, 2 trẻ em trên 10 tuổi, ngày nấu 2 bữa (sáng thường ăn ngoài), chi phí riêng cho ăn uống khoảng 6-7 triệu. Nhà mình ở TP.HCM nhé. Nhiều người cứ bảo cắt giảm tiền ăn là phải nhịn ăn, thì không phải đâu. Quan trọng là có khéo mua, khéo nấu hay không thôi. Ngoài ra cũng còn tùy sức ăn của từng nhà nữa nhưng 12 triệu/tháng vẫn lo không đủ thì cũng nên xem xét lại" - Một người chia sẻ.

3 bí quyết giảm chi phí ăn uống mà vẫn đảm bảo cả nhà được ăn ngon, đủ chất

Nếu không đặt nặng chuyện trải nghiệm "cao lương mỹ vị", cũng không ưu tiên ăn hàng hơn tự nấu tại nhà, công tâm mà nói, việc cắt giảm chi phí ăn uống khi sống ở thành phố lớn, không phải chuyện bất khả thi.

Ngân sách cho khoản này đương nhiên còn phụ thuộc vào số lượng thành viên cũng như sức ăn của từng gia đình. Dẫu vậy, bạn vẫn có thể tham khảo 3 cách dưới đây để giảm bớt tiền ăn hàng tháng, mà vẫn đảm bảo cả nhà được ăn ngon, ăn đủ chất chứ không phải ăn khổ.

1 - Nhờ bố mẹ, người thân mua thực phẩm ở quê và gửi lên thành phố

Thịt, trứng, hải sản nếu mua ở quê đều sẽ rẻ hơn mua ở thành phố. Bởi thế, nếu có thể nhờ bố mẹ ở quê mua đồ gửi lên thành phố, chẳng tội gì không nhờ. Bây giờ, các chuyến xe khách liên tỉnh gần như chạy cả ngày, 30 phút 1 chuyến, cước phí cũng rẻ. Đã mất công gửi xe, bạn nên tính toán số lượng thực phẩm đủ ăn cho gia đình trong vòng 2 tuần là tốt nhất.

2 - Tính định lượng cụ thể cho từng bữa ăn

Việc này có thể hơi tốn thời gian và công sức trong 1-2 tuần đầu, nhưng đổi lại, nó giúp bạn không mua quá nhiều thực phẩm, từ đó không bỏ phí đồ ăn.

Cô vợ đau đầu vì chi 12 triệu/tháng tiền ăn vẫn thấy thiếu, chẳng biết “bóp mồm bóp miệng” thế nào- Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Ví dụ: Mỗi bữa, mình cần ăn 200gr thịt, 300gr rau. Một ngày 2 bữa (bữa trưa và bữa tối) như vậy, số lượng thịt và rau cần mua cho cả tuần lần lượt là 2,8kg và 4,2kg.

Sau khi mua đúng mức định lượng đã tính toán, bạn chỉ cần sơ chế và chia nhỏ thịt thà, rau củ theo nhu cầu ăn của từng bữa rồi cấp đông. Đến khi cần nấu thì lấy đúng khẩu phần của 1 bữa ra rã đông và chế biến. Bữa ăn vừa đủ chất, vừa đủ lượng. Không thừa, không gây lãng phí và cũng không tốn kém.

3 - Mùa nào, thức nấy

Nếu bạn chưa biết: "Mùa nào, thức nấy" là một trong những bí quyết tiết kiệm của người Nhật Bản. Việc này hàm ý khuyên bạn không nên ăn rau củ, trái cây trái mùa hay nói rộng hơn là thực phẩm nhập ngoại. Một phần vì chúng đắt hơn hẳn sản phẩm nội địa, một phần vì để rau củ, trái cây trái mùa có thể không an toàn vì quá trình nuôi trồng có thể phải sử dụng hóa chất.

Việt Nam vốn là "thiên đường nhiệt đới". Hè có vải, nhãn, bơ, mít, sầu riêng,... Đông có hồng, lựu, cam cao phong,... Chuối, bưởi, ổi, lê, dưa hấu,... thì quanh năm đều có. Nếu kinh tế chưa dư dả, cứ mùa nào thức nấy cũng có khối lựa chọn để đa dạng hóa trải nghiệm ăn uống.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày