Sữa thanh trùng và sữa tiệt trùng là 2 loại sữa phổ biến nhất trên thị trường. Sự khác biệt lớn nhất giữa chúng là phương pháp khử trùng.
Sữa tươi vắt có thể mang vi khuẩn, do đó, nó không thể được uống trực tiếp mà phải khử trùng trước. Hiện nay có ba cách để khử trùng sữa, bao gồm:
- Thanh trùng ở nhiệt độ thấp, sữa được làm nóng đến 63 độ C - 65 độ C trong 30 phút.
- Thanh trùng ngắn hạn ở nhiệt độ cao duy trì ở 72-76 độ C trong 15 giây (hoặc 80-85 độ C trong 10-15 giây).
- Tiệt trùng tức thời với nhiệt độ cực cao 132 độ C trong 2-4 giây.
Hai phương pháp đầu tiên tạo ra loại sữa được gọi là sữa thanh trùng, sữa đã được xử lý để tiêu diệt hầu hết các vi khuẩn gây bệnh trong sữa và đảm bảo rằng lượng vi sinh vật có lợi vẫn còn trong sữa.
Do đó, nếu để sữa thanh trùng ở nhiệt độ phòng, các vi khuẩn có lợi trong sữa sẽ nhân lên một cách nhanh chóng, khiến sữa bị hỏng trong thời gian ngắn. Vì vậy, sữa thanh trùng phải được bảo quản trong điều kiện nhiệt độ thấp ở toàn bộ quá trình vận chuyển và lưu trữ.
Nhiệt độ hoàn hảo để bảo quản sữa thanh trùng thường là 2-6 độ C và có thể được lưu trữ trong 7-15 ngày khi chưa mở nắp.
Trong khi đó, với phương pháp khử trùng thứ 3 - tiệt trùng, sữa thành phẩm được gọi là sữa tiệt trùng, tức là quá trình khử trùng đã tiêu diệt tất cả vi khuẩn trong sữa (cả vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại). Do sữa không còn chứa vi khuẩn nên nó có thể được bản quản ở nhiệt độ phòng trong khoảng thời gian dài hơn sữa thanh trùng, khoảng 6 tháng đến 1 năm khi chưa được mở ra.
Với mỗi loại sữa khác nhau, sau khi mở ra, thời gian bảo quản của chúng cũng rất khác nhau. Thời hạn sử dụng của sữa thanh trùng sau khi được mở và bảo trong tủ lạnh được rút ngắn rất nhiều, nhiều nhất là 1-2 ngày. Trong khi đó, sữa tiệt trùng sau khi mở cũng phải được bảo quản trong tủ lạnh và thời gian bảo quản còn lại chỉ là 3-5 ngày.
Điều này là bởi trong môi trường nhiệt độ thấp của tủ lạnh, tốc độ tăng trưởng của hầu hết các vi khuẩn sẽ chậm lại, nhưng một số vi khuẩn ở nhiệt độ thấp vẫn có thể phát triển và sinh sản. Nếu bạn ăn sữa bị nhiễm loại vi khuẩn này, nó sẽ gây ra các bệnh đường ruột. Biểu hiện lâm sàng chung là tiêu chảy, trường hợp nặng có thể gây ngộ độc thực phẩm.
Nếu không bảo quản trong tủ lạnh, thời gian hỏng của cả 2 loại sữa sẽ càng được rút ngắn hơn, chỉ 3-4 giờ đồng hồ.
Do đó, sau khi mở sữa, trong mọi trường hợp, hãy uống càng sớm càng tốt. Tốt nhất là bạn nên để nó trong tủ lạnh sớm nhất có thể để ức chế sự phát triển của vi khuẩn và làm chậm sự hư hỏng của sữa.
Sữa chua bắt buộc phải được giữ ở nhiệt độ thấp của tủ lạnh. Điều này là bởi nếu được để ở nhiệt độ bình thường, vi khuẩn axit lactic trong sữa chua sẽ không được kiểm soát và phát triển nhanh chóng mặt, chúng lên men tự do với đường sữa trong sữa chua, làm cho sữa chua ngày càng chua hơn và hương vị không còn ngon nữa.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, trên thị trường đã bắt đầu xuất hiện một loại sữa chua có thể được để ở nhiệt độ bình thường. Thực tế, loại sữa này đã phải trải qua quá trình thanh trùng ở nhiệt độ cao sau khi lên men sữa chua ở nhiệt độ thấp với vi khuẩn axit lactic để giết chết tất cả các vi khuẩn axit lactic đã được lên men trong sữa chua.
Do đó, loại sữa chua có thể được để ở nhiệt độ thường này gần như vô trùng, có thể được bảo quản ở nhiệt độ 4-25 độ C trong khoảng 6 tháng mà không cần thêm bất kỳ chất bảo quản nào.
Nguồn: QQ, Kknews