Có phải cứ tiêm vắc xin HPV là sẽ không mắc ung thư cổ tử cung nữa?

Ngọc Ái, Theo https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn 22:33 27/05/2025
Chia sẻ

Tiêm vắc xin HPV là biện pháp hiệu quả để phòng ngừa ung thư cổ tử cung. Nhưng nhiều chị em thắc mắc hiệu quả tới mức nào, có phải cứ tiêm đủ mũi là sẽ không lo mắc bệnh này nữa?

Tại sao tiêm vắc xin HPV giúp phòng ngừa ung thư cổ tử cung?

Ung thư cổ tử cung thường do virus HPV (Human Papillomavirus) gây ra, là một loại virus lây chủ yếu qua đường tình dục. Theo các thống kê và nghiên cứu có liên quan, có hơn 90% trường hợp ung thư cổ tử cung liên quan đến HPV, đặc biệt là hai chủng nguy hiểm HPV-16 và HPV-18. Các chủng như HPV-6 và HPV-11 thì thường gây mụn cóc sinh dục, không dẫn đến ung thư nhưng vẫn làm phiền chị em.

Có phải cứ tiêm vắc xin HPV là sẽ không mắc ung thư cổ tử cung nữa?- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Vắc xin HPV hoạt động như một "huấn luyện viên" cho hệ miễn dịch, giúp cơ thể nhận diện và tiêu diệt virus HPV trước khi chúng gây hại. Để phòng ngừa hiệu quả, các loại vắc xin HPV được nghiên cứu và phát triển dựa trên phạm vi bảo vệ các chủng HPV có nguy cơ cao nhất. Hiện nay, có 3 loại vắc xin HPV được sử dụng phổ biến, mỗi loại bao phủ số lượng chủng virus khác nhau:

- HPV 2: Phòng ngừa 2 chủng nguy hiểm nhất: HPV 16 và 18 - nguyên nhân chính gây ung thư cổ tử cung.

- HPV 4: Bao phủ 4 chủng: 6, 11, 16 và 18. Ngoài ngừa ung thư cổ tử cung, còn ngăn ngừa mụn cóc sinh dục do chủng 6 và 11.

- HPV 9: Là loại vắc xin HPV bảo vệ rộng nhất, với 9 chủng HPV gồm: 6, 11, 16, 18, 31, 33, 45, 52 và 58. Nhờ đó, có thể phòng được khoảng 90% các trường hợp ung thư cổ tử cung và nhiều loại ung thư, mụn cóc sinh dục khác.

Một nghiên cứu trên The Lancet năm 2021 cho thấy, ở các nước tiêm vắc xin HPV rộng rãi, tỷ lệ ung thư cổ tử cung ở phụ nữ trẻ giảm mạnh, có nơi đến 88%. WHO còn dự đoán, nếu 90% bé gái tiêm vắc xin trước 15 tuổi, thế giới có thể giảm hơn 40 triệu ca ung thư cổ tử cung trong 100 năm tới.

Có phải cứ tiêm vắc xin HPV là sẽ không mắc ung thư cổ tử cung nữa?

Dù vắc xin HPV là "trợ thủ" đắc lực, giúp phòng tới 90-95% nguy cơ ung thư cổ tử cung do các chủng nguy cơ cao nhưng nó không phải "tấm khiên" ngăn được mọi trường hợp ung thư cổ tử cung. Theo CDC, vắc xin chỉ bảo vệ chống lại các chủng cụ thể như HPV-16, HPV-18 và một số chủng khác nhưng thực tế có hơn 100 chủng HPV, và khoảng 5-10% trường hợp ung thư cổ tử cung liên quan đến các chủng không được vắc xin bao phủ. Vì vậy, tiêm vắc xin không đảm bảo bạn "miễn nhiễm" hoàn toàn với ung thư cổ tử cung.

Thời điểm tiêm cũng rất quan trọng. Các tổ chức y tế và vắc xin nhấn mạnh rằng vắc xin hiệu quả nhất khi tiêm trước khi tiếp xúc với virus, tức là trước khi quan hệ tình dục. Bởi nếu bạn đã nhiễm HPV trước khi tiêm, vắc xin không thể loại bỏ virus đã có trong cơ thể mà chỉ chống các chủng chưa mắc phải. Và độ tuổi tiêm hiệu quả cao nhất là 9 -14 tuổi, càng về sau tới 45 tuổi thì hiệu quả càng suy giảm đi đáng kể.

Có phải cứ tiêm vắc xin HPV là sẽ không mắc ung thư cổ tử cung nữa?- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Ngoài ra, hút thuốc, hệ miễn dịch yếu hay không tầm soát định kỳ cũng làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung, ngay cả khi đã tiêm. Hiệu quả của vắc xin dù bền vững nhưng cũng có thể suy giảm theo độ tuổi hoặc mắc các bệnh lý liên quan tới suy giảm miễn dịch.

Để bảo vệ tối đa, các chuyên gia khuyên kết hợp tiêm vắc xin với tầm soát định kỳ, như xét nghiệm Pap hoặc xét nghiệm HPV. Đồng thời xây dựng lối sống lành mạnh để phòng ngừa ung thư cổ tử cung tốt nhất có thể.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày