Ra đời vào quãng thời gian trước năm 1975, cùng với bánh nắp hầm, phở không người lái là một sáng tạo mang tính lịch sử của cửa hàng ăn uống mậu dịch quốc doanh.
Tuy nhiên, cái tên đầy ấn tượng này lại do người dân đặt ra. Nhiều người cho rằng, nó xuất phát từ tên gọi của loại máy bay không người lái luôn vần vũ trên đầu mỗi ngày, gắn với những ám ảnh về thời kỳ khó khăn của người dân miền Bắc trong những năm chống chiến tranh phá hoại của Mỹ. Thế nhưng một cách lý giải khác cho rằng, phở không người lái có nghĩa là phở không có thịt, cả bát phở chỉ độc có sợi và nước phở.
Thời kỳ của tem phiếu, mua cái gì cũng cần đến tem phiếu và đương nhiên, muốn ăn phở cũng vậy. Thực khách sẽ phải xếp hàng, đưa tem phiếu rồi tự bê bát phở về bàn. Bát phở trắng tinh màu của sợi phở, điểm chút xanh xanh của hành lá và tuyệt nhiên, chẳng có bất kì mẩu thịt nào cả. Thế nhưng ở cái thời kỳ khốn khó ấy, khi tất thảy những thứ như gạo, thịt, mắm, muối... đều khan hiếm thì chỉ cần ngửi thấy mùi phở thôi cũng đã tỉnh cả người rồi. Tuy là phở mậu dịch nhưng bát phở vẫn có đầy đủ các thứ gia vị làm nên mùi vị không thể lẫn đi đâu được. Người ta còn đùa nhau rằng, có phở không người lái mà ăn còn tốt chán so với ăn "phở ngó" rồi (phở ngó là chỉ đi qua, ngó vào xem rồi lại đi tiếp).
Ăn phở không người lái, không chỉ là cái ngon của thời đó mà còn là niềm vui gặp gỡ, nghe ông chủ quán kể đủ thứ chuyện, cập nhật tin tức tình hình. Hay như cái cách người ta ăn bát phở giữa thời kỳ chiến tranh vẫn hay được kể lại: đang ăn thì có máy bay địch bay đến liền bê bát chạy xuống hầm trú, máy bay đi qua thì lại lên ăn tiếp. Cái thời đó, khổ nhưng mà vẫn vui. Bát phở chẳng cần thịt nhưng vẫn đậm đà hương vị Hà thành, đậm đà những câu chuyện buồn vui gắn bó suốt thời kỳ khó khăn của dân tộc.
Và cứ thế, phở mậu dịch dù không người lái vẫn là món ăn xa xỉ trong thời kỳ khó khăn, và trở thành câu chuyện được lưu truyền cho đến tận bây giờ.