Cô tên là Su Yige, năm nay 24 tuổi. Su Yige không chỉ yêu thích việc bảo vệ môi trường mà còn duy trì lối sống tối giản cùng những thói quen vô cùng tích cực. Tất cả những điều này đều là do Su Yige bị ảnh hưởng sâu sắc bởi cha mẹ từ khi cô còn nhỏ. Cô lớn lên trong một gia đình sống đơn giản. Hầu hết quần áo trong tủ đồ của mẹ Yige đều đã hơn 10 năm tuổi, còn chiếc máy sấy tóc mẹ cô dùng cũng gần 20 năm rồi.
Su Yige nhớ hồi nhỏ, có những ngày bố mẹ bận công việc không thể nấu ăn nên bố cô phải tự xách nồi từ nhà hàng nơi bố làm việc về. Vừa thân thiện với môi trường, vừa tránh được những rủi ro về sức khỏe do thức ăn nóng tiếp xúc với hộp cơm dùng một lần.
Lớn lên trong môi trường như vậy, cô cũng hình thành thói quen tiết kiệm. "Dù giàu hay nghèo thì lãng phí đều là điều đáng xấu hổ". Quan niệm này cũng đã ăn sâu vào lòng cô.
Su Yige và gia đình của cô.
Tuy nhiên, lúc này Su Yige chỉ biết tiết kiệm chứ chưa hề tò mò về vấn đề môi trường, cũng như chưa có hiểu biết sâu sắc về lối sống bền vững cho đến khi xem bộ phim tài liệu “Vương quốc nhựa” ở trường trung học. Cô từng bị sốc trước lượng rác thải ngoại nhập từ nước ngoài trong phim. Trước đó, cô luôn tin rằng "tái chế là hành vi tích cực và thân thiện với môi trường 100%". Mặc dù bộ phim tài liệu cho thấy những lợi ích mà việc tái chế rác thải có thể mang lại nhưng nó cũng cho thấy những rủi ro về sức khỏe và ô nhiễm môi trường do xử lý không đúng cách.
Đó là lần đầu tiên cô nhận ra việc bảo vệ môi trường là một vấn đề rất phức tạp và bắt đầu quan tâm đến nhiều giải pháp môi trường khác nhau. Kết quả là Su Yige bắt đầu xem nhiều phim tài liệu và các bài báo khoa học nổi tiếng hơn.
Cô bắt đầu thực hành bảo vệ môi trường trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Cô cũng tham gia một tổ chức môi trường địa phương để chia sẻ kinh nghiệm làm phân trộn và phổ biến kiến thức phân loại rác...
Vào tháng 4 năm 2020, cô bắt đầu chia sẻ các video về lối sống thân thiện với môi trường trên nền tảng xã hội. Việc bảo vệ môi trường của cô chạm đến mọi khía cạnh của cuộc sống. Khi đi siêu thị mua sắm, cô ấy sẽ đem theo túi vải, túi lưới nhỏ để đựng đồ thay vì sử dụng túi nilon. Nếu cô ấy mua những thực phẩm nhiều nước như đậu phụ và kim chi, cô ấy sẽ mang theo một chiếc hộp thủy tinh để đựng chúng.
Hàng ngày, cô ấy sẽ mang theo hộp cơm trưa đi làm để ăn. Khi muốn uống trà sữa, cô ấy cũng sẽ mang theo một chiếc bình để rót đầy. Ở một số cửa hàng, nếu mang theo hộp đựng riêng, bạn có thể mua được một cốc trà sữa lớn với giá bằng một cốc vừa.
Su Yige và sinh hoạt thường ngày của mình.
Khi cần mua hàng trực tuyến, cô ấy sẽ ghi chú trước khi đặt hàng: Đừng tặng thêm quà cũng đừng đóng gói quá kỹ, nếu có hư hỏng gì, tôi sẽ chịu trách nhiệm và tôi chắc chắn sẽ đền bù. Đương nhiên, tôi vẫn sẽ đánh giá tốt cho bạn.
Ngoài việc giảm thiểu túi nhựa, túi nilon qua việc đóng gói khi mua sắm, cô ấy cũng tự tay làm nhiều món đồ bằng vải, sáp ong, nhựa thông, v.v.
Ngoài ra, các loại bột giặt dùng ở nhà cũng do cô tự tay làm, giá thành rẻ và thân thiện với môi trường. Đối với chất tẩy rửa nhà bếp, cô ấy sử dụng hỗn hợp cam quýt và giấm trắng, sau đó đậy lại rồi để nguyên trong hai tuần. Vì có tính axit cao nên nó có thể làm sạch mọi ngóc ngách trong nhà ngoại trừ bề mặt đá cẩm thạch.
Cô ấy cũng sử dụng bã xơ mướp, cán dừa và giẻ lau làm dụng cụ vệ sinh. Ngay cả khi không sử dụng, bạn có thể chôn vùi chúng trong đất để phân hủy tự nhiên.
So với việc sử dụng mỹ phẩm đắt tiền, cô tin rằng một cơ thể khỏe mạnh sẽ dễ dàng nuôi dưỡng làn da khỏe mạnh hơn. Đối với các sản phẩm như băng vệ sinh thì lựa chọn của cô ấy là cốc nguyệt san làm bằng silicone. Một chiếc cốc nguyệt san như vậy có thể sử dụng được 5-10 năm.
Ngoài việc tránh sử dụng đồ nhựa, việc mua đồ cũ và tận dụng tối đa mọi thứ cũng là nguyên tắc cơ bản để Su Yige thực hành lối sống thân thiện với môi trường.
Hầu như toàn bộ bàn ghế, quần áo (trừ đồ lót) và đồ vật trong nhà cô đều được mua hoặc nhặt nhạnh qua các kênh đồ cũ.
Ví dụ, khi còn đi du học ở Toronto (Canada), cô ấy đã mua 4 chiếc ghế gỗ nguyên khối rồi sau đó tự tay sáng tạo ra bộ bàn trà/cà phê cho riêng mình. Cách này vừa tiết kiệm lại giúp cô bảo vệ môi trường.
Sau khi trở lại Thượng Hải vào năm ngoái, cô ấy cũng đã mua một bộ đồ nội thất cổ điển hoàn chỉnh chỉ với 1.000 nhân dân tệ (chừng hơn 3 triệu đồng) ở chợ trời. Sau đó làm sạch và trang trí phù hợp để tạo ra những món đồ tinh tế cho căn nhà của mình.
Bộ bàn cà phê này do chính cô ấy tự làm.
Nhiều người có thể lo lắng về việc sử dụng đồ cũ, nhưng Su Yige thì không. Miễn là có thể tận dụng tối đa khả năng sử dụng của 1 món đồ, Su Yige đều cảm thấy rất vui.
Lối sống xanh không chỉ giúp cô bảo vệ môi trường mà còn giúp cô tiết kiệm được rất nhiều tiền bạc. Đồng thời mang tới cho cô nhiều niềm vui hơn nữa khi có thể tự làm và tận dụng được hết công năng của 1 món đồ.
Theo: Toutiao