Nhiều người vẫn nghĩ giới trẻ tuổi 20 chẳng mấy bận tâm đến chuyện quản lý tài chính, chỉ biết tiêu tiền vô tư, chạy theo trào lưu và vung tay cho những cuộc vui. Nhưng thực tế lại khác xa! Không ít bạn trẻ ngày nay không những giỏi kiếm tiền mà còn cực kỳ quan tâm đến cách chi tiêu và kiểm soát tài chính cá nhân. Cô bạn dưới đây chính là ví dụ.
Mới đây, một cô gái 20 tuổi đã nhận được nhiều chú ý khi chia sẻ về câu chuyện tài chính cá nhân của mình. Cô bạn đang làm sale về mảng bất động sản và mặt hàng thời trang nhanh. Nhờ đó, cô kiếm được thu nhập 20-30 triệu/tháng, con số dao động còn tuỳ thuộc vào thưởng doanh thu. Đáng nói, dù có mức thu nhập ổn nhưng cô không bao giờ tiêu hết, mà dành phần lớn để tiết kiệm và đầu tư.
Hàng tháng, cô bạn chỉ dành khoảng 12,3 triệu cho chi phí sinh hoạt. Cụ thể như sau:
- Tiền thuê phòng trọ: 2 triệu
- Tiền gửi về gia đình: 2 triệu.
- Trả góp thẻ tín dụng: 1,3 triệu (Cô nàng đến tháng 6 này sẽ trả hết khoản nợ này).
- Tiền ăn sáng/tối: 3 triệu.
- Tiền mua mỹ phẩm, quần áo: 2 triệu.
- Tiền đi chơi, ăn uống: 2 triệu.
- Tổng chi tiêu: 12,3 triệu/tháng.
Ảnh minh hoạ
"Em cần vun vén, cắt giảm khoản nào không ạ? Thu nhập như này em mới may mắn nhận được vào cuối 2024. Nên em vẫn chưa biết phải tiết kiệm như nào cả. Em nên đầu tư vàng hay gửi sổ tiết kiệm? Và làm thế nào để mình có thói quen tiết kiệm đi vào khuôn khổ? Vì tháng nào em cũng dùng lố số tiền mình tự đề ra lắm", cô nàng bày tỏ băn khoăn.
Bên dưới bài đăng của cô gái đã nhận về rất nhiều ý kiến của cộng đồng mạng. Đa số đều dành lời khen ngợi cho nàng tuổi 20 vừa kiếm tiền giỏi mà còn quan tâm đến chi tiêu. Họ cũng dành một số lời khuyên để cô có thể gia tăng quỹ tiết kiệm và đầu tư hiệu quả hơn từ đồng lương kiếm được.
Một số bình luận nổi bật:
- Tài chính thì bạn đang chi hết tầm 12-14 triệu/tháng nếu tính cả chi phí lặt vặt, tiền xăng xe. Vậy tháng bạn để dành tầm 6-15 triệu thì sau 2 năm, bạn mua miếng đất ở quê là được rồi.
- Bạn giỏi quá. Hồi tầm tuổi bạn mình chỉ kiếm được 1/2 lương của bạn mà còn không biết chi tiêu. Cứ kiếm được đồng nào là mình tiêu cho bằng sạch.
- Mình nghĩ với mức chi tiêu này thì bạn không cần tiết kiệm nữa đâu. Vì bạn còn trẻ mà, cứ cố cắt giảm thêm khoản chi là phí hoài tuổi xuân lắm. Còn tiền nhàn rỗi thì bạn đừng để không. Giá vàng đang cao nên bạn có thể gửi tiết kiệm, đợi vàng hạ nhiệt thì mua vào. Chứng khoán cũng là nơi bạn nên để tâm. Nhưng lúc mới vào thị trường thì bỏ ít tiền thôi. Sau này khi bạn đã biết con cổ phiếu nào tăng trưởng thì chứng khoán là kênh đầu tư lợi nhuận rất lớn.
- Giờ bạn chia tiền tiết kiệm thành 2 hũ. Một hũ dùng để gửi tiết kiệm hoặc mua chứng chỉ quỹ - kênh đầu tư lợi nhuận thấp nhưng an toàn. Một hũ còn lại thì dùng để mua vàng. Hàng tháng bạn cứ mua vàng, đừng quan tâm quá nhiều đến giá cả vì dù sao sau này vàng cũng tăng trưởng. Hoặc giờ bạn tiết kiệm cũng được khoảng 20 triệu/tháng thì rủ thêm bố mẹ, anh chị vay vốn mua đất vùng ven.
Ảnh minh hoạ
Khi có một khoản tiền nhàn rỗi, nhiều người trẻ băn khoăn không biết nên làm gì để số tiền đó không chỉ nằm yên mà còn có thể sinh lời. Việc đầu tư không chỉ giúp bảo toàn giá trị tài sản trước lạm phát mà còn tạo ra cơ hội gia tăng thu nhập, xây dựng nền tảng tài chính vững chắc cho tương lai. Dưới đây là 4 gợi ý phổ biến mà người trẻ có thể cân nhắc khi có tiền nhàn rỗi.
Chứng khoán là một trong những kênh đầu tư phổ biến và phù hợp với người trẻ vì tính thanh khoản cao, vốn đầu tư ban đầu không cần quá lớn và có tiềm năng sinh lời nếu biết cách phân tích thị trường. Khi đầu tư vào cổ phiếu của các doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng, người trẻ có thể hưởng lợi từ việc giá cổ phiếu tăng hoặc nhận cổ tức định kỳ.
Tuy nhiên, thị trường chứng khoán cũng tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt là khi nhà đầu tư chưa có nhiều kinh nghiệm. Vì vậy, trước khi tham gia, người trẻ cần trang bị kiến thức về phân tích tài chính, hiểu rõ nguyên tắc đầu tư và chỉ sử dụng số tiền nhàn rỗi thay vì vay mượn để đầu tư. Việc đầu tư lâu dài, theo dõi xu hướng thị trường và có chiến lược hợp lý sẽ giúp người trẻ tận dụng tốt cơ hội mà chứng khoán mang lại.
Bất động sản luôn được xem là kênh đầu tư hấp dẫn nhờ khả năng bảo toàn giá trị tài sản và tiềm năng tăng giá theo thời gian. Dù yêu cầu số vốn ban đầu lớn hơn so với chứng khoán, nhưng nếu biết chọn lựa đúng thời điểm và khu vực có tiềm năng phát triển, nhà đầu tư có thể thu về lợi nhuận đáng kể từ việc cho thuê hoặc bán lại.
Người trẻ không nhất thiết phải có số vốn quá lớn để tham gia vào thị trường bất động sản. Hiện nay, có nhiều hình thức đầu tư linh hoạt như góp vốn vào các dự án bất động sản hoặc mua đất nền ở những khu vực có tiềm năng phát triển trong tương lai. Ngoài ra, nếu có cơ hội, việc sở hữu một căn hộ nhỏ để cho thuê cũng là cách tạo ra thu nhập thụ động hiệu quả.
Tuy nhiên, đầu tư bất động sản không phải lúc nào cũng dễ dàng. Người trẻ cần tìm hiểu kỹ về thị trường, vị trí, tính thanh khoản và pháp lý trước khi xuống tiền. Ngoài ra, vì bất động sản là tài sản có tính dài hạn, nên việc chuẩn bị tài chính và kế hoạch đầu tư rõ ràng là vô cùng quan trọng.
Vàng từ lâu đã được xem là một kênh đầu tư an toàn, đặc biệt trong những thời kỳ kinh tế bất ổn hoặc lạm phát gia tăng. Khi các loại tài sản khác có thể mất giá, vàng thường giữ được giá trị và có xu hướng tăng giá theo thời gian.
Tuy nhiên, đầu tư vào vàng thường phù hợp với chiến lược dài hạn thay vì tìm kiếm lợi nhuận nhanh chóng. Bởi giá vàng có thể dao động trong ngắn hạn, nhưng nếu giữ trong nhiều năm, vàng có thể mang lại lợi nhuận ổn định và giúp bảo toàn giá trị tài sản. Đối với người trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm đầu tư, việc trích một phần tiền nhàn rỗi để mua vàng là một lựa chọn an toàn, giúp đa dạng hóa danh mục đầu tư và giảm thiểu rủi ro.
Bên cạnh các kênh đầu tư tài chính, việc đầu tư vào chính bản thân là một lựa chọn không thể bỏ qua, đặc biệt là với người trẻ. Việc trau dồi kỹ năng, kiến thức và mở rộng mối quan hệ có thể mang lại giá trị lâu dài, giúp tăng thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống trong tương lai.
Có nhiều cách để đầu tư vào bản thân, chẳng hạn như tham gia các khóa học phát triển kỹ năng chuyên môn, học thêm ngoại ngữ, rèn luyện tư duy tài chính hoặc tham gia các hội thảo, sự kiện kết nối để mở rộng mối quan hệ. Ngoài ra, việc chăm sóc sức khỏe cũng là một dạng đầu tư quan trọng, bởi có sức khỏe tốt mới có thể làm việc hiệu quả và duy trì năng suất lâu dài.
Không giống như chứng khoán hay bất động sản, việc đầu tư vào bản thân không mang lại lợi nhuận ngay lập tức nhưng lại có giá trị bền vững theo thời gian. Một người có kiến thức, kỹ năng và tư duy tốt sẽ luôn có cơ hội để phát triển, kiếm được nhiều tiền hơn và tận hưởng cuộc sống tốt hơn.