“Tôi muốn dùng chiếc xe máy để trải nghiệm từng tấc đất giải phóng”
Trưa ngày 29/4, ông Trần Văn Thanh (76 tuổi) - người cựu chiến binh gây "sốt" khắp mạng xã hội những ngày qua nhờ hành trình đặc biệt vượt hơn 1300km để đến xem lễ tổng duyệt diễu binh, diễu hành dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã xuất hiện trên đường Bùi Thị Xuân, quận 1 (TP.HCM).
Những hình ảnh của ông Thanh tại TP.HCM
Clip: Quân
Tại đây, đã có rất nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ đã lập tức nhận ra ông Thanh bởi hành trình yêu nước đầy đặc biệt vào tuổi xế chiều. Mọi người đã chủ động tiến tới hỏi thăm, chụp ảnh lưu niệm cũng như chúc mừng ông đã kịp đặt chân tới thành phố mang tên Bác trước thời điểm diễn ra lễ kỷ niệm.
Được biết, vào ngày 27/4, sau 10 ngày chạy xe máy từ Nghệ An, cựu chiến binh Trần Văn Thanh (76 tuổi) kịp có mặt tại TPHCM xem lễ tổng duyệt diễu binh, diễu hành dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong chương trình cầu truyền hình Vang mãi khúc khải hoàn, ông Thanh cùng chiếc xe máy trở thành vị khách đặc biệt xuất hiện giao lưu với khán giả, cựu chiến binh Trần Văn Thanh nói lý do ông chọn đi xe máy thay vì ô tô hay máy bay.
“Trong lúc đất nước chúng ta hoà bình, nhiều người lựa chọn ô tô hoặc máy bay nhưng riêng bản thân tôi, tôi muốn dùng chiếc xe máy để trải nghiệm từng tấc đất giải phóng. Đến TP.HCM, tôi thấy được cuộc sống của nhân dân ta đổi mới từng ngày, thấy được hòa bình hạnh phúc.” - ông Thanh chia sẻ.
Hình ảnh ông Thanh trong suốt hành trình
Hành trang mang tới TPHCM của cựu chiến binh 76 tuổi chẳng có gì ngoài cuốn sổ tay ghi lại những ngày đi qua 14 tỉnh thành cùng một vali quần áo, thùng đồ lỉnh kỉnh những nồi xoong cùng dụng cụ sửa chữa xe máy nhưng đặc biệt nhất có lẽ là lá cờ tổ quốc luôn tung bay trong gió.
Vốn tưởng ông sẽ một mình trong suốt dọc hành trình, nhưng điều đáng ngạc nhiên là ông Thanh vẫn luôn có sự đồng hành, ủng hộ từ những người xa lạ nhưng có chung một cái tên "đồng bào".
Những đoạn video ghi lại những ngày tháng đáng nhớ của ông trên suốt dọc đường đã luôn được chia sẻ và trở thành một trong những chủ đề được nhiều người quan tâm nhất những ngày qua. Mỗi khi đặt chân tới một vùng đất, người dân đều mở rộng vòng tay giúp đỡ ông, từ việc ăn uống, ngủ nghỉ hay thậm chí là sửa xe.
“Tôi không muốn phiền đến ai nên chuẩn bị sẵn việc ăn, nghỉ dọc đường. Không ngờ, khi một số người biết, đưa hình ảnh của tôi lên mạng thì đến quán ăn nào chủ quán cũng không lấy tiền, họ còn mua tặng nước uống, rồi bảo trì xe giúp tôi trên đường. Ai cũng động viên, ủng hộ, giúp đỡ để tôi vào TPHCM cho kịp dự đại lễ. Tôi chỉ biết cảm ơn mọi người”, ông Thanh cảm kích chia sẻ với báo Sài Gòn giải phóng.
Điểm đến đầu tiên đầy đặc biệt
Chia sẻ với báo Sài Gòn giải phóng ông Thành bộc bạch: “Tôi nung nấu ý định đi vào TPHCM bằng xe máy từ lâu nhưng cũng lo sức khỏe vì tuổi đã già. Dịp TPHCM kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là động lực để tôi quyết tâm hoàn thành tâm niệm. Sợ gia đình biết và lo lắng nên tôi không nói đi bằng phương tiện gì, chỉ báo là đi TP.HCM”
Nghĩ là làm, cựu chiến binh Trần Văn Thanh khăn gói lên đường từ ngày 17/4. Để đảm bảo sức khỏe, ông tự đặt mục tiêu mỗi ngày đi khoảng 150km và có nhật trình hàng ngày. Sau 10 ngày ròng rã, bàn tay ông đã sạm đi vì nắng gió.
Bàn tay sạm đi vì cháy nắng của ông Thanh (Ảnh: Sài Gòn Giải phóng)
Được biết, ông Trần Văn Thanh từng chiến đấu ở mặt trận B5 (khu vực Đường 9 và bắc Quảng Trị) trong kháng chiến chống Mỹ.
Trên đường vào Nam, nơi ông Thanh ghé thăm đầu tiên là Nghĩa trang liệt sĩ Vĩnh Linh và chiến trường xưa Thành cổ Quảng Trị - nơi ông đã chiến đấu trong những năm từ 1968 đến 1974. Mỗi khi nhắc lại chuyện xưa, người cựu chiến binh lại rưng rưng: “Ngày đó, chiến trường Quảng Trị ác liệt lắm, nhiều đồng đội của tôi đã ngã xuống. Giờ hòa bình tôi chỉ mong có dịp đi thắp hương cho những đồng đội đã hy sinh cho nền hòa bình hôm nay”.
Ông Thanh cho biết, đi xe máy ngoài việc thăm lại chiến trường xưa, ông còn muốn chứng kiến sự phát triển, đổi thay của từng vùng đất quê hương và cuộc sống của người dân sau 50 năm đất nước thống nhất. Khó khăn nhất có lẽ là đoạn qua đèo Hải Vân, bởi tuổi đã cao nên không còn nhanh nhạy để lái xe qua các cung đường đèo khó, đã vậy xe lại hết xăng may mắn nhờ có người dân xung quanh hỗ trợ…
Ông Thanh đã đến được TP.HCM sau hành trình dài (Ảnh: Sài Gòn Giải phóng)
Khi được hỏi điều khiến ông xúc động nhất suốt chuyến đi, ông Thanh không ngần ngại chia sẻ với VTC News: "Chính là sự bình yên. Những mái nhà san sát, những đứa trẻ tung tăng cười đùa, những ngọn cờ đỏ sao vàng bay phấp phới. Hòa bình, đối với tôi, là món quà quý giá nhất mà bao thế hệ đã đổ máu mới giành được".
Đối với ông Thanh, hơn 1.300km, 10 ngày rong ruổi là hành trình của trái tim chưa bao giờ ngừng yêu Tổ quốc.
Chuyến đi để "được sống trong vòng tay yêu thương của người dân" giữa những ngày tháng Tư lịch sử.
Sau hành trình “không tưởng” ở tuổi thất thập, ông Trần Văn Thanh đã nhận được lời mời trang trọng từ Ban Tổ chức để tham dự Lễ Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30-4, trên trục đường Lê Duẩn (quận 1, TPHCM).