Từng có tỉ lệ người xem cao nhất trên kênh truyền hình thiếu nhi Nickelodeon, loạt phim này là sản phẩm của nhà làm phim hoạt hình kiêm thủy sinh vật học Stephen Hillenburg.
SpongeBob: Anh hùng lên cạn cũng là phiên bản điện ảnh tiếp theo của The SpongeBob SquarePants Movie (2004) sau hơn 10 năm dài vắng bóng.
Poster của phim
Nhân vật trung tâm của phim là SpongeBob, chàng bọt biển màu vàng với tính tình lạc quan, dễ mến và cũng là người giữ công thức làm bánh bí truyền mê hoặc cả thị trấn đại dương Bikini Bottom. Bạn bè của cậu là những sinh vật có tính cách kỳ lạ như ông chủ Krabs mê tiền, cô sóc Sandy Cheeks hay lo lắng, chàng Patrick Star tham ăn nhưng tốt bụng. Khi công thức bị đánh cắp một cách bí ẩn dẫn đến việc thành phố nổi loạn, nhóm của SpongeBob phải hợp tác với kẻ thù của mình là Plankton để truy tìm. Cuộc phiêu lưu đưa tất cả đến một nơi hoàn toàn xa lạ: thế giới của con người trên cạn.
Trên nền câu chuyện chung khá đơn giản ấy là sự tung hoành vô bờ của trí tưởng tượng. Khi xem phim, khán giả sẽ đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác với cách những người bạn giải quyết tình huống. Có nhân vật còn phá vỡ cả “bức tường thứ 4” (biết rõ mình là nhân vật trong phim) với câu nói: “
Tất cả các nhân vật phụ đi theo tôi về”. Một số nhân vật còn sử dụng đến tiếng hát khi họ cần nhấn mạnh một ý tưởng nào đó. Ý tưởng chính của phim vẫn xoay quanh việc đề cao tình bạn và sự hợp tác, nhưng theo một cách rất kì lạ rất riêng chứ không hề sáo mòn.
Cách thể hiện các giá trị nhân văn trong phim mới lạ và nhiều bất ngờ
Khoảng 2/3 đầu phim, cuộc phiêu lưu của SpongeBob là ở dưới biển với nét vẽ hoạt hình truyền thống. Khi các nhân vật lên cạn, thế giới trở thành cảnh thật còn các nhân vật hoạt hình được thể hiện bởi cách tạo hình 3D. Sự tương tác giữa các nhân vật hoạt hình và thế giới người thật là điểm đột phá của 1/3 cuối bộ phim, khi khán giả đã hơi mệt mỏi vì sự kéo dài của các tình tiết trước đó.
Nét vẽ truyền thống được pha trộn thú vị với 3D tiên tiến
Chỉ tới gần cuối phim, lời giải đáp cho câu chuyện mới xuất hiện để các tình tiết ăn khớp với đoạn đầu. Đó cũng là khi nhóm SpongeBob phải lâm vào trận chiến khốc liệt với tay thuyền trưởng Bơ-gơ Râu độc ác. Nhân vật này được tài tử Antonio Banderas thể hiện khá thành công với nét diễn vừa tưng tửng lại ngang tàng.
Antonio Banderas là diễn viên “thực” duy nhất của cả phim
Một điểm thú vị dành cho các “mọt phim” khi đi xem SpongeBob là soi được nhiều tình tiết nhại lại các phim khác. Ở ngay đầu phim là cảnh tên cướp biển đơn độc chèo thuyền vào đảo vắng, làm gợi nhớ đến đoạn kết của phần bốn trong loạt phim Cướp biển Caribbean. Ở trong trường đoạn cao trào của phim, các nhân vật thậm chí còn hóa thân thành các siêu anh hùng, nhại lại hình ảnh biệt đội siêu anh hùng Avengers trứ danh. Phim còn lồng ghép cả yếu tố du hành thời gian, khoa học viễn tưởng. Như phần lớn các phim hoạt hình khác, SpongeBob cũng đem đến những thông điệp tích cực cho trẻ em. Chỉ khi biết hợp tác và làm việc nhóm hiệu quả, các nhân vật mới đạt được mục đích, ngay cả Plankton ích kỷ cuối cùng cũng quay lại giúp đỡ các bạn mình.
Plankton nhỏ bé cũng trở thành Plank - Tấn với tạo hình y như The Hulk
Điểm trừ duy nhất của phim là việc gây cười bằng lời thoại nhiều hơn hình thể. Những câu chơi chữ, mỉa mai văn hóa đại chúng Mỹ khi được dịch ra hoặc lồng tiếng sẽ không tạo được tiếng cười và xa lạ với khán giả Việt. Những ai không quen xem thể loại hoạt hình trào phúng này có thể sẽ nhìn nhận rằng SpongeBob là một tựa phim không tệ nhưng lại quá dài dòng lê thê. Nhìn chung, SpongeBob: Anh hùng lên cạn là một phim hoạt hình khá sinh động, ý nghĩa, một món ăn tinh thần thích hợp dành cho trẻ nhỏ trong mùa phim Tết này. Phim được công chiếu ở Việt Nam từ ngày 6/2 dưới định dạng 2D và 3D, có bản phụ đề và lồng tiếng.