Blumhouse - Đế chế mới nổi của phim kinh dị

Minh Phúc, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 07/04/2015

Hãy cùng xem Jason Blum xây dựng thương hiệu Blumhouse Productions chuyên làm phim kinh dị giá thấp siêu lợi nhuận như thế nào.

Blumhouse đã trở thành cái tên “có máu mặt” hiện nay trong giới làm phim kinh dị, Jason Blum – nhà sáng lập của Blumhouse Productions – đã và đang trên hành trình đưa “cục cưng” của mình phát triển từ ý tưởng cơ bản ban đầu: sản xuất những bộ phim kinh dị chuyên nghiệp từ nguồn kinh phí thấp nhất có thể, rồi bán thành phẩm thu về nguồn lợi kếch xù.

Jason Blum

Người ta có thể nghi ngờ về thành công của Blum, cho rằng chẳng qua đó chỉ là ăn may khi viện dẫn chứng cứ về việc những bộ phim của Blumhouse cũng chỉ mới nổi từ 2009, và những thắng lợi sau này chỉ là một thứ may mắn mà Blum “vô tình” có được. Sau Paranormal Activity, bộ phim đem về cho nhà sản xuất 193 triệu đô trên toàn thế giới với kinh phí vỏn vẹn… 15 nghìn đô la thì vận may có lẽ vẫn chưa thôi mỉm cười với người đàn ông sinh năm 1969. Có thể nói rằng, từ khi Blumhouse có được chiến thắng đầu tiên thì họ đã có quyền, hoặc bị gán cho tai tiếng, rằng chính đế chế mới nổi này sẽ làm thay đổi toàn bộ thế giới phim kinh dị mà chúng ta đang có. Và đó cũng chính xác là những gì Blumhouse Productions đang làm, khi liên tiếp tung ra những bộ phim kinh phí thấp với chất lượng đáng kinh ngạc. Những studio không thể làm gì khác ngoài việc xếp hàng đợi đến lượt mua phim, “nạp tiền” cho Jason Blum và tung ra trên nhiều rạp chiếu nhất có thể.


Danh sách những bộ phim làm nên “kỉ nguyên” của Blumhouse Production:

1.     Series nhượng quyền thương mại của “Paranormal Activity” (2009 - )

2.     Insidious (2011)

3.     Sinister (2012)

4.     The Purge (2013)

5.     Dark Skies (2013)

6.     Insidious: Chapter 2 (2013)

7.     The Purge: Anarchy (2014)

8.     Oculus (2014)

9.     Ouija (2014)

10.   The Lazarus Effect (2015)

Danh sách này vẫn đang được nối dài thêm, chỉ là một ví dụ nhãn tiền cho thấy thành công của Blumhouse tới mức nào. Insidious kiếm được hơn 97 triệu đôla từ kinh phí 1.5 triệu đô ban đầu, còn Sinister với 3 triệu đô ngân sách dựng phim đã đem về cho nhà sản xuất hơn 90 triệu, lợi nhuận thu về là hơn 30 lần tiền vốn bỏ ra. Vậy câu hỏi mà nhiều người đang băn khoăn là: Liệu hãng phim “siêu thành công, siêu lợi nhuận” này sẽ ảnh hưởng tốt hay xấu tới thể loại phim yêu thích của chúng ta?


Điều này nằm ở quan điểm của mỗi người. Điều dễ dàng nhận ra ở cách kinh doanh thực dụng của hãng phim này là tập trung vào số lượng lớn sản phẩm và làm bất cứ điều gì để tối đa hoá lợi nhuận. Blumhouse Productions được coi là Walmart của nền công nghiệp điện ảnh – đưa cho người tiêu dùng sản phẩm giá rẻ trong những bao bì tiện lợi và cứ thế khách hàng sẽ tự tìm đến ngày một nhiều hơn.


Nhưng mọi việc không trơn tru như vậy. Lợi nhuận là quan trọng, nhưng không như Walmart nơi mà mọi thứ đều phải sạch sẽ, tươi ngon và người ta có thể cung cấp cùng một loại hàng hoá năm này qua năm khác. Vì người tiêu dùng vẫn sẽ cần những loại thực phẩm đấy và tiếp tục xếp hàng mua chúng. Trong khi đó Blumhouse không thể cứ tiếp tục làm mãi về một kiểu phim kinh dị và ngồi đấy đợi hốt bạc về mà không cần nghĩ ngợi. Tiếp tục cho ra đời những sản phẩm cũ rích, có thể trong một thời gian ngắn sẽ không vấn đề gì nhưng ngay cả những người lạc quan nhất cũng sẽ dần cảm thấy chán ghét và mệt mỏi như phần đông khán giả, những người cần thoát khỏi phong cách phim “mì ăn liền” kiểu này.


Thực ra, cũng chưa cần đến khán giả phải mệt mỏi với những bộ phim kinh dị được làm một cách dễ dãi. Những nhà phê bình hay những người xem phim khó tính cũng đã bắt đầu "khó chịu" với phim kinh dị hiện tại khi chúng sử dụng quá nhiều những chiêu trò quen thuộc, nhằm chỉ làm khán giả giật mình là chính chứ không đem lại một nỗi sợ hãi thực sự như những huyền thoại The Shinning hay The Exorcist. Gần đây, một youtuber có tên Chris Tuckman đã làm một video dài hơn 10 phút để phàn nàn về những vấn đề của phim kinh dị hiện nay. Trong clip, nhà phê bình phim đã đưa ra một số luận điểm hợp lý cũng như rất hóm hỉnh về việc phim kinh dị bây giờ khá ngớ ngẩn và chẳng đáng sợ chút nào.

"The Problem with Horror movie Today" của Chris Tuckman

Cách khán giả đón nhận phim kinh dị của Blumhouse cũng rất đa dạng, cho thấy chất lượng các phim đầu ra của hãng phim này không đều tay và không phải phim nào cũng đáng xem như Paranormal Activity. Lấy ví dụ trên thang đo của Rotten Tomatoes, OculusThe Town That Dreaded Sundown đạt tới 73%, Insidious là 66% trong khi Ouija bị “nguyền rủa” với con số đáng xấu hổ 7%. Một số người sẽ thấy những phim của Blumhouse không phù hợp với thị hiếu của họ, số khác có thể hào hứng với ngay cả Jessabelle mà IMDb hờ hững cho 5.4/10 vì độ nhạt nhẽo. Vì thế đây là một vấn đề mang tính chủ quan khi thái độ của khán giả nói chung với hãng phim mới mẻ này vẫn rất mâu thuẫn. Một số trong đó chẳng hạn như The Purge: Anarchy gây ấn tượng với người xem khi truyền tải thông điệp sâu xa qua hình ảnh một thế giới tha hoá khi tội phạm được hợp pháp hoá trong vòng 12 tiếng một năm. Một số khác, đáng tiếc là chẳng có gì nhiều để nhớ ngoài những hồn ma và một nhóm thanh niên liều mạng.

Trailer của "The Purge: Anarchy"

Năm 2015 với hơn 20 bộ phim và series lớn nhỏ, Blumhouse sẽ ồ ạt đổ bộ vào các rạp chiếu với phương châm “lấy lượng bù chất”. Nhiều tựa phim đầy hứa hẹn được hãng đẩy mạnh sản xuất, nổi bật nhất phải kể đến là Unfriended, Gallows, Sinister 2Insidious: Chapter 3 (Dự kiến khởi chiếu 05/06/2015). Trong khi phần tiếp theo của Sinister và Insidious tiếp tục xoay quanh câu chuyện về những bóng ma hãm hại người sống, thì Unfriended lại “đụng cham” đến một trào lưu đang nổi ở giới trẻ - mạng xã hội. Giờ đây đến những dịch vụ tiện ích cũng có thể giết người! Phim sẽ được ra rạp vào ngày 30/4 tới đây. Hay như Gallows thì lại theo đuổi dòng phim giả tư liệu vốn nổi trội một thời, khi những sự kiện hãi hùng được ghi hình lại chỉ với một chiếc máy quay tay cầm.

Teaser của "Sinister 2"

Đã từng là cá tên hứng chịu búa rìu dư luận với những bộ phim “ăn xổi”, nhưng cũng đồng thời là chủ nhân của các tựa phim kinh phí thấp thành công vang dội, chưa chịu dừng lại ở đó, trong tương lai Jason Blum và hãng phim của mình đang có kế hoạch “lấn sân” ra ngoài địa bàn kinh dị của mình.

 
"Whiplash" - Bộ phim đem lại giải Oscar danh giá cho diễn viên J.K. Simmons (trái)

Ngoài ra, bộ phim từng đoạt Oscar Whiplash có sự hợp tác của Blumhouse Productions là minh chứng khích lệ cho nỗ lực phong phú hoá “cơ ngơi” của CEO 46 tuổi. Dù thích hay ghét những bộ phim của Blumhouse thì điều mà không ai có thể phủ nhận chính là việc hãng phim “giá rẻ” này đang thay đổi cả nền điện ảnh kinh dị thế giới.