Bí sử - "Bình phong" lợi hại cho các nhà làm phim... chém gió!

Ngọc Minh, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 16/04/2012

Hậu quả là tác phẩm rơi vào tình trạng chính sử thì ít mà những chi tiết “chế” thì càng lúc càng nhiều.

Khoảng vài năm trở lại đây, đề tài “bí sử” nở rộ trong làng truyền hình Hoa ngữ với hàng loạt tác phẩm hoành tráng. Nếu như ban đầu khán giả còn tỏ ra thích thú vì những tình tiết mới mẻ chưa từng có xung quanh cuộc đời của Dương Quý Phi, Võ Tắc Thiên… thì nay họ đã phải lên tiếng, bày tỏ sự bức xúc vì các nhà làm phim đã “thêm mắm dặm muối” quá đà khiến bộ phim trở nên phản cảm.



Vẫn là những câu chuyện về đấu đá hậu cung và triều chính nhưng thay vì việc “vẽ” hẳn ra một bối cảnh hoàn toàn mới lạ, các nhà làm phim “bí sử” lại nhàn tản hơn hẳn. Bởi lẽ, các phim thuộc đề tài này đều là bức tranh toàn cảnh về một nhân vật lịch sử có thật, lấy đó làm cốt truyện chính để phát triển thêm. Nói là “bí sử”, là những bí mật chưa từng tiết lộ liên quan đến những danh nhân tiếng tăm lẫy lừng cho “oai” chứ ai cũng biết thừa những chi tiết “hàng độc” ấy là sản phẩm từ trí tưởng tượng của các biên kịch.


"Thái Bình công chúa bí sử" - giọt nước tràn ly

Tất nhiên, những chi tiết “chém gió” càng gây sốc thì càng thu hút được khán giả. Song, dường như các nhà làm phim đang tận dụng hai chữ “bí sử” làm “kim bài miễn chết” để khiến cho bộ phim rơi vào tình trạng chính sử thì ít mà những chi tiết “chế” thì nhiều, càng ngày càng xa với sự thực. Đỉnh điểm là Thái Bình công chúa bí sử khi bộ phim này đã “cả gan” thay đổi toàn bộ những gì các nhà sử gia ghi chép. Sự thay đổi này không còn là những chi tiết nhỏ thêm thắt vào nữa mà nó nằm trong chính cốt truyện phim.


Ân Đào - Dương Quý Phi "siêu mỏng"


Phù Sai anh minh "quá đà"

Trước Thái Bình công chúa bí sử, khán giả cũng đã có một số phàn nàn về việc các nhà làm phim khắc họa nhân vật không sát với thực tế. Đầu tiên là vai diễn Dương Quý Phi của Ân Đào trong Dương Quý Phi bí sử bị chê là quá gầy gò, không giống như đại mỹ nhân “khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang” mà các sử gia từng mô tả. Phù Sai của Tây Thi bí sử cũng “dính đòn” khi quá… yêu nước thương dân, khác hoàn toàn với một hôn quân trong lịch sử.


Tây Thi có tư tưởng tình yêu tân tiến


Cảnh nóng tràn ngập trong "Võ Tắc Thiên bí sử"

Ngoài việc lo lắng về những hình tượng nhân vật sai lệch, khán giả còn tỏ ý bức xúc vì sự “thoáng” trong các bộ phim lịch sử này. Đơn cử như việc Võ Tắc Thiên bí sử quá lạm dụng cảnh quay nhạy cảm. Những hình ảnh táo bạo tràn ngập, xuyên suốt chiều dài phim. Còn Tây Thi bí sử lại “lên thớt” do cách xưng hô, nói chuyện và bày tỏ tình cảm quá tân tiến, hiện đại mà nàng Tây Thi dành cho Phạm Lãi.



Đến Thái Bình công chúa bí sử thì khán giả đành phải “nhắm mắt lắc đầu” vì quả là “hết thuốc chữa”. Biên kịch ngang nhiên cho công chúa An Định đã chết từ khi mới lọt lòng được “cải tử hoàn sinh”. Thậm chí, cô công chúa này còn ngang nhiên bắt cóc em gái mình, giả mạo là Thái Bình để quay trở về trả thù bà mẹ quyền lực. Theo rất nhiều người xem thì việc “trộm long tráo phụng”, thay đổi trắng trợn lịch sử này không thể chấp nhận được, còn quá quắt hơn cả những hạt sạn nhan nhản trong phim.





Người xem có thể cảm thấy thích thú và sẵn lòng tha thứ cho một vài chi tiết “chém gió” nho nhỏ. Song, họ cũng sẵn sàng lên tiếng nếu các nhà làm phim dám “làm điều sai trái”. Nghệ thuật cần sự sáng tạo, nhưng cũng đừng biến nó trở thành “tấm bình phong” cho những pha “nêm mắm nêm muối” quá đà khiến khán giả phản cảm.