Chuyên gia giải thích: Bạn có thể nhiễm COVID-19 từ thực phẩm đông lạnh hay không?

Zknight, Theo Pháp Luật & Bạn Đọc 23:45 17/08/2020
Chia sẻ

Một mẫu thực phẩm dương tính với virus SARS-CoV-2 không có nghĩa là trên đó còn virus sống và virus đó có thể khiến bạn nhiễm bệnh.

Wang Li đang nấu nướng ở trong bếp khi thời sự phát một tin vắn nói về những mẫu cánh gà đông lạnh dương tính với virus SARS-CoV-2. Đó là lô hàng của một công ty thương mại thực phẩm Brazil xuất sang Thâm Quyến, Trung Quốc.

Các mẫu cánh gà này được kiểm tra ngẫu nhiên từ một cửa hàng tại quận Long Giang, và các nhà khoa học đã tìm thấy sự hiện diện của RNA virus SARS-CoV-2 trên bề mặt thịt. Trước đó, tỉnh An Huy, Thiểm Tây và Sơn Đông cũng báo cáo tìm thấy RNA virus gây ra COVID-19 trên bao bì hải sản đông lạnh nhập khẩu từ Ecuador.

Chính quyền Thâm Quyến vì vậy đã khuyến cáo người tiêu dùng thận trọng khi mua thực phẩm đông lạnh nhập khẩu. Wang Li, một người nội trợ chính trong gia đình 4 thế hệ, mở tủ lạnh vì nhớ mình đã mua một túi cánh gà đông lạnh tuần trước. Không ngần ngại, bà gói nó vào túi bóng sạch, bỏ vào sọt rác rồi rửa tay với xà phòng.

Chuyên gia giải thích: Bạn có thể nhiễm COVID-19 từ thực phẩm đông lạnh hay không? - Ảnh 1.

Nguy cơ lây nhiễm COVID-19 từ thực phẩm đông lạnh là vô cùng nhỏ

Wang Li không phải là người duy nhất lo lắng về việc virus corona có thể lây nhiễm qua thực phẩm đông lạnh. Báo cáo về những mẫu cánh gà dương tính với virus SARS-CoV-2 ở Thâm Quyến đã khiến vô số người tiêu dùng, không chỉ ở Trung Quốc mà cả ở Mỹ và toàn thế giới lo ngại cho sự an toàn của mình.

Nếu virus SARS-CoV-2 có thể lây lan qua thực phẩm đông lạnh, nó có thể tạo ra những ca mắc COVID-19 xuyên lục địa mà không cần người nhiễm bệnh phải có tiếp xúc gần với người chế biến thực phẩm mang virus.

Phóng viên của tờ The New York Times vì thế đã mang thắc mắc này đi hỏi các chuyên gia hàng đầu của Mỹ. Thật may, câu trả lời họ nhận được là một xác suất gần như bằng 0. Nguy cơ lây lan COVID-19 qua thực phẩm đông lạnh là cực kỳ thấp. Ngay cả khi bạn tìm thấy RNA virus trên đó, những miếng cánh gà đông lạnh này cũng chưa chắc có thể khiến bạn bị bệnh.

"Những miếng cánh gà được tìm thấy dương tính với COVID-19 có thể vì ai đó tham gia vào quá trình chế biến chúng đã nhiễm virus", Angela Rasmussen, một nhà virus học tại Đại học Columbia cho biết. "Nhưng điều đó không có nghĩa là "Ôi trời ơi, sẽ chẳng ai mua cánh gà nữa đâu vì chúng đã mang mầm bệnh".

Các hướng dẫn từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khẳng định "không có bằng chứng nào cho thấy việc chế biến thực phẩm hoặc tiêu thụ thực phẩm có liên quan đến COVID-19". Con đường lây lan chính của virus SARS-CoV-2 vẫn là qua các tiếp xúc giữa người với người, khi người bệnh phát tán virus qua những cú hắt hơi, ho, nói chuyện hoặc thậm chí là thở.

Nói cách khác, chính con người mới là vec-tơ hay yếu tố lây truyền COVID-19 mạnh nhất chứ không phải những đồ vật vô tri, bao gồm cả thực phẩm.

Chuyên gia giải thích: Bạn có thể nhiễm COVID-19 từ thực phẩm đông lạnh hay không? - Ảnh 2.

Tiến sĩ Angela Rasmussen, một nhà virus học tại Đại học Columbia, Hoa Kỳ.

C. Brandon Ogbunu, một nhà sinh thái bệnh học tại Đại học Yale đồng ý với điều đó. "Tôi không thấy có mối liên hệ nào giữa điều này [những miếng cách gà dương tính với SARS-CoV-2] và bất kỳ lo sợ nào cho rằng đây là nguyên nhân của bất kỳ sự kiện lây truyền đường dài nào. Khi virus vượt qua các ranh giới quốc tế, gần như chắc chắn nó đã được vận chuyển bởi con người chứ không phải các sản phẩm thương mại".

Cánh gà dương tính với virus không có nghĩa là trên đó còn virus sống và lây nhiễm được sang bạn

Cần phải phân tích rõ sự kiện nhà chức trách Trung Quốc tại Thâm Quyến tuyên bố tìm thấy những chiếc cánh gà nhập khẩu từ Brazil dương tính với virus SARS-CoV-2. Sự kiện này được coi là hết sức bình thường, nếu một trong số những công nhân chế biến hoặc đóng gói cánh gà đã nhiễm COVID-19 ở Brazil, đất nước đang đứng thứ hai thế giới về số lượng ca nhiễm lên đến hơn 3,3 triệu người.

Nhưng việc tìm thấy RNA virus trên cánh gà đông lạnh không có nghĩa rằng đó là những virus còn hoạt động. Xét nghiệm mà thành phố Thâm Quyến thực hiện chỉ xác nhận được sự hiện diện của virus.

"Đây chỉ là phát hiện dấu hiệu cho thấy virus đã ở đó vào một thời điểm nào đó", Tiến sĩ Ogbunu nói. Việc tìm thấy RNA virus SARS-CoV-2 trên cánh gà đông lạnh, không có nghĩa là tìm thấy virus "sống", còn hoạt động và có thể gây bệnh. Ngay cả khi virus đã "chết" và bị phá hủy thành các mảnh xác nhỏ vô hại, người ta vẫn có thể tìm thấy RNA của nó và xét nghiệm được coi là dương tính.

Ngược lại, để chứng minh virus còn tồn tại trên thực phẩm hoặc bao bì ở thể "sống" hay còn hoạt động, các nhà nghiên cứu cần phải phân lập nó trong phòng thí nghiệm để cho thấy nó còn có thể lây nhiễm và nhân lên. Những thử nghiệm này không những tốn kém hơn mà còn rất khó thực hiện nên không phải là một quy trình xét nghiệm SARS-CoV-2 điển hình.

Nhưng để gián tiếp kiểm tra khả năng đó, các nhà khoa học ở Thâm Quyến đã truy vết tất cả những người đã tiếp xúc với mẫu cánh gà dương tính với SARS-CoV-2, sau đó xét nghiệm và theo dõi họ. Kết quả cho tới tận ngày hôm nay, tất cả các "F1" của mẫu cánh gà này đều âm tính với COVID-19, theo CDC Thâm Quyến.

Virus cần chui lọt qua hàng loạt lỗ kim

Cả Tiến sĩ Ogbunu và Tiến sĩ Rasmussen đều nói rằng bạn cần phải có một "cơn bão hoàn hảo", nghĩa là một loạt các khả năng bất thường xảy ra để virus SARS-CoV-2 lây truyền được qua thực phẩm đông lạnh. Thứ nhất, nó phải còn "sống" được trong môi trường đông lạnh với nhiệt độ âm. Thứ hai, nó phải sống đủ ngày sau những chuyến vận chuyển xuyên biển dài ngày.

Thứ ba, tải lượng virus, nghĩa là số lượng virus còn sống phải đủ nhiều. Thứ tư, số lượng virus đó phải tiếp tục sống trong những ngày thực phẩm đông lạnh được giữ ở siêu thị. Thứ năm, virus phải sống qua quá trình rã đông và chế biến, nghĩa là sau khi bị đông lạnh ở nhiệt độ cực thấp, nó lại phải "sống" được qua nhiệt độ cực cao, vì người mua cánh gà thường rán chúng trong dầu.

Nếu tất cả những lỗ kim mỏng manh này mà virus SARS-CoV-2 đều có thể vượt qua được, thì chúng mới có khả năng lây nhiễm bạn. "Nhưng rủi ro điều đó xảy ra là vô cùng nhỏ", Tiến sĩ Rasmussen nói.

Chuyên gia giải thích: Bạn có thể nhiễm COVID-19 từ thực phẩm đông lạnh hay không? - Ảnh 3.

Quá trình đóng băng và rã đông là một quá trình nhiệt động học bạo lực và có thể giết chết virus corona.

Thực tế cho thấy có một số virus có thể vượt qua một cuộc "hành hương" khốc liệt như vậy. Nhưng các chủng corona có lẽ không phải một trong số chúng. Virus họ corona là những loại virus có vỏ mỏng, và một khi lớp vỏ này bị tổn thương, virus sẽ chết.

Khi bị đông lạnh ở trong băng, các tinh thể băng đã có thể xuyên thủng lớp vỏ này và vào thời điểm bạn rã đông những miếng cánh gà, virus đã bị tiêu diệt. Chưa kể nhiệt độ sau khi bạn chế biến cánh gà cũng sẽ phá vỡ vỏ của virus và khiến nó bị bất hoạt, thậm chí tan vỡ ra thành từng mảnh nhỏ không thể phát hiện được nữa.

"Quá trình đóng băng và rã đông là một quá trình nhiệt động học bạo lực", Tiến sĩ Ogbunu nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng virus thực sự là một thứ gì đó rất dẻo dai và mạnh mẽ. Nó có những cơ chế sống sót và lây nhiễm rất tinh vi. CDC vì thế đã để ngỏ một khả năng hi hữu nói rằng SARS-CoV-2 "có thể" lây lan qua các bề mặt bị ô nhiễm, bao gồm thực phẩm hoặc bao bì thực phẩm.

Nhưng họ nhấn mạnh đó không phải là một khả năng mà mọi người cần quá quan tâm đến. Nếu bạn muốn phòng ngừa cho bản thân thì hãy đeo khẩu trang trong khi chế biến thực phẩm đông lạnh, đồng thời tránh chạm tay lên mắt mũi miệng trong quá trình đó.

Chuyên gia giải thích: Bạn có thể nhiễm COVID-19 từ thực phẩm đông lạnh hay không? - Ảnh 4.

Sau khi chế biến xong, bạn hãy rửa các bề mặt, dụng cụ như dao, thớt, mặt bồn nước bằng xà phòng. Và đừng quên rửa tay của mình cuối cùng để tránh lây nhiễm. Còn lại, tránh tiếp xúc trực tiếp với người khác có lẽ vẫn là phương pháp phòng bệnh có ý nghĩa nhất hiện nay, Tiến sĩ Ogbunu nói.

Thời gian để lo lắng về những chiếc cánh gà trong tủ lạnh của bạn có thể được tiết kiệm và sử dụng hiệu quả hơn nếu bạn tập trung vào các biện pháp phòng ngừa chính bao gồm: tránh tiếp xúc và tụ tập nơi đông người, đeo khẩu trang, tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng và rửa tay thường xuyên bằng xà phòng.

Tổng hợp

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày