Ai trong chúng ta cũng biết rằng, bộ răng vĩnh viễn của người lớn là có 32 răng. Trong đó, có 4 chiếc răng khôn - bởi phải đến tuổi trưởng thành, khôn lớn rồi thì chúng mới mọc.
Tuy nhiên, răng khôn mỗi lần mọc là khiến khổ chủ "điên tiết" lắm ấy, bởi lẽ chúng chẳng mọc thẳng trong 1 lần mà thi thoảng cứ lại "trồi lên như 1 vị thần" xong lại lặn xuống mất tăm.
Để rồi đang sung sướng vui vẻ được vài 3 tháng, chiếc răng "ngu" ấy lại mọc khiến cơn đau phát tác. Nhưng vì sao lại thế nhỉ?
Theo bác sĩ Lê Thị Hải Châu - làm việc tại phòng khám Nha khoa Phúc Châu thì chuyện răng khôn mọc trong khoảng thời gian dài là hoàn toàn bình thường.
Bạn cần biết rằng, những mầm răng khôn đã xuất hiện khi bạn 4 - 5 tuổi. Giai đoạn để hoàn thiện phần thân răng khôn rơi vào khoảng 12 - 15 tuổi. Và 18 - 25 tuổi chính là khoảng thời gian để chiếc răng khôn hoàn thiện nốt phần chân răng của mình.
Răng khôn mọc nhanh, chậm là tùy vào cơ địa mỗi người.
Tùy vào cơ địa của mỗi người mà tốc độ mọc răng khôn nhanh hay chậm. Do đó, có lúc răng sẽ mọc nhanh hơn 1 chút, đôi khi chúng lại không mọc mà "dậm chân tại chỗ".
Dẫu vậy, thì cũng khoảng vài năm sau đó (khoảng 30 tuổi), 1 chiếc răng khôn hình dạng đầy đủ - có đủ chân, rễ... hoàn thiện và tìm chỗ đứng trong khuôn hàm của bạn.
Nhưng có lẽ lúc răng mọc chính là thời điểm "muốn ôm mặt khóc" của nhiều người.
Răng khôn - đã mọc chậm lại còn mọc "ngu ngơ"
Sẽ thật may mắn cho chủ nhân nào sở hữu 2 cặp răng khôn mọc thẳng. Tức là chiếc răng của bạn mọc hoàn toàn bình thường, không nghiêng ngả xiên vẹo, không bị kẹt bởi mô xương và nướu... nên không gây biến chứng.
Các kiểu mọc răng "không giống ai" của răng khôn.
Bác sĩ Châu cho hay, không phải ai cũng may mắn có cặp răng khôn mọc thẳng. Bởi sự tiến hóa của loài người qua thời gian đã làm cho khung hàm răng nhỏ bớt lại. Chính vì thế, những chiếc răng khôn khi mọc thường bị thiếu chỗ.
Cùng với đó, răng khôn thường mọc trong độ tuổi xương hàm đã ngừng phát triển, xương trở nên cứng đặc hơn.
Những yếu tố này góp phần làm mất cân xứng giữa răng và kích thước xương hàm, dẫn đến tình trạng hay mọc ngầm, mọc kẹt hay răng mọc ngang húc đâm vào răng hàm số 7 - gây đau đớn tột cùng cho khổ chủ.
Cần phải nhấn mạnh rằng, quá trình răng khôn mọc mà bị lệch, kẹt trong xương hàm, nướu răng sẽ gây áp lực lớn lên vùng xương, nướu răng.
Kết hợp với việc răng nằm sâu tít ở trong góc cạnh hàm - thức ăn giắt, đọng lại bên dưới nướu không thể làm sạch được. Điều này dẫn đến phản ứng viêm, đau và nhiễm trùng.
Răng khôn mọc lệch- xiên ngang có thể húc đổ, làm hỏng hẳn răng bên cạnh.
Ngoài ra, răng khôn mọc ở góc độ sai sẽ tạo khe hẹp bất thường với răng bên cạnh. Điều này là điều kiện lý tưởng để lắng đọng vi khuẩn, dẫn đến việc sâu răng bên cạnh, và bệnh nha chu thì liên tục ghé thăm.
Bệnh viêm nhiễm nướu này sẽ khiến bạn đau, lợi sưng đỏ mềm, dễ chảy dịch, đóng mủ... Không những thế, do nướu sưng khiến bạn khó há miệng, khó nhai, nuốt... ảnh hưởng đến cuộc sống và khả năng làm việc.
Chưa hết, trong trường hợp răng khôn mọc lệch xiên ngang, chúng sẽ gây áp lực lớn lên răng bên cạnh - cụ thể là răng số 7.
Lực này có thể khiến răng số 7 dần bị tiêu hủy, lung lay, nặng hơn nó sẽ khiến chiếc răng này bị xô đẩy chèn ép và rụng đi.
Chính vì thế, bạn cần đến phòng khám nha khoa để được bác sĩ thăm khám, chụp Xquang răng để xem xét chính xác vị trí mọc răng khôn ở hàm trên, hàm dưới. Qua đó, bác sĩ sẽ tư vấn, lên kế hoạch xử lý kịp thời, tránh tình trạng bị đau đớn kéo dài.