Chuyên gia chỉ ra 7 sai lầm người trẻ độ tuổi 20, 30 cần phải sửa ngay lập tức nếu không muốn hối hận khi về già

Minh Kiên, Theo Helino 10:10 26/08/2019
Chia sẻ

Theo chuyên gia trị liệu Tess Brigham, nếu người trẻ không muốn sau này khi về già vừa phải sống cô độc, nghèo đói vừa nuối tiếc thời thanh xuân tươi đẹp đã qua thì điều đầu tiên họ nên làm là tiết kiệm tiền từ ngay bây giờ.

Trong suốt 10 năm làm việc với tư cách là nhà trị liệu và khoảng 5 năm liền tư vấn cho hàng trăm khách hàng thuộc thế hệ Millennials, Tess Brigham đã rút ra được rất nhiều bài học và kinh nghiệm. Cô đã lắng nghe, thấu hiểu những chia sẻ của họ về những cuộc đấu tranh, sợ hãi và cả sự chiến thắng.

Dưới đây là những điều Tess Brigham muốn chia sẻ cho những người thế hệ Y - những người trẻ sinh ra vào khoảng từ năm 1980 đến những năm 2000 (từ 18-35 tuổi), là lực lượng lao động chính cho hiện tại và tương lai - những nuối tiếc của chính bản thân cô những năm 20, 30 tuổi với hi vọng người trẻ sẽ không đi theo vết xe đổ đó.

Chuyên gia chỉ ra 7 sai lầm người trẻ độ tuổi 20, 30 cần phải sửa ngay lập tức nếu không muốn hối hận khi về già - Ảnh 1.

Với tôi cơ hội được làm việc với các bạn trẻ là một món quà vì nó cho phép tôi nhìn lại các khía cạnh trong cuộc sống của chính mình.

Đôi khi, chúng ta phải tạm dừng để nhìn lại cuộc sống của mình và suy nghĩ về những điều mà chúng ta vốn đã có thể làm khác so với trước đây. Ở tuổi 46, tôi vẫn còn phải học nhiều điều, nhưng tôi mong rằng những gì tôi có trong túi khôn của mình có thể sẽ giúp các bạn tạo ra những thay đổi tích cực trong cuộc sống của chính các bạn. Đây là 7 điều tôi tiếc vì đã không làm ở tuổi 20 và 30:

1. Tiết kiệm tiền - Phải làm càng sớm càng tốt

Các chuyên gia tài chính khẳng định rằng một trong những sai lầm lớn nhất của những người thế hệ Millennials là không tiết kiệm tiền cho quá trình về hưu sau này. Theo một nghiên cứu gần đây thì gần 60% người trưởng thành thừa nhận là không quan tâm đến tiết kiệm tiền là điều họ tiếc nhất.

Chuyên gia chỉ ra 7 sai lầm người trẻ độ tuổi 20, 30 cần phải sửa ngay lập tức nếu không muốn hối hận khi về già - Ảnh 2.

Tôi của những năm 20 tuổi cũng thế! Khi ấy, khái niệm một ngày nào đó tôi phải già đi và về hưu chia tay cuộc chơi chưa bao giờ từng xuất hiện trong đầu tôi. Tôi thường dùng toàn bộ tiền lương cho những thứ chẳng cần thiết. Tôi nghĩ rằng mình còn quá nhiều thời gian để bắt đầu tiết kiệm sớm như vậy. Và phải đến nhiều năm sau, khi bắt đầu làm quen với những điều cơ bản về tiền bạc như sức mạnh của lãi kép hay tầm quan trọng của việc đóng góp vào quỹ hưu trí tư nhân 401(k) thì tôi mới bắt tay vào tích lũy và rồi mới có một khoản kha khá trong tài khoản.

Giờ đây tôi đã bước sang những năm 40 của cuộc đời, trong tay đã có sự đảm bảo về tài chính, điều này chắc chắn nghe sẽ hấp dẫn hơn hẳn các loại cocktail và quần áo hàng hiệu độc lạ.

2. Đấu tranh cho sự nghiệp của mình

Chuyên gia chỉ ra 7 sai lầm người trẻ độ tuổi 20, 30 cần phải sửa ngay lập tức nếu không muốn hối hận khi về già - Ảnh 3.

Ở tuổi 24, tôi gói ghém đồ đạc chuyển đến Los Angeles để theo đuổi ước mơ to lớn của mình ở Hollywood. Dù biết ơn vì tìm được việc nhưng tôi lại hối tiếc vì đã không dám đứng lên dành lại tiếng nói cho bản thân.

Khi bị từ chối tăng lương, tôi chẳng đủ can đảm hỏi cần phải làm gì để có được mức lương mong muốn. Khi bị cấp trên ngược đãi, tôi chỉ biết câm nín vì lo sợ việc lên tiếng sẽ gây tổn hại đến sự nghiệp phía trước.

Bắt đầu sự nghiệp ở tuổi 20 có vẻ đáng sợ nhưng biết cách tự vực bản thân đứng lên, nói lên tiếng nói của mình trong những hoàn cảnh khó khăn sẽ giúp bạn phát triển hơn trong sự nghiệp. Bên cạnh đó, việc này sẽ góp phần truyền cảm hứng cho sự thay đổi tại nơi làm việc.

Nếu có thể quay về quá khứ, tôi sẽ nói với mình khi còn trẻ là: "Cô có thể không giàu kinh nghiệm nhưng cô có quyền đòi hỏi những điều mình cần và muốn để tìm thấy ý nghĩa và niềm vui trong công việc".

3. Dành thời gian nói với mọi người rằng: "Tôi rất biết ơn bạn"

Chuyên gia chỉ ra 7 sai lầm người trẻ độ tuổi 20, 30 cần phải sửa ngay lập tức nếu không muốn hối hận khi về già - Ảnh 4.

Trong suốt đầu những năm 20 tuổi, tôi đã rất tập trung vào sự nghiệp và đã không dành thời gian cho những người tôi yêu thương và quan tâm nhất bởi suy nghĩ đơn giản là mình có thể bù đắp điều đó trong tương lai.

Nhưng đến năm 27 tuổi, một điều khủng khiếp đã xảy ra: Bạn thân tôi qua đời và đột nhiên "tương lai" đó cũng tan biến mãi mãi. Chỉ có cảm giác đau buồn và tội lỗi còn ở lại mà thôi. Giá như tôi đã dành thời gian để nói với bạn mình những từ đó: "Tôi rất biết ơn bạn".

Trải qua biến cố, tôi đã học được cách thể hiện tình yêu và lòng biết ơn thường xuyên hơn, tôi cũng khuyến khích mọi người làm như vậy. Cho dù đó là bố mẹ gia đình, bạn đời, bạn bè hay là cố vấn thì việc không thể hiện lòng biết ơn và tình yêu dành cho họ thường sẽ là một hối tiếc lớn với hầu hết mọi người.

4. Thất nghiệp không đáng sợ

Ở tuổi 28, mơ ước thì vẫn chưa thành hình còn thất nghiệp lại rõ mồn một, đây quả là một trải nghiệm đau đớn của tôi. Tôi thấy mình như vô hình. Giấc mơ Hollywood tôi giữ bên mình đã quá lâu đến mức chẳng nhận ra bản thân là ai nếu không có nó. Còn chúng bạn, dường như đều đã tìm ra mục tiêu. Họ có công việc tốt, mối quan hệ cùng những kế hoạch tuyệt vời. Họ hạnh phúc còn tôi thì lạc lối, luẩn quẩn trong đại bại.

Nhưng cuộc sống mà, mỗi người có một múi giờ khác nhau. Những khách hàng ở độ tuổi 20 thường tâm sự: "Chỉ vài năm nữa, tôi sẽ bước sang 30 tuổi nhưng không có một sự nghiệp thành công". Vì một vài lí do nào đó, chúng ta luôn cho rằng tuổi 30 là một cái mốc quan trọng trong đó mỗi người phải có được sự nghiệp như ý với công việc trong mơ, còn nếu không, chúng ta sẽ thấy cuộc đời mình quá thất bại.

Chuyên gia chỉ ra 7 sai lầm người trẻ độ tuổi 20, 30 cần phải sửa ngay lập tức nếu không muốn hối hận khi về già - Ảnh 5.

Còn đây là lời khuyên của tôi dành cho các bạn: Đừng lãng phí thời gian để rồi bị ám ảnh về công việc mơ ước. Giảm nhịp độ lại và đón nhận hành trình của mình đi, bạn sẽ học được nhiều thứ về bản thân và biết điều mình muốn làm với cuộc sống này là gì.

5. Đừng sợ hãi, hãy nắm lấy cơ hội

Sau khi nhận ra Hollywood không phải là nơi dành cho mình, tôi cần phải cân nhắc các lựa chọn khác. Cả bố và chị gái đều là luật sư nên tôi đã thử tư vấn xét xử, nhưng cũng không khiến tôi hứng thú cho lắm.

Tận sau bên trong, tôi thực sự muốn trở thành một nhà trị liệu. Tuy thường nghĩ về việc bắt tay vào làm nghề nhưng tôi luôn tìm ra lí do để trì hoãn. Tất cả là vì tôi không có niềm tin vào năng lực của mình (Dĩ nhiên cuối cùng tôi cũng vượt qua trở ngại là sự bất an lo lắng để thực hiện cú đại nhảy vọt. Tôi vui vì đã làm thế nhưng vẫn tiếc vì không làm sớm hơn).

Giờ đây, mỗi khi có bệnh nhân bày tỏ nghi ngờ, tôi thường khuyến khích họ tất tay, bất chấp mọi rủi ro. Tôi nhắc nhở họ rằng nếu có thất bại, thì ít nhất họ cũng biết là bản thân họ không hề sợ thử bất cứ việc gì cả.

6. Chăm sóc bản thân

Dù biết có sức khỏe là có tất cả nhưng chẳng phải ai cũng nhận ra được chân lý đó, chỉ đến khi nằm thoi thóp trên giường bệnh thì người ta mới thấy tiếc vì đã để tuột mất sức khỏe. Và càng những người trẻ thì lại càng coi nhẹ vấn đề này.

Khi ba bị chẩn đoán ung thư, lúc đó khi đã bước vào những năm 30 tuổi của đời mình, tôi mới bắt đầu thay đổi lối sống. Nhưng một lần nữa, tôi lại tiếc nuối vì tại sao đến giờ này mới nhận ra, tại sao không làm điều đó sớm hơn. Những câu kiểu như: "Tôi không có thời gian đến phòng gym", "Tôi muốn ăn những gì mình muốn - Nếu chết sớm thì sao chứ?", tất cả đều là ngụy biện.

Hãy đem những vấn đề đấy đến hỏi bất kỳ bác sĩ nào đi, họ sẽ trả lời cho bạn rằng: "Vấn đề không nằm ở việc chết sớm. Điểm mấu chốt của nó là liệu bạn có muốn bị mắc kẹt với căn bệnh mãn tính, chịu đựng đau đớn trong suốt 10, 15 năm, nhờ vào y học hiện đại để tiếp tục duy trì cuộc sống vô nghĩa hay không mà thôi".

7. Đừng quá quan tâm tới những gì người khác nói

Chuyên gia chỉ ra 7 sai lầm người trẻ độ tuổi 20, 30 cần phải sửa ngay lập tức nếu không muốn hối hận khi về già - Ảnh 6.

Khi tôi mới bắt đầu làm cố vấn tại trung tâm cai nghiện, nhiều người tỏ ra không ưa tôi, họ tức giận vì tôi thi hành luật lệ ngặt nghèo và thử thách họ. Nhưng sự tức giận ấy chẳng ảnh hưởng nhiều đến tôi. Tôi luôn luôn là người duy nhất xuất hiện trước mặt bệnh nhân nên tôi sẽ hứng chịu mọi cơn thịnh nộ chất chứa nỗi thất vọng của họ.

Bạn chỉ có thể kiểm soát những thứ bạn tạo ra, những điều bạn nói, cảm nghĩ và cảm giác của mình. Nhưng bạn lại không thể kiểm soát cách người khác sẽ đón nhận những điều đó như thế nào.

Giống như bài viết này chẳng hạn, tôi là người kiểm soát mức độ trung thực và sự tổn thương của mình khi chia sẻ một phần cuộc đời của tôi cho các bạn. Nhưng tôi lại không thể biết được liệu các bạn có cảm thấy nó hữu ích hay là không. Việc của tôi là xuất hiện và thành thật với bản thân. Phần còn lại hoàn toàn nằm ngoài tầm với của tôi.

*Bài viết dựa trên chia sẻ của chuyên gia trị liệu Tess Brigham đăng tải trên CNBC.

(Theo CNBC)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày