Chắc hẳn đã không ít lần bạn nghe đến cái tên "Yellowstone"? Đây là một siêu núi lửa có dạng hình vạc (cauldron) cùng quy mô lớn nhất trên lục địa Mỹ. Bề mặt núi lửa trải rộng tới 72km, nó lớn đến nỗi có thể quan sát được từ không gian, trong quỹ đạo Trái đất tầng thấp.
Và điều quan trọng nhất là bên trong ngọn núi ấy có chứa hàng vạn kilomet khối dung nham - một con số thực sự khổng lồ. Theo ước tính, sẽ cần đến hàng trăm năm để ngọn thác Niagara hùng vĩ bậc nhất thế giới đổ đầy được một buồng dung nham nông nhất của ngọn núi này, chưa tính đến các ngăn sâu hơn.
Vậy chuyện gì sẽ xảy ra nếu như siêu núi lửa kinh khủng ấy đột nhiên phát nổ? Nước Mỹ sẽ thế nào? Châu Mỹ sẽ ra sao? Và với mọi người trên Trái đất, chuyện gì sẽ xảy ra?
Ở thời điểm hiện tại, 2 buồng trên cùng của núi lửa Yellowstone vẫn đang trong trạng thái nguội. Theo tiến sĩ Michael Poland - chuyên gia thuộc Phòng quan sát núi lửa Yellowston thì ngọn núi này hiện chưa tích đủ năng lượng để tạo ra một vụ phun trào khổng lồ.
"Ở thời điểm hiện tại, phần lớn dung nham của Yellowston đã bị hóa cứng, mà chúng ta thì cần một lượng magma khổng lồ để kích hoạt nó bùng nổ." - Poland cho biết.
Những chuyên gia giám sát khu vực núi lửa Yellowstone đã chứng kiến nhiều vụ dung nham chảy dày đặc, và một số vụ nổ thủy nhiệt. Điều này cho thấy trong tương lai, các sự việc tương tự cũng sẽ xảy ra. Dĩ nhiên đây là một vấn đề, nhưng nó khó lòng tạo ra thảm họa. Còn nguy cơ siêu núi lửa này bùng nổ mạnh chỉ rơi vào khoảng 1:730.000 - còn nhỏ hơn khả năng siêu thiên thạch và vào Trái đất nữa.
Khả năng núi Yellowstone bùng nổ thực ra rất thấp
Tuy nhiên, trong trường hợp các dòng dung nham ở tầng sâu hơn đột ngột bơm thêm vào, hoặc tầng địa chất bên dưới suy yếu thì lại là vấn đề khác. Nếu nó xảy ra, nhiều khả năng sẽ đủ áp suất để đẩy toàn bộ magma lên bề mặt, phóng thẳng ra ngoài. Chuyện gì sẽ diễn ra tiếp theo thì không ai có thể trả lời chính xác, nhưng lịch sử của Yellowstone đã chỉ cho chúng ta những manh mối đầy tăm tối.
Giờ hãy giả sử tình huống xấu nhất xảy ra - tức là toàn bộ dung nham của siêu núi lửa đột ngột phát nổ. Trong lịch sử, đã có 3 lần Yellowstone xảy ra sự kiện như vậy, với chu kỳ rơi vào khoảng 660.000 - 800.000 năm/lần. Đầu tiên là 2,1 triệu năm trước, rồi 1,3 triệu năm trước, và gần nhất là khoảng 640 ngàn năm trước.
Trong đó, vụ phun trào đầu tiên cũng là vụ kinh khủng nhất, khi tạo ra lượng vật chất núi lửa (dung nham, tro bụi...) lớn hơn gấp 2.500 lần so với vụ phun trào của núi St Helens vào năm 1980. Dành cho những ai chưa biết, đó là thảm họa được xem là chết chóc và ảnh hưởng nhất về kinh tế trong lịch sử nước Mỹ, khi giết chết 57 người, hủy diệt các công trình trong phạm vi hàng trăm kilomet xung quanh. Mà thậm chí, ngay cả vụ phun trào "yếu" nhất vào 640 ngàn năm trước cũng đủ để bao phủ 60% diện tích nước Mỹ bằng một lớp tro bụi dày đặc.
Không rõ liệu các tổ chức quan sát núi lửa của Mỹ sẽ được cảnh báo như thế nào, nhưng sự thật thì vào những ngày trước khi núi lửa phun, toàn bộ vùng đất xung quanh Công viên quốc gia Yellowstone sẽ phình lên. Hệ thống thủy nhiệt bên dưới sẽ khiến nhiệt độ tăng lên nhanh chóng khiến các mạch nước ngầm xung quanh gia tăng nhiệt độ, và độ acid trong không khí cũng tăng lên rõ rệt.
Tiếp theo, một loạt chấn động bắt đầu xảy ra do magma dồn về trung tâm và đẩy nhanh lên mặt đất. Thế rồi, lớp đất đá trên cùng sẽ không chịu nổi, vỡ ra, và vụ phun trào bắt đầu.
Theo dự tính, một cột tro bụi và dung nham sẽ phóng thẳng lên trời, cao ít nhất là 25.000m. Cột vật chất sẽ được duy trì trong nhiều ngày, bơm thẳng tro bụi lên đến tầng bình lưu. Và khi rơi xuống, chúng sẽ tạo ra những vụ nổ lớn xung quanh phạm vi Công viên quốc gia.
Ảnh minh họa
Hỗn hợp tro bụi, vụn dung nham và khí siêu nóng với nhiệt độ trên 1000°C có thể di chuyển với tốc độ lên tới 482km/h. Bất kỳ ai không may chạm phải, họ chắc chắn sẽ chết ngay tức thì. Còn các khu vực xung quanh, nhiệt độ không khí sẽ tăng nhanh lên khoảng 300°C.
Về cơ bản, các dòng dung nham có thể di chuyển khoảng 15km từ tâm vụ nổ, nhưng cũng có lúc trải rộng tới 100km - tương đương với chiều dài của công viên Yellowstone. Vậy nên khi vụ nổ xảy ra, các sinh vật xung quanh công viên (bao gồm cả con người) sẽ chết hàng loạt, cả vì dung nham lẫn do kết cấu ngọn núi sụp đổ.
Trung bình mỗi thời điểm có khoảng 11.000 du khách ghé Yellowstone, nghĩa là 1 năm khoảng 3,8 triệu. Và nếu nó xảy ra vào đến những tháng hè - thời điểm nhiều người ghé đến nhất, con số thương vong chắc chắn sẽ cao hơn rất nhiều.
Bên cạnh đó, hỗn hợp dung nham - tro bụi khi xuống dốc có thể trộn với bùn đất, làm tăng tốc độ di chuyển. Và như đã nêu, bất kỳ ai vô tình đứng cản đường chắc chắn sẽ phải đi gặp tử thần.
Những vấn đề trên chưa phải phải phần nguy hiểm nhất của một vụ phun trào núi lửa, mà nó nằm ở tro bụi, với khả năng gây ảnh hưởng ở phạm vi toàn cầu.
Khi hít phải không khí có chứa tro núi lửa, phổi sẽ bị suy yếu trầm trọng, đồng thời hình thành các kết tinh giống xi-măng trong đó. Ngoài ra, tro bụi đặc hơn nước tới 6 lần, nên nó có thể khiến các công trình sụp đổ vì quá nặng. Theo Poland, chỉ cần một lớp tro ẩm ướt dày khoảng vài chục centimet là đủ để cả một tòa nhà lớn bị rạn nứt. Mà với Yellowstone, có lẽ nguyên khu vực rộng 80km xung quanh phải chịu lớp tro dày ít nhất 3m.
Đường sá, hệ thống nước... tất cả sẽ bị tắc nghẽn và phá vỡ. Nguồn nước bị nhiễm bẩn không thể sử dụng, trong khi hệ thống điện bị chập cháy. Hàng triệu ngôi nhà tại Mỹ sẽ không thể ở được nữa.
Giờ hãy giả sử như gió quanh đó không quá mạnh, thì những thành phố như Denver, Calgary cũng ngập trong ít nhất 10 - 30cm tro bụi. Số tro ấy sẽ phải mất hàng tháng, thậm chí vài năm mới giải quyết hết được. San Francisco, Los Angeles, Seattle... chịu khoảng 3cm tro, nhưng chỉ vậy cũng đủ để xe cộ bị phá hủy, nước uống không thể sử dụng.
Các chuyến bay chắc chắn không thể tiếp diễn, mà buộc phải dời điểm hạ cánh ra khỏi nước Mỹ ít nhất vài tuần. Và gần như chắc chắn quân đội sẽ buộc phải ra mặt để giải cứu cư dân bị ảnh hưởng, với số lượng lên tới cả chục triệu người.
Một ngọn núi lửa tại Nhật Bản phun trào
Điều đáng sợ nhất xảy ra với thế giới, đó là lượng tro bụi khổng lồ ấy sẽ khiến bầu trời tối lại, nhiệt độ nhiều khu vực hạ xuống, thậm chí là nhiệt độ trên toàn cầu. Nếu lượng tro nhiều lưu huỳnh - vật liệu chặn ánh sáng Mặt trời cực tốt, nhiệt độ trên toàn cầu có thể giảm xuống vài độ, đến cả thế giới có thể không còn mùa hè nữa trong vài năm kế tiếp.
Người dân sẽ phải di chuyển trong bầu không khí mờ đục vì tro bụi
"Nhiệt độ sẽ giảm đi rõ rệt trong nhiều năm. Vấn đề là bao lâu thì không rõ. Không ai có thể trả lời," - Poland giải thích. Dựa trên vụ phun trào của núi Tambora từ năm 1815, thì Yellowstone hoàn toàn có thể thay đổi khí hậu trên thế giới, tạo ra những ảnh hưởng kinh khủng đến cuộc sống của con người.
Đầu tiên là thời gian diễn ra gió mùa sẽ thay đổi. Vòng tuần hoàn khí quyển cũng trở nên khó đoán định hơn, trong khi sự lây lan của các dịch bệnh qua đường nước cũng tăng lên chóng mặt.
Nền nông nghiệp cũng sẽ phải chịu hậu quả lớn, gây thiếu hụt nguồn cung thực phẩm. Điều này sẽ làm tổng thiệt hại kinh tế cho cả thế giới gia tăng. Theo ước tính của FEMA (Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang Hoa Kỳ), thiệt hại riêng cho nước Mỹ sẽ là 3 nghìn tỉ USD - bằng 16% tổng GDP của cả nước. Để so sánh thì nó còn nhiều hơn 400 triệu USD so với những gì họ đã phải chịu đựng vì biến đổi khí hậu trong các thập kỷ vừa qua.
Tuy vậy theo Poland, điều này không có nghĩa sự sống trên Trái đất sẽ bị diệt vong. Ông lấy ví dụ về vụ phun trào Toba vào 74.000 năm trước - một trong những vụ phun trào mạnh nhất lịch sử, lớn hơn cả 3 vụ nổ đỉnh cao của Yellowstone. Rõ ràng, loài người đã vượt qua sự kiện ấy, trong khi họ còn chẳng có công nghệ hiện đại như loài người hiện nay.
Có thể khẳng định Yellowstone nếu thực sự bùng nổ sẽ là một thảm họa môi trường cực kỳ khủng khiếp, khiến sự sống trên khắp hành tinh chịu ảnh hưởng. Nhưng nó không có nghĩa nền văn minh của chúng ta sẽ chấm dứt, chỉ là thế giới sẽ trở thành nơi khó sống hơn thôi.
Và dù sao đi nữa, cần phải nhấn mạnh rằng thảm họa ấy sẽ không xảy ra trong tương lai gần đâu, vì tỉ lệ là rất nhỏ.