Thiên nhiên từ trước tới nay luôn là một chủ đề nóng hổi cho các nhiếp ảnh gia, đặc biệt là những tay máy cứng cáp hoặc muốn thử sức mình khi tham gia "lâm trận" trong tình trạng thời tiết không ủng hộ. Mưa bão, sấm sét vì thế cũng là một thử thách được nhiều người săn đón vì độ độc đáo cũng như hoành tráng khi ra sản phẩm thành công.
Đêm qua Hà Nội cũng chứng kiến một cơn mưa kèm sấm sét đầy trời ít thấy trong cả mùa hè. Thử tưởng tượng sáng nay đăng tấm ảnh bắt kịp tia sét hiện rõ mồn một trên nền trời lên Facebook, lượng Like và comment khen ngợi sẽ khiến "nổ noti" đến thế nào.
Một bức ảnh điển hình về việc chụp ảnh tia sét trong đêm.
Tuy nhiên, cách thức chụp được một tấm ảnh tia sét vẫn còn là bí ẩn đối với nhiều người. Dẫu vậy, bài viết này sẽ giúp các bạn biết được sự thật và bí kíp phía sau để dễ dàng thực hiện được một pô ảnh như ý mọi lúc, mọi nơi, đuổi kịp cả tốc độ nhanh như điện xẹt của sét.
Trước hết, đừng bị đánh lừa bởi khái niệm thông thường rằng "chụp ảnh sét nghĩa là bấm máy trùng hợp cùng lúc với tia sét". Đó không phải điều bất khả thi, nhưng hầu như tất cả đều chỉ là trường hợp ngẫu nhiên bấm máy trùng khoảnh khắc bắt được sét, rất khó tính toán trước một cách chủ động. Thay vào đó, các nhiếp ảnh gia hoặc người chụp có kinh nghiệm sẽ sử dụng một kỹ thuật với tên gọi: Chụp phơi sáng.
Chụp phơi sáng là thao tác điều chỉnh camera mở cảm biến kéo dài hơn bình thường để liên tục thu nhận ánh sáng vào bên trong. Ánh sáng làm nên dữ liệu hình ảnh, vì thế ảnh chụp ra cuối cùng sẽ là kết quả tổng hợp của toàn bộ diễn biến hiện ra trước ống kính. Vì vậy, chỉ cần có một tia sét lóe lên trong khoảng thời gian mở cảm biến "phơi sáng" đó, nó ngay lập tức được ghi nhận vào ảnh mà không mất công căn chỉnh bấm máy cùng lúc.
Nếu vẫn thắc mắc tại sao có thể biết trước tia sét sẽ đánh đúng khoảng thời gian mở cảm biến, hãy nhớ rằng trong một cơn dông hoặc mưa to gió lớn, tần suất xuất hiện sấm sét là khá nhiều. Hơn nữa, chẳng ai giới hạn số lần thực hiện phơi sáng, bạn có thể làm nhiều lần liên tục để có được những shot hình chắc cú nhất, thậm chí thay đổi thời gian phơi sáng lên 30-60 giây thay vì 10-20 giây như trước để chắc ăn hơn. Cứ như vậy, khả năng sét xuất hiện trong quá trình mở máy là rất cao, không khó khăn và gian nan một chút nào.
Những tấm ảnh này sẽ chỉ là dễ như bỡn nếu bạn đã nắm rõ cách làm.
Dĩ nhiên, vẫn có một số lưu ý về an toàn khi thực hiện phơi sáng chụp tia sét, chẳng hạn như việc nên chọn địa điểm trong nhà giương máy ra cửa sổ thay vì cố thủ trên tầng thượng để tránh nguy hiểm về độ bền của thiết bị cũng như rủi ro sức khỏe, tính mạng. Ngoài ra, không nên phơi sáng liên tục và quá nhiều nếu công nghệ cảm biến camera không được đánh giá cao về độ bền bỉ, bởi kỹ thuật này gây hại khá nhiều khi lạm dụng thiếu suy nghĩ.