Tối 30/6, Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương tổ chức lễ xuất quân hơn 300 sinh viên và 9 cán bộ, giảng viên tình nguyện vào TP.HCM chống dịch Covid-19. Tất cả đều được tập huấn các kỹ thuật xét nghiệm SARS-CoV-2, công tác truy vết, từng "tham chiến" tại "điểm nóng" Hải Dương, Bắc Giang và Bắc Ninh trong những đợt dịch vừa qua.
Nhiều sinh viên dù mới trở về sau 40 ngày tại tâm dịch Bắc Ninh và Bắc Giang, vẫn xung phong chi viện TP.HCM trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh.
Ngày 3/7, TP.HCM ghi nhận số ca nhiễm kỷ lục: 714 bệnh nhân, gồm 608 ca đã được truy vết hoặc cách ly trong khu phong toả, 106 người còn lại được phát hiện qua sàng lọc tại các cơ sở y tế và trong cộng đồng.
Cũng trong ngày 2 và 3/7, trên mạng xã hội tranh cãi dữ dội xung quanh việc 300 sinh viên y Hải Dương bị "ném đá" khi tiếp sức TP.HCM.
Đoàn sinh viên Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương bay vào TP.HCM hỗ trợ chống dịch (Ảnh: Phương Thảo)
Ông Nguyễn Trí Dũng, Chủ tịch UBND quận Gò Vấp cho biết, quan điểm của ông là rất ủng hộ tinh thần của 300 sinh viên trường y Hải Dương nói riêng và các tỉnh/thành khác nói chung, đã hỗ trợ TP.HCM và quận Gò Vấp.
Theo đó, lực lượng lấy mẫu do một Tập đoàn phụ trách hỗ trợ TP.HCM và Q. Gò Vấp có các sinh viên trường y đến từ Hải Dương. Chủ tịch UBND Q. Gò Vấp nhận xét, quy mô của cuộc lấy mẫu quá lớn, các công ty cung ứng vật tư cho đoàn nhân viên y tế chuẩn bị không kịp, nguồn nhân lực cũng đến từ nhiều nơi nên sự phối hợp giữa các bên bước đầu có những khó khăn.
Các em sinh viên thể hiện quyết tâm trước chuyến bay (Ảnh: Phương Thảo)
“Hai hôm trước là khó khăn khách quan ngoài mong muốn. Hôm nay (3/7), chúng tôi đã điều chỉnh cách thức tổ chức, mỗi điểm đều có nhân viên y tế của địa phương phối hợp với lực lượng lấy mẫu của Tập đoàn. Sau khi chuẩn bị xong đầy đủ vật tư y tế, nhân lực thì mới nhắn tin mời người dân đến lấy mẫu”, ông Dũng thông tin.
Trước đó, theo ông Dũng, trong công tác tổ chức, đại diện Tập đoàn và quận thường xuyên trao đổi để kết nối thông tin, tổ chức địa điểm, phân chia nguồn nhân lực. Lần này, số lượng lấy mẫu quá lớn, vật tư y tế không phải mua ở đâu cũng được nên có khó khăn trong việc phân phối, cung ứng.
“Các bạn sinh viên trường y ở Hải Dương và các tỉnh thành được vào hỗ trợ TP.HCM, chúng tôi rất ủng hộ tinh thần này. Điều quan trọng là tinh thần trách nhiệm, thiện chí của những người tham gia. Công tác tổ chức lực lượng lớn và gấp gáp có nhiều khó khăn là điều không lường trước được, mong các bên cùng chia sẻ”, ông Dũng nói.
Trong khi đó, TS.BS Đinh Thị Diệu Hằng, Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương cho biết, đoàn đi theo sự điều động của Bộ Y tế, có một đồng chí lãnh đạo nhà trường theo sát nhiệm vụ của các em sinh viên.
"Chúng tôi luôn nhắc nhở sinh viên thực hiện tốt công việc được giao, đảm bảo an toàn và sức khoẻ, đúng kỹ thuật đã được Bộ Y tế hướng dẫn", cô Hằng nói.
Về những lùm xùm vài ngày qua, cô Hằng xin không bình luận gì thêm. Cô hi vọng, sinh viên của mình sẽ luôn chú tâm vào công việc, giúp TP.HCM sớm đẩy lùi dịch bệnh.
Anh Ngô Minh Hải, Phó bí thư thường trực Thành đoàn, Chủ tịch Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP.HCM cho hay, dù là đơn vị nào, lực lượng nào, mọi người sẽ cùng đoàn kết để thực hiện nhiệm vụ. Bất kỳ lực lượng nào tham gia hỗ trợ, đều phải tuân thủ quy định, điều hành của lãnh đạo, ngành y tế địa phương trong suốt quá trình chống dịch.
"Quan điểm lớn nhất lúc này, thành phố sẵn sàng phối hợp cùng các bạn sinh viên Hải Dương trên tinh thần đoàn kết và nghĩa tình của thành phố. Chúng ta không thể nào tách rời trước cuộc chiến này", anh Hải khẳng định.