TP.HCM tăng kỷ lục số ca nhiễm, công thức "14+14" có thể được áp dụng

Võ Thu, Theo Gia đình & Xã hội 21:41 03/07/2021
Chia sẻ

Ngày 3/7 đánh dấu kỷ lục số ca nhiễm COVID-19 trong ngày ở TP.HCM. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn chia sẻ những nhận định về sự gia tăng liên tiếp này.

Bộ Y tế tối 3/7 thông tin 24 giờ qua phát hiện 922 ca mắc mới, trong đó có 914 ca ghi nhận trong nước tại 21 tỉnh, thành phố, nâng tổng số ca bệnh ở nước ta vượt qua mốc 19.000 chỉ sau 1 ngày ghi nhận ca bệnh thứ 18.000.

Trong số hơn 910 ca bệnh trong ngày 3/7, TP.HCM có 714 ca bệnh. Đây là ngày có số ca bệnh cao nhất từ cuối tháng 4 đến nay của thành phố đông dân nhất nước này. Trước đó, ngày 25/6, TP này ghi nhận hơn 680 ca.

Giai đoạn đầu, TP.HCM mất 51 ngày để vượt ngưỡng 1.000 ca nhiễm (từ 27/4 đến 16/6). Cứ khoảng mỗi 4 ngày, số ca mắc lại tăng từ 2.000 lên 3.000, rồi 3.000 lên 4.000. Tuy nhiên, chỉ trong 2 ngày từ 1-3/7, TP.HCM nhanh chóng vượt mốc 5.000 ca nhiễm.

Đến nay, TP HCM có tổng cộng 5.435 ca bệnh, đứng thứ 2 chỉ sau Bắc Giang (5.628 ca). Tuy nhiên, với tốc độ tăng những ngày gần đây, chỉ ngày mai, TP đông dân nhất nước sẽ sớm "vượt" Bắc Giang.

Là Trưởng bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế ở TP HCM từ ngày 14/6 đến nay, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho rằng việc số ca mắc COVID-19 ở TP HCM liên tục tăng nhanh trong những ngày gần đây có nhiều lý do.

GS.TS Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM - cho biết, hiện biến thể Delta đã ghi nhận tại 85 quốc gia. Biến thể này được xem xét là có khả năng lây lan nhanh hơn so với chủng virus ban đầu, có khả năng giảm hiệu quả bảo vệ của vaccine.

Tại khu vực phía Nam đã ghi nhận 1 số trường hợp có triệu chứng hoặc dương tính chỉ sau hơn 1 ngày tiếp xúc phơi nhiễm.

Nguyên nhân thứ 1 được ông nhắc đến tối 3/7 là do tính chất của biến chủng Delta của virus SARS-CoV-2, đây là biến chủng có khả năng lây lan rất nhanh đặc biệt khi tiếp xúc gần.

Thứ 2, TP.HCM có tập trung mật độ dân ở khu chợ, hoặc khu đông dân cư nên có ca bệnh sẽ lây lan nhanh.

Thứ 3 đây là địa bàn có những nhà máy lớn đông công nhân, khu công nghiệp. Do đó, một công nhân mắc COVID-19 không có triệu chứng đi vào làm việc cũng có khả năng lây lan cho cả một quần thể người lao động.

Cùng đó, nhờ công tác tổ chức xét nghiệm diện rộng phát hiện được không chỉ người trong khu cách ly, phong toả mà kể cả ở các khu cộng đồng dân cư cũng nhanh chóng phát hiện người dương tính.

TP.HCM tăng kỷ lục số ca nhiễm, công thức 14+14 có thể được áp dụng - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn

Từ 1/7, nhiều địa phương tại TP.HCM tổ chức lấy mẫu tầm soát diện rộng cho người dân toàn địa bàn. TP cũng đang đẩy mạnh tốc độ tiêm vaccine COVID-19, thực hiện Chỉ thị số 10 của lãnh đạo TP.

TP.HCM tăng kỷ lục số ca nhiễm, công thức 14+14 có thể được áp dụng - Ảnh 3.

Quận 8, TP HCM tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho học sinh tham gia kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2021 đợt 1 (Ảnh: HCDC)

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho hay trong cuộc họp chiều nay, Ban chỉ đạo chống dịch COVID-19 TP đã có những quyết định "hết sức cần thiết" như thành lập trung tâm điều hành, điều phối công tác xét nghiệm trên địa bàn TP.

Theo Thứ trưởng, việc này giúp đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm. Theo báo cáo của Sở Y tế chiều nay, TP đã có khả năng lấy 1,4 triệu mẫu/ngày; năng lực xét nghiệm đạt tới 450.000 xét nghiệm cho mẫu gộp.

"Đây là con số chúng tôi rất tin tưởng thời gian tới khi chúng ta lựa chọn những vùng trọng tâm, trọng điểm; sử dụng nhuần nhuyễn test nhanh, test khẳng định Realtime RT-PCR, TP.HCM sẽ sớm kiềm chế, đẩy lùi dịch bệnh" - Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nói.

Việc cách ly trường hợp F1 tại nhà như Bộ Y tế đã hướng dẫn thí điểm trong công văn 5152 hôm 27/6 theo Thứ trưởng là rất cần thiết. Thời gian tới TP.HCM cũng xây dựng kế hoạch có thể sẽ sử dụng công thức 14+14. Nghĩa là những F1 sau 14 ngày cách ly tập trung sẽ được khảo sát nơi lưu trú nếu đủ điều kiện như quy định của Bộ Y tế thì sẽ tiếp tục cách ly tại nhà 14 ngày để giảm tải cho khu cách ly tập trung.

Về công tác điều trị, hiện, 5.000 giường tại thành phố đã gần hết công suất. TP.HCM chỉ đạo triển khai kịch bản hơn 10.000 giường và đang xây dựng kế hoạch 15.000 giường.

TP.HCM đã có những thay đổi trong công tác điều tra, truy vết, khoanh vùng trong đợt cao điểm để nhanh chóng kiểm soát dịch COVID-19.

Về việc khoanh vùng, thành phố sẽ tiến hành xác định khu vực khoanh vùng trong 1 giờ hoặc sớm hơn nữa ngay sau khi có kết quả xét nghiệm khẳng định nhiễm COVID-19. Để có căn cứ khoanh vùng, nhân viên điều tra dịch tễ sẽ tiến hành điều tra nhanh ca F0 kết hợp với đánh giá thực địa để có cơ sở khoanh vùng phạm vi xử lý.

Trong đợt cao điểm kiểm soát dịch COVID-19 lần này, TP sẽ sắp xếp, tổ chức bộ máy điều tra dịch và can thiệp chống dịch tại cộng đồng. Trung tâm Y tế quận/huyện và trạm y tế sẽ đảm trách tổ chức lực lượng điều tra truy vết và lấy mẫu xét nghiệm phục vụ chống dịch.

Việc phân công lực lượng này nhằm đảm bảo 100% ca F0 phải được khởi động điều tra trong vòng 1 giờ sau khi nhận được thông tin và các F1 phải có kết quả xét nghiệm trong 12 giờ; các F2 và mẫu xét nghiệm ổ dịch phải có kết quả trong 24 giờ. Trên cơ sở đó quyết định việc điều chỉnh phạm vi phong tỏa.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày