Chủ tịch Hà Nội khẳng định không bù giá nước sông Đuống

Diệp Anh - Hải Phong, Theo Báo Giao Thông 20:40 15/11/2019
Chia sẻ

Nói về giá nước sông Đuống, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung khẳng định: “Thành phố chưa mất một đồng nào bù giá. Chắc chắn không bao giờ bù giá”.

Chiều 15/11, tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm trước kỳ họp HĐND Thành phố, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã trả lời các kiến nghị của cử tri xung quanh vấn đề giá nước sông Đuống cao bất thường gây xôn xao dư luận những ngày qua.

Chủ tịch Hà Nội khẳng định không bù giá nước sông Đuống  - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung

Tại buổi tiếp xúc cử tri, đề cập đến vấn đề nước sinh hoạt, cử tri Trần Ngọc Toán (phường Tràng Tiền) cho biết thiếu ăn một bữa, một ngày nhịn được nhưng “thiếu nước 1 bữa không thể được”. Thế nhưng, nước sạch Hà Nội đang là điều khiến người dân Hà Nội thất vọng, từ chuyện Nhà máy nước Sông Đà đã hàng chục lần vỡ đường ống do chất lượng kém, đến chuyện bán nước sông Đà nhiễm dầu gây tổn hại tới sức khỏe người dân và gần đây nhất là giá nước sông Đuống cao bất thường, người dân phải "cõng" hơn 2.000 đồng/m3 chi phí lãi vay của Nhà máy...

“Tăng giá nước độc quyền sẽ "bóp nghẹt" người dân những vùng dùng đường nước này”, cử tri Toán nói và đề nghị thành phố cho biết công tác quản lý các nhà máy nước nói chung, nhà máy nước Sông Đà, Sông Đuống nói riêng bằng giải pháp, biện pháp nào?

“Ai chịu trách nhiệm cá nhân, cụ thể để đảm bảo không xảy ra sự cố, đảm bảo đúng tiêu chuẩn phục vụ đời sống người dân, tránh để người dân bàn tán vì lợi ích nhóm mà sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”, cử tri Toán bức xúc.

Chủ tịch Hà Nội khẳng định không bù giá nước sông Đuống  - Ảnh 2.

Người dân Hà Nội xếp hàng chờ đến lượt lấy nước sạch sau sự cố nước sông Đà nhiễm dầu.

Trả lời cử tri, Chủ tịch TP Hà Nội cho biết, để huy động các nguồn lực tham gia xây dựng hệ thống cấp nước cho Thành phố, Hà Nội đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Thủ tướng đã thay đổi Quyết định 37, không để các công ty Nhà nước nắm giữ 51%, từ đó công ty tư nhân mới đầu tư vào hệ thống cấp nước. Sau đó, Hà Nội kêu gọi xúc tiến đầu tư và đến nay đã có 23 nhà đầu tư thực hiện 38 dự án hệ thống cấp nước trên địa bàn.

Riêng Nhà máy Nước mặt Sông Đuống, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết gồm 4 nhà đầu tư: Quỹ đầu tư Oman, Aqua (công ty này đã từng làm nhà máy nước to nhất miền Nam ở Long An), nhà máy nước số 2 (10%) của Thành phố và một nhà đơn vị nữa (5%). Ông Chung cũng cho biết, vừa qua quỹ đầu tư Oman đã bán lại cho nhà đầu tư Thái Lan.

Ông Chung cho rằng, việc các quỹ đầu tư sau khi đầu tư mua bán là chuyện bình thường và "điều này chúng ta khuyến khích". Nhưng ông cũng nhấn mạnh, rõ ràng "các nhà đầu tư rót quỹ phải lựa chọn môi trường như thế nào mới làm".

"Đây là nhà máy hiện đại nhất Việt Nam và hiện đại nhất Đông Nam Á. Ngay cả các chuyên gia Đức, Hà Lan sang khi khánh thành nhà máy này cũng nói "các ông đang sở hữu nhà máy hiện đại hơn cả các nhà máy chúng tôi". Bởi vì tất cả các thiết bị đều mới", ông Chung thông tin.

Ông Chung cho biết thêm hiện trên toàn thành phố đã có 11/12 nhà máy có thiết bị cảm biến để đo chất lượng nước đầu vào và chất lượng nước đầu ra thường xuyên. Riêng nhà máy nước Sông Đà (do nằm trên Hòa Bình), sau sự cố nước nhiễm dầu, Hà Nội đã yêu cầu công ty lắp hệ thống cảm biến và họ cam kết 3 tháng nữa sẽ lắp xong. Song song với đó, hàng ngày, hàng tuần, các cơ quan chức năng (Sở Y tế, nhà máy) vẫn lấy mẫu nước xét nghiệm theo đúng quy trình.

Về giá nước sông Đuống, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung khẳng định giá nước mới là tạm tính để nhà đầu tư lập dự án đầu tư. Trả lời câu hỏi, vậy nếu sau này khi hoàn tất các thủ tục đầu tư, Thành phố sẽ bù giá nước? Ông Chung khẳng định: "Thành phố chưa mất một đồng nào bù giá. Chắc chắn không bao giờ bù giá".

Theo ông, một trong những quy định của đầu tư, là chủ đầu tư phải quyết toán, kiểm toán xong mới đưa ra giá thành sản phẩm. Khi đó giá mới chính thức.

Trước thông tin doanh nghiệp vay vốn tới 80% tổng mức đầu tư khiến giá thành nước đội lên, ông Chung khẳng định: "100% tất cả các dự án trên thế giới đều phải đi vay. Kể cả họ có phải vay 100% thì cũng không vấn đề gì. Đấy là bài toán của họ và họ phải chịu, chẳng may bị thiên tai địch họa thì phải chịu".

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày