Chủ quan điều trị đau răng ở nhà, người đàn ông suýt chết vì ổ áp xe đầy máu mủ

Nguyễn Ngoan / VTC News, Theo VTC News 10:03 23/08/2023
Chia sẻ

Người đàn ông bị đau răng, tự điều trị ở nhà thì xuất hiện khối áp xe đầy mủ, máu lên khí quản gây khó thở, khó nuốt phải nhập viện cấp cứu.

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vừa cấp cứu thành công nam bệnh nhân N.V.T, 57 tuổi ở Hà Nội, nhập viện trong tình trạng viêm tấy sàn miệng.

Bệnh nhân bị đau răng 2 tuần tự điều trị mua thuốc kháng sinh hiệu thuốc tư nhân. Tuy nhiên bệnh không thuyên giảm, sốt cao liên tục, sưng nề mặt, khó nuốt, nói khó do cứng hàm.

Ông T được gia đình đưa vào mổ chích ổ áp xe hàm mặt tại một bệnh viện ở Hà Nội, tuy nhiên gặp tình trạng khó thở, vết mổ chảy nhiều dịch mủ hôi. Ông được chuyển cấp cứu tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Qua thăm khám chẩn đoán bị viêm tấy sàn miệng lan tỏa do răng được mổ cấp cứu.

“Khi rạch vùng dưới hàm người bệnh hút được hàng trăm mililit mủ thối, ổ mủ thông vào khoang miệng, lan xuống vùng cổ”, TS.BS Phạm Vũ Hùng - Trưởng khoa Phẫu thuật nhiễm khuẩn, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức nói.

Hiện người bệnh tỉnh hoàn toàn, hết sốt, có dẫn lưu và hệ thống rửa liên tục mủ vùng ổ áp xe, kết hợp kháng sinh mạnh liều cao. Da vùng dưới hàm cổ được rạch rộng để mở, dự kiến sẽ khép lại sau từ 7 đến 10 ngày.

Chủ quan điều trị đau răng ở nhà, người đàn ông suýt chết vì ổ áp xe đầy máu mủ - Ảnh 1.

Khối mủ lớn vùng cổ dưới hàm lan rộng, nhiều dẫn lưu ổ mủ hai bên (Ảnh: BVCC)

TS.BS Phạm Vũ Hùng cho biết, viêm tấy lan tỏa vùng sàn miệng là bệnh lý nhiễm khuẩn diễn biến cấp tính và rất nguy hiểm. Những trường hợp nặng thường do đến muộn, bản thân có một số bệnh gây suy giảm miễn dịch cơ thể như bệnh tiểu đường.

Người bệnh có thể tử vong nhanh chóng do nhiễm trùng nhiễm độc, đặc biệt do ảnh hưởng đến đường hô hấp vì bị khối mủ đè ép vùng hầu họng và lưỡi, chèn khí quản thậm chí đẩy lệch khí quản sang bên đối diện, người bệnh không nuốt cũng không thở được.

Trong những ngày đầu, bệnh nhân sốt rất cao 39-40 độ C, sau đó xuất hiện tình trạng nhiễm trùng nhiễm độc nặng, tiểu ít, bệnh nhân vật vã, khó thở, khó nuốt, hơi thở rất hôi.

Bệnh nhân có thể sưng to vùng dưới hàm sàn miệng một bên, sau đó lan nhanh sang bên đối diện. Vùng sưng có thể lan rộng lên má, mang tai, thái dương xuống cổ ngực. Mặt hình quả lê, da đỏ, sờ có thể thấy dấu hiệu lép bép hơi dưới da. Miệng ở tư thế nửa há (há không được to, ngậm không được kín), lưỡi bị đẩy gò lên cao và tụt ra sau gây khó thở, khó nuốt và khó nói. Nước bọt chảy nhiều, mùi hôi thối.

Hơn 90% bệnh nhân viêm tấy sàn miệng liên quan đến nhiễm trùng vùng răng miệng, hay xảy ra ở bệnh nhân đái tháo đường và nguy cơ tử vong cao. Hiện Việt Nam có khoảng 7,3% dân số mắc bệnh đái tháo đường. Những đối tượng này khi có bệnh lý về răng miệng, nếu không được điều trị tích cực kịp thời rất dễ gây viêm nhiễm trùng lan toả hàm mặt, có khi lan xuống cả trung thất, làm tỉ lệ tử vong cao.

Thực tế, Bệnh viện Việt Đức tiếp nhận không ít trường hợp diễn biến nặng, phải mổ đi mổ lại nhiều lần để xử lý ổ áp xe viêm lan xuống trung thất, gây tử vong do bệnh nhân đến muộn. Những bệnh nhân này thường có bệnh lý nền nặng như đái tháo đường, xơ gan rượu, đến viện trong tình trạng nhiễm trùng nhiễm độc hôn mê, dù được phẫu thuật và hồi sức vẫn không qua khỏi.

Do đó, các bác sĩ cho biết nếu người dân thấy các dấu hiệu biến chứng bệnh viêm tấy sàn miệng lan tỏa cần sớm đến các cơ sở y tế có chuyên môn để điều trị, tuyệt đối không được tự điều trị sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày