Trước giờ, bảo vệ môi trường vốn là khái niệm tương đối trừu tượng, xa vời với hầu hết tất cả chúng ta. Chỉ tới vài năm trở lại đây, khi thời tiết ở một số nơi bất ngờ trở nên "đỏng đảnh" đến đáng sợ, những thông tin về các loài sinh vật biển chết bởi nuốt phải rác thải nhựa, những bãi rác ngày càng chất cao trong khu đô thị, người ta mới giật mình tự hỏi: "Chúng ta đã làm gì môi trường thế này?".
Nghĩ xanh và sống xanh - một trong những trào lưu được hưởng ứng mạnh mẽ nhất nửa đầu 2019 cũng được hình thành từ chính cái "giật mình" đó. Thay vì ngồi một chỗ và chờ những thứ vĩ mô như lỗ hổng tầng Ozon, hiệu ứng nhà kính... thu hẹp hay thuyên giảm, giờ đây, nhiều người bắt đầu hiện thực hóa "bảo vệ môi trường" từ những hành động nhỏ nhặt, giản đơn mà thiết thực.
Một ví dụ điển hình cho thấy trào lưu sống xanh và zero waste đang ngày càng phổ biến sâu rộng hơn trong cộng đồng vừa xuất hiện trên MXH, đó là tấm bảng với thông điệp về việc hạn chế tối đa sử dụng túi nilon, tại sạp hàng của các cô bán rau hay bác bán thịt trong một con hẻm nhỏ ở quận Bình Thạnh, TP HCM.
"Tui bán rau, không bán túi nilon", ngắn gọn, súc tích, thông điệp xanh đầy mạnh mẽ mà các cô truyền đi đang làm nức lòng hàng nghìn cư dân mạng.
Tấm biển được đặt trang trọng cạnh sạp rau của cô Hương (Nguồn: fanpage Mình là Hũ)
Nếu bạn để ý thì có thể nhận thấy rằng, các sạp rau vốn là một trong những điểm tiêu thụ nhiều túi nilon nhất. Điều này cũng xuất phát từ thói quen tiêu dùng của chính chúng ta, khi mà mỗi mớ rau, vài quả chanh hay mấy củ hành là lại đi kèm 1 chiếc túi để đựng. Cứ thế, một sạp rau mỗi ngày có khi tiêu thụ tới vài lạng, thậm chí là cả cân túi nilon lớn nhỏ. Mà sau đó, chắc chắn chúng sẽ được thẳng tay xả ra môi trường.
Tui bán rau không bán túi nilon nha!
Xuất phát từ trăn trở này, một tấm biển thông báo đã được tặng cho các sạp hàng của các cô, các chị tại con hẻm số 10 ở quận Bình Thạnh. Tấm biển còn có phương pháp rất rõ ràng để cùng với bà con hiện thực hóa việc làm đầy ý nghĩa này.
Tui bán rau, không bán túi nilon!
Bà con thân mến! Từ nay sạp tui hạn chế sử dụng túi nilon, nên:
1. Chủ động mang túi.
2. Nhà gần thì cầm tay.
3. Bà con có túi nilon cũ, sạch, còn sử dụng được thì mang tới đây, tui sẽ sử dụng lại.
Cả xóm cùng bớt rác, cho con nít được nhờ!
Cụ thể, các cô khuyến khích khách hàng khi tới mua nên chủ động mang theo túi, giỏ xách... để tránh phải dùng túi nilon, nếu nhà gần thì có thể cầm tay về. Bên cạnh đó, các cô cũng kêu gọi các khách hàng của mình, nếu có túi nilon ở nhà thì mang tới "góp" để cô tái sử dụng lại. Những hành động tuy nhỏ mà thiết thực được các cô phấn khởi thực hiện, với lý do rất đơn giản: "cho con nít được nhờ".
Túi nilon được thu gom để tái sử dụng.
Tui bán thịt, cũng không bán túi nilon!
Ngay sau khi được đăng tải lên MXH, bài post về các cô bán rau, bác bán thịt yêu môi trường ở Sài Gòn đã lập tức gây chú ý và khiến cộng đồng mạng vô cùng yêu thích. 2.000 lượt chia sẻ chỉ trong một thời gian ngắn là bằng chứng rõ ràng cho sự hưởng ứng và tính lan tỏa mạnh mẽ từ cộng đồng cho hành động đẹp đẽ này.
"Thật tuyệt vời. Ngay các cô bán rau ở chợ, những người vốn được biết đến với sự lam lũ, vất vả và thu nhập bèo bọt cũng đã có hành động cụ thể để bảo vệ môi trường. Nhất định mình sẽ hưởng ứng nhiệt tình, từ giờ sẽ mang theo làn đi chợ!", bạn K. A. bình luận.
"Chẳng cần làm gì to tát cả, hạn chế dùng túi nilon, ngay từ những khu chợ hay siêu thị sẽ giúp giảm áp lực tiêu cực đến môi trường. Ủng hộ hết mình các cô, các bác, hi vọng mọi sạp rau trên đất nước này đều học theo!", bạn T. H. bình luận.
Nguyễn Hữu Quỳnh Hương, admin fanpage Mình là Hũ, người trực tiếp ghi nhận và đăng tải những hình ảnh nói trên cho biết bạn thực sự bị ấn tượng cực mạnh bởi những trăn trở rất thật về môi trường của các cô bán rau trong lần tình cờ gặp gỡ cách đây không lâu. Tuy điều kiện làm việc đặc thù, vất vả lại có thu nhập bấp bênh, nhưng những việc mà các cô đã làm và đang dự định làm thì không phải ai cũng làm được.
Kể về lần gặp cô bán rau tại con hẻm này trước đó, Hương vẫn nhớ như in những chia sẻ của cô như sau:
"Cô đang suy nghĩ nhiều lắm về cái chuyện dùng túi nào để đỡ ảnh hưởng môi trường đây. Bây giờ người ta dùng nhiều quá, mình ngăn người ta cũng không được, mà sắm cho mỗi người một cái túi giấy cũng khó quá, không được. Cô có bốn người con đều làm ở nhà hàng chay của cô ca sĩ nọ, bên đó cũng đang thay đổi nhiều lắm về túi mang về nhưng cô bán cái sạp nhỏ thì sao mà chịu phí cho đặng. Nhưng mà cô nghe loáng thoáng có cái túi nào đỡ hại hơn, nếu cao hơn tí cô cũng chấp nhận dùng để thay đổi từ từ.
Trăn trở của cô bán rau tại hẻm 10 chính là động lực giúp Hương nghĩa rằng đã đến lúc phải "hành động".
Con biết không, nhiều khi cô làm vậy người ta bảo cô có mỗi cái sạp rau nhỏ cũng chơi nổi. Nhưng mà cô thuyết phục người ta, người ta không chịu nghe. Có mấy người nhà gần xịt đây cô bảo cầm tay về đi cho sạch, nhưng không chịu. Chưa kể cô có ý thức bỏ nhiều thứ vô một bịch thôi để tránh xả nhiều quá nhưng dăm ba quả ớt, củ tỏi người ta cũng bắt cô bỏ từng bịch từng bịch.
Cô muốn lắm, muốn lắm, muốn thay đổi lắm, con ơi con biết cái nào chỉ cho cô nha."
Từ đó, Quỳnh Hương (hiện cũng đang làm công việc liên quan tới môi trường tại Quận 1, TP HCM) quyết định sẽ làm tặng các cô tấm bảng thông báo "siêu cute" trên, nhằm gây chú ý với khách hàng. Sự ủng hộ, lan tỏa từ cộng đồng mạng với bài post của mình khiến Hương cảm thấy khá bất ngờ và hạnh phúc.
Admin Mình là Hũ - Nguyễn Hữu Quỳnh Hương và cô bán rau hẻm 10!
"Mình rất mừng khi bài viết của page với thông điệp sống xanh, hạn chế túi nilon lại nhận được nhiều sự đón nhận đến vậy. Điều này thể hiện việc hầu hết chúng ta đều đang rất quan tâm và ủng hộ những hành động đẹp với môi trường. Chỉ có điều, vì lý do nào đó mà mọi người chưa, hoặc ngần ngại hành động như các cô bán rau đáng yêu này thôi.
Quan điểm của mình, mỗi người đều có thể sống sao cho bớt rác mỗi ngày và làm đúng phần việc nhỏ bé đó của mình. Mỗi ngày khi nghe những tin tức xấu khủng khiếp về môi trường, mỗi người lại có cách hành xử khác nhau. Nhiều người chọn cách đấu tranh và làm những thứ lớn lao, cũng có người chỉ biết ngồi và hoảng sợ.
Quan trọng nhất, chúng ta hãy biết từ chối một cách từ từ những hành động có khả năng gây hại cho môi trường, như túi nilon chẳng hạn. Và thực hiện ngay, từ những thứ nhỏ nhặt nhất, bắt đầu từ chính mình, đến nơi mình ở rồi lan tỏa dần ra các cộng đồng mà mình là thành viên. Đừng kêu gọi xa xôi, to lớn mà lại nhất thời thì hiệu quả sẽ chẳng đến đâu cả. Các cô chú đã làm được, chúng mình cũng sẽ làm được", Hương nói.
Trên tấm bảng này, Hương đã cố gắng chọn những từ những dễ hiểu nhất cho bà con cô bác hiểu, và không quên nhắn "Cả xóm cùng giảm rác, cho con nít được nhờ". Hôm nay là ngày Quốc tế Thiếu Nhi, các cô bán rau đã tặng cho bọn trẻ trong xóm một niềm hy vọng: Mỗi người trong cái hẻm 10 ngày dù làm việc gì, chỉ cần chung tay với nhau, giữ lại chút không khí sạch, giữ lại chút rau xanh – đó chính là món quà ý nghĩa nhất cho trẻ con! Quà tặng cho con nít ngày Quốc tế Thiếu Nhi thiết thực nhất không phải là những món đồ đắt tiền, mỗi người giảm một chút rác, dành lại tài nguyên cho thế hệ sau, ấy là tốt rồi.
"Những cô bán rau trong hẻm 10 làm được. Mình là một phần trong cái hẻm nhỏ ấy cũng góp sức cùng các cô và hạn chế rác khi đi chợ. Bạn thương thế hệ sau, bạn muốn tặng cho các bạn nhỏ món quà, thế bạn cùng giảm rác được không?", Hương để lại lời nhắn gửi đáng yêu trên fanpage của mình.
"Zero Waste" là một chuyên đề do Kenh14 thực hiện nhằm nâng cao nhận thức của giới trẻ về bảo vệ môi trường, đồng thời đem đến cho các bạn cái nhìn gần gũi, tự nhiên hơn về chủ đề nghe có vẻ thô cứng này. Đến với chuyên đề "Zero Waste", bạn sẽ được lắng nghe những câu chuyện từ chính những bạn trẻ đã và đang cố gắng từng ngày bằng những hành động thiết thực nhất nhằm cứu lấy môi trường.