Kỳ thi THPT Quốc gia 2020 sắp đến gần nên các trường cấp 3 cũng đang gấp rút ôn tập và chuẩn bị kỳ thi thử cho các bạn học sinh cuối cấp. Để kỳ kiểm tra này đánh giá đúng nhất thực lực thí sinh, một trường học ở TP.HCM đã áp dụng phương pháp độc lạ là cho học sinh ngồi giữa sân trường cách nhau hơn ít nhất 1,5 mét.
Hình thức kiểm tra độc đáo dành cho học sinh cuối cấp ở trường THPT An Nghĩa (TP.HCM)
Cụ thể, trường THPT An Nghĩa (huyện Cần Giờ) đã bố trí riêng cho mỗi học sinh 1 chiếc ghế nhựa để kê bài kiểm tra lên. Các bạn học sinh ngồi bệt dưới đất và tách biệt nhau. Trung bình mỗi học sinh ngồi cách nhau 1,5 - 2 mét tạo thành hàng dài trải dọc khắp sân trường. Ở góc nhìn trên cao, từng bạn ngồi thành hàng dài, đều đặn tăm tắp và chăm chú làm bài.
Được biết đây là hình thức kiểm tra hằng năm của trường kể từ khi bắt đầu áp dụng hình thức thi trắc nghiệm cho kỳ thi THPT Quốc gia. "Mình cảm thấy khá hay và thú vị khi không bị gò bó trong lớp học và được ngồi cùng nhiều bạn nên khi làm bài xong tranh thủ nói chuyện cũng vui", bạn Quốc Bảo (học sinh lớp 12 trong trường) chia sẻ.
Ngay sau khi bài viết được đăng tải, rất nhiều dân mạng cũng tỏ ra bất ngờ và hào hứng với cách kiểm tra độc đáo này. "Thực sự ủng hộ các trường nên triển khai hình thức thi này, không quay cóp cũng chẳng có tài liệu mới biết học sinh của mình giỏi hay dốt đâu để thay đổi phương pháp dạy chứ", bạn M.N cho biết.
Nhìn trên cao, học sinh ngồi đều tăm tắp thành từng hàng dài làm bài.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng hình thức thi này còn nhiều bất cập khi tổ chức ngoài trời có thể ảnh hưởng sức khỏe học sinh cũng như đòi hỏi giám thị phải rất vất vả mới có thể giám sát hết quá trình thi. Bên cạnh đó, trường cũng để thí sinh phải ngồi bệt dưới đất, chỉ được viết trên 1 chiếc ghế nhựa có thể ảnh hưởng đến việc viết lách.
Trả lời về vấn đề này, bạn học sinh Quốc Bảo cho biết trước lúc kiểm tra trường đã cho quét sân sạch sẽ đồng thời tổ chức vào lúc thời tiết mát mẻ nên không ảnh hưởng quá nhiều những bình luận mà cộng đồng mạng chia sẻ.
Còn bạn, bạn nghĩ sao về hình thức thi độc đáo này?