Chỗ đứng nào cho phim điện ảnh châu Á tại thị trường Việt Nam?

Phúc Du, Theo Trí Thức Trẻ 09:19 31/12/2016

Trong sự phát triển nhộn nhịp của mặt bằng phim chiếu rạp và rạp chiếu, vẫn có những bí bách tạp ra một thế mất cân bằng cho phim điện ảnh châu Á.

Nhắc đến phim chiếu rạp/phim điện ảnh, khán giả Việt ngày nay hầu như mặc định là phim Hollywood, còn những phim châu Á như Trung, Nhật, Hàn đều chỉ ồn ào ở mảng truyền hình. Trái ngược với sự phát triển rất nhanh của các hệ thống rạp chiếu phim hiện đại của Việt Nam, số lượng phim điện ảnh châu Á ngày càng hiếm hoi so với tổng thể, dường như bị phim Hollywood nuốt chửng thị phần.

Trong khi trên các kênh truyền hình hay những trang web đăng tải phim châu Á, lượt xem và quan tâm của khán giả dành cho phim truyền hình châu Á vẫn rất cao. Đối với những người không quan tâm phim Á, đây không phải một vấn đề. Tuy nhiên với những khán giả muốn xem phim điện ảnh châu Á ở rạp thì rõ ràng là một câu hỏi chúng ta nên đặt ra từ rất lâu rồi.

Chỗ đứng nào cho phim điện ảnh châu Á tại thị trường Việt Nam? - Ảnh 1.

Có phải bạn nghĩ điện ảnh Hàn chỉ có những bộ phim "Goblin" này?

Không thiếu những phim từ hay đến rất hay!

Tại sao số đông người Việt vẫn nghĩ điện ảnh châu Á chỉ xoay quanh các phim truyền hình dài tập!? Vì những cuộc đấu về rating giữa các nhà đài, khẩu chiến giữa các cộng đồng người hâm mộ và sự bao phủ thông tin của một "trai xinh gái đẹp" xuất hiện trong bộ phim nào đó trong một thời gian nhất định. Vì sự vượt trội về truyền thông trong mảng truyền hình mà điện ảnh bị lép vế, khiếu nhiều khán giả nghĩ rằng châu Á chỉ giỏi làm phim dài tập, còn Hollywood mới đỉnh trong việc tạo ra những tác phẩm ngắn gọn đỉnh cao. Đây là nhận định vô cùng sai lầm!

Không chỉ phim truyền hình châu Á mà cả Âu Mỹ, Việt Nam đều được đầu tư ít hơn phim điện ảnh. Vì thế tất nhiên kịch bản cũng đơn giản hơn, những cảnh hành động cháy nổ hay kĩ xảo đều được hạn chế. Cho nên đừng vì ngao ngán với những bộ phim truyền hình vốn được làm ra để phục vụ nhóm nội trợ hay các bạn trẻ nhỏ tuổi mà cho rằng châu Á không có trình độ làm phim lớn.

Chỗ đứng nào cho phim điện ảnh châu Á tại thị trường Việt Nam? - Ảnh 2.

Tất nhiên về vấn đề kĩ xảo, những nhà sản xuất, đạo diễn châu Á cũng biết "tự lượng sức mình". Tuy rằng đôi khi cũng có những trường hợp "cầm đèn chạy trước ô tô" như Tây Du Kí: Đại Náo Thiên Cung năm 2014 bị đánh giá là kĩ xảo quá nhiều và quá giả, vẫn có những tác phẩm được trau chuốt và đầu tư về mảng này. Tiêu biểu nhất chính là Tây Du Kí II: Tôn Ngộ Không Ba Lần Đánh Bạch Cốt Tinh ra mắt 2 năm sau đó. Hay Tróc Yêu Ký cũng được ca ngợi trong khâu tạo hình những nhân vật đồ họa, khiến bộ phim có doanh thu cực khủng tại Trung Quốc.

Điện ảnh xứ này mấy năm trở lại đây đang chứng tỏ một vị thế và sự "lăm le" tiếm ngôi đầu bảng không hề nhỏ của mình. Vấn đề về kĩ xảo, kĩ thuật hay ngôi sao âu cũng chỉ là vấn đề về tiền. Nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục là một thị trường tăng trưởng với tốc độ khủng khiếp như hiện nay thì một bom tấn đạt kĩ xảo "chuẩn Hollywood" trong tương lai không còn là viễn vông nữa.

Chỗ đứng nào cho phim điện ảnh châu Á tại thị trường Việt Nam? - Ảnh 3.

Tróc Yêu Kí từng được trình chiếu tại Việt Nam, nhưng hiệu ứng không mạnh

Tuy nhiên kĩ xảo cũng chỉ là những "lớp áo khoác ngoài", thứ quan trọng nhất của bộ phim vẫn là kịch bản, được xem như phần linh hồn. Và những phim điện ảnh châu Á mạnh về kịch bản thì nhiều vô kể. Tiêu biểu như những phim hình sự Hàn Quốc đều có kịch bản rất tốt, nhiều phim còn khiến người xem kích động mạnh. Chưa kể kĩ thuật dựng phim hay những dụng công của đạo diễn trong việc sắp đặt các cú twist, đẩy cảm xúc đến cùng cực trong một số phim cũng vô cùng đáng khen. Phải kể đến những cái tên như A Hard Day (Kim Seong Hun), The Accidental Detective (Kim Jeong Hoon), Chronicles of Evil (Woon Hak Baek), Veteran (Ryoo Seung Wan), Ode To My Father (Yoon Je Kyoon). Đây chỉ là số ít trong rất nhiều phim điện ảnh được đánh giá rất cao của Hàn Quốc thời gian gần đây, trong khi nhiều người vẫn nghĩ họ chỉ làm được những bộ phim ung thư dài tập sáo mòn. Trong số những phim kể trên, có những phim may mắn được chiếu tại Việt Nam nhưng kết cục là rời rạp không kèn không trống hoặc phải chiếu với giá ưu đãi 30 nghìn.

Chỗ đứng nào cho phim điện ảnh châu Á tại thị trường Việt Nam? - Ảnh 4.

Nếu chưa xem bộ phim tuyệt vời này thì quá đáng tiếc

Lời giải không nhất thiết thuộc về chất lượng

Thế, điều gì đã khiến khán giả đại chúng ở Việt Nam từ chối những tác phẩm chất lượng không phải từ Hollywood? Theo như những số liệu đánh giá và các cuộc thăm dò thị hiếu, phản ứng của khán giả trên các trang cộng đồng, có thể rút lại 2 lý do chính: HD và thời điểm. HD là "từ khóa" tạm thời để gọi tên một lý do quan trọng bậc nhất trong vấn đề mất cân bằng này. Rất nhiều khán giả cho rằng phim châu Á sẽ nhanh có bản HD trên internet hơn phim Hollywood nên không cần ra rạp. Thật ra có HD hay không còn chưa biết, chủ yếu vẫn là các bản quay lén xuất phát từ nước-mà-bạn-cũng-biết-là-nước-nào-đấy mà thôi. Không chỉ ở địa hạt phim ảnh, các ấn phẩm trí tuệ như âm nhạc, truyện sách đều lao đao vì sự lan truyền "quá nhanh, quá nguy hiểm" của các bản "lậu" từ thị trường đại lục.

Đây cũng là lý do mà các phim Hollywood thường chiếu ở Trung Quốc trễ hơn các nước khác, và Việt Nam lại được chiếu sớm hơn một tuần với một vài phim. Nói ra có vẻ hơi kì nhưng thực sự là do trình độ quay lén ở nước ta vẫn chưa "giỏi". Bên cạnh đó, còn vì rạp chiếu lại đang mọc lên quá nhiều, lượng người chịu bỏ tiền ra rạp không hề ít dù giá vé không hề rẻ đã khiến cho các nhà phát hành Âu Mỹ nhìn thấy miếng mồi, biến Việt Nam thành những nơi chào sân sôi động dù thực tế doanh thu tại Việt Nam chỉ như con muỗi so với tổng thể. Trong khi đó, các phim châu Á lại hiếm khi nào công chiếu sớm ở Việt Nam. Vì thế mà khi một phim Hàn, Trung nào đó được thông báo sẽ về Việt Nam thì không ít những bình luận bảo rằng "đã xem hết trên mạng rồi", đây chính là vấn đề thời điểm.

Chỗ đứng nào cho phim điện ảnh châu Á tại thị trường Việt Nam? - Ảnh 5.

Điệp Vụ Tam Giác Vàng chiếu tại Việt Nam trễ hơn Trung Quốc nửa tháng nhưng vẫn không có nhiều người xem dù chất lượng phim rất tốt

Không bàn đến ý thức bản quyền của người Việt ở đây. Hãy tập trung vào những phương thức để khán giả được tiếp cận với sự trả tiền cho sản phẩm trí tuệ mà các nhà sản xuất, nhà phát hành áp dụng. Sự đẩy nhanh tốc độ phát hành phim Âu Mỹ mới ở Việt Nam nhiều năm nay đã "tập" cho khán giả thói quen mong chờ một bộ phim tại rạp chiếu hơn là trên internet. Đây là một dấu hiệu rất đáng mừng, có thể nói hàng loạt hãng phim/studio Âu Mỹ đã thành công trong việc nâng cao ý thức về sự chi trả cho chất xám của người Việt. Vậy phải chăng phim châu Á cũng đang cần những hoạt động tương tự tại Việt Nam? Tưởng tượng một bộ phim có chất lượng tốt, tương đồng về văn hóa, cũng có những ngôi sao thu hút giới trẻ, nếu được quảng bá mạnh và được công chiếu sớm thì vẫn có thể đạt doanh thu khủng.

Chỗ đứng nào cho phim điện ảnh châu Á tại thị trường Việt Nam? - Ảnh 6.

Train To Busan - quả bom của điện ảnh Hàn năm nay, kể cả tại Việt Nam

Một ví dụ điển hình là Train to Busan. Đây là một thành công bất ngờ với những người theo dõi điện ảnh Hàn Quốc khi mà hiệu ứng của phim ở Việt Nam cực kì tốt. Phim được chiếu không quá trễ với nước chính chủ, khá gần với nước cùng khu vực là Thái Lan, may mắn có một đề tài thu hút và được truyền miệng rất tốt, thế là thành công. Trong khi một phim Hàn khác là Tunnel (Kim Seong Hun) chiếu sau đó dù chất lượng rất khá nhưng hầu như không ai biết. Vấn đề lúc này lại xoay quanh quảng bá nhiều hơn khi nhà phát hành không chủ trương "đẩy" phim.

Chỗ đứng nào cho phim điện ảnh châu Á tại thị trường Việt Nam? - Ảnh 7.

Tunnel của đạo diễn Kim Seong Hun với diễn xuất của Ha Jung Woo bị khán giả Việt Nam ngó lơ

Cần một thị trường đa dạng hơn

Với những gì đã diễn ra, phim châu Á dần trở thành "con ghẻ" của những nhà phát hành. Họ sẽ ngại ngần trong tất cả các khâu từ việc khai thác, quảng bá và phổ biến khi mà phim châu Á nào ra rạp cũng có doanh thu lèo tèo. Tiếp tục nói về phim Hàn, năm nay ngoài Train to Busan vẫn còn một phim hành động - hài cực kì xuất sắc được chiếu tại Việt Nam là Luck-Key (Xin lỗi, anh chỉ là sát thủ - đạo diễn Lee Gye Byeok, Lee Gae Byok). Bất chấp nội dung và kịch bản tốt, doanh thu thuộc khủng bên Hàn, được chiếu dài hạn với giá 30.000 tại CGV Việt Nam (dù là phim do Lotte mua về) nhưng vẫn không nhiều người xem. Sự thất bại của Luck-Key tại Việt Nam một phần do quảng bá quá yếu, còn lại vì phim không có "tài tử giai nhân" đình đám.

Chỗ đứng nào cho phim điện ảnh châu Á tại thị trường Việt Nam? - Ảnh 8.

Hwang Jung Min là một "ông vua phòng vé" tại Hàn nhưng có vẻ không "hợp phong thủy" ở Việt Nam - Ảnh trong phim Violent Prosecutor

Nói vậy hóa ra lại quay về điểm xuất phát: định kiến mà khán giả dành cho phim châu Á vẫn xoay quanh sự đầu tư và những tên tuổi của giới trẻ!? "Nếu không có ngôi sao, không phải là phim mãn nhãn thì còn lâu chúng tôi mới nhấc mông đếp rạp!" Hoặc "Phim châu Á thì vẫn cứ sến sến và màu mè như phim truyền hình thôi, tại sao phải phí tiền!" Ôi, thực sự là một hiện trạng đáng buồn cho điện ảnh. Chẳng lẽ thị trường Việt Nam phát triển chỉ để phục vụ cho bom tấn Hollywood!? Nếu xếp điện ảnh châu Á vào hàng ngũ nhóm những phim độc lập (arthouse/indie) của Âu Mỹ có lẽ cũng không sai. Và nếu thiếu những hạng mục này thì thị trường vô cùng nhạt nhòa.

Định kiến của khán giả sẽ ảnh hưởng đến việc mạnh dạn của các nhà phát hành, và sự liều lĩnh cua nhà phát hành lại tiếp tục định hình cho thói quen thưởng thức của khá giả. Khiến cho phim châu Á tại Việt Nam chỉ có thể nhận được doanh thu khiêm tốn, hiếm hoi lắm mới đào ra được một Mỹ Nhân Ngư hay Train to Busan. Trong khi đó còn bao nhiêu là phim hay nhưng không có được cơ hội xuất hiện. Năm nay có The Wailing (Na Hong Jin), bộ phim kinh dị Hàn được đánh giá là xuất sắc nhất hay những cái tên nổi trội khác như The Truth Beneath (Lee Kyoung Mi), The World of Us (Ga Eun Yoon), A Violent Prosecutor (Lee Il Hyung), v.v... sẽ chỉ là những bộ phim được người Việt tìm xem trên máy tính. Một phim Hàn sắp được trình chiếu là My Annoying Brother (Anh Tôi Vô Số Tội) cũng nằm trong top những phim doanh thu cao ở Hàn nhưng có lẽ nó chẳng dám "mơ mộng nhiều" ở nước ta.

Chỗ đứng nào cho phim điện ảnh châu Á tại thị trường Việt Nam? - Ảnh 9.

Phim Anh Tôi Vô Số Tội

Kết

Trong "nội bộ" mảng phim Á tại Việt Nam, "spotlight" vốn dành nhiều cho phim Hàn và phim Hoa Ngữ. Trong khi mảng điện ảnh Nhật Bản lại chỉ có thể đến với khán giả trong các kì Liên hoan phim. Ai cũng biết điện ảnh Nhật có vị thế không nhỏ trong làng điện ảnh thế giới dù khá kín tiếng. Nhưng những bộ phim Nhật lại có cách thể hiện rất đặc trưng. Tác phẩm trinh thám hình sự tâm lý tội phạm Creepy được trình chiếu tại Việt Nam trong kì Liên hoan phim Nhật vừa rồi nhận được phản ứng vô cùng tích cực, nhưng cũng chỉ với một cộng đồng rất nhỏ. Liệu rằng có một tương lai nào khả quan hơn cho điện ảnh Nhật tại Việt Nam ngoại trừ những phim hoạt hình?

Chỗ đứng nào cho phim điện ảnh châu Á tại thị trường Việt Nam? - Ảnh 10.

Phim Creepy

Nếu chúng ta vẫn chỉ đồng ý chi tiền cho những bom tấn Holywood vì cho rằng như vậy mới xứng đáng thì khán giả Việt không còn là những công dân điện ảnh chân chính nữa. Bởi vì chúng ta còn chưa đến được giai đoạn phân loại đối tượng, thể loại cơ mà. Điện ảnh ngoại quốc ở Việt Nam sôi động nhưng vẫn vô cùng thiếu cân bằng. Nếu chỉ ra rạp để xem phim Hollywood và về nhà xem phim châu Á "lậu" trên internet chẳng khác nào chúng ta đang ngồi trên một chiếc bập bênh mất cân bằng. Ngay cả cách nhìn với thị trường điện ảnh ngoại quốc cũng bí bách thì khó trách tại sao điện ảnh Việt cứ mãi loay hoay với các nước khu vực. Một chiếc áo vừa vặn rẻ tiền vẫn hơn một chiếc áo đắt tiền nhưng quá khổ, đúng không?