Chợ đồ nhái huyền thoại ở "Silicon Valley Trung Quốc" bị đóng cửa không thương tiếc

LONG.J, Theo TRÍ THỨC TRẺ 22:16 04/04/2019

Nó được biết đến như nguồn cung cấp linh kiện giá rẻ, đa dạng cho các công ty phần cứng đóng đô ở Thâm Quyến. Nhưng như thế là chưa đủ, "đặc sản" của chợ Hoa Cường Bắc, phải là hàng giả, hàng nhái.

Drone, điện thoại, quạt hologram và vô số món đồ công nghệ nhái đều có thể tìm thấy tại chợ điện tử Hoa Cường Bắc, Thâm Quyến.

Nếu thành phố Thâm Quyến được coi là "Silicon Valley Trung Quốc", chợ Hoa Cường Bắc chính là trái tim. Tuy nhiên, nó đang trên đà biến mất.

Tuần qua, tòa nhà Cao Khoa Đức, một trong những trung tâm thương mại nhiều tầng, giá cho thuê đắt đỏ nhất chợ Hoa Cường Bắc đã bị phá bỏ. Hơn 2000 con buôn tại đây phải dẹp tiệm từ hôm 1/4.

Chợ đồ nhái huyền thoại ở Silicon Valley Trung Quốc bị đóng cửa không thương tiếc - Ảnh 1.

Trong quá khứ, chợ Hoa Cường Bắc được coi là "phong vũ biểu" kinh tế của nhiều nhà máy sản xuất đồ điện tử Trung Quốc.

Nó được biết đến như nguồn cung cấp linh kiện giá rẻ, đa dạng cho các công ty phần cứng đóng đô ở Thâm Quyến. Nhưng như thế là chưa đủ, "đặc sản" của chợ Hoa Cường Bắc, phải là hàng giả, hàng nhái.

Bạn có thể dễ dàng tìm mua iPhone X theo lô với gía 100 USD, tai nghe Beats và thậm chí nhiều sản phẩm trên Kickstarter chưa có mặt trên thị trường. (Kickstarter là nền tảng gọi vốn cộng đồng).

Vài năm trở lại đây, chính quyền Thâm Quyến đã cố gắng loại bỏ tiếng xấu này bằng cách tấn công trực diện vào chợ Hoa Cường Bắc.

Chợ đồ nhái huyền thoại ở Silicon Valley Trung Quốc bị đóng cửa không thương tiếc - Ảnh 2.

Vô số sản phẩm chưa gọi vốn xong trên Kickstarter nhưng đã có mặt ở chợ Hoa Cường Bắc

Jack Xie, giám đốc marketing của công ty Sở hữu trí tuệ Borsam, trụ sở tại Thâm Quyến cho hay, chính quyền đang cố gắng xây dựng một thành phố văn minh, nơi chất xám được bảo vệ.

Tuy nhiên, sản xuất và phân phối hàng giả, hàng nhái đồng nghĩa với việc chia sẻ kiến thức và công nghệ - từ lâu đã trở thành "văn hóa" công nghệ ở Thâm Quyến. Nhiều thương hiệu nước ngoài thiệt hại nặng nề vì hàng giả nhưng các công ty công nghệ địa phương lại được hưởng lợi từ môi trường này.

Thâm Quyến từng là điểm nóng kiện tụng vì sản xuất hàng nhái. Segway, công ty sản xuất xe tự cân bằng có trụ sở ở Mỹ từng ra sức kiện Ninebot vì làm đồ nhái ở Thâm Quyến.

Tuy nhiên, Ninebot chỉ đơn giản là... mua luôn đối thủ cạnh tranh vào năm 2015.

"Sao chép sản phẩm chỉ là một giai đoạn của quá trình học hỏi và cải tiến," Jack Xie nói. "Sau giai đoạn tích lũy kinh nghiệm, Trung Quốc cũng sẽ có những sản phẩm sáng tạo của riêng mình," vị này cho biết thêm.

Chợ đồ nhái huyền thoại ở Silicon Valley Trung Quốc bị đóng cửa không thương tiếc - Ảnh 3.

Miễn là linh kiện điện tử, chợ Hoa Cường Bắc có đủ không thiếu gì hết

Một lý do khác dẫn đến sự sụp đổ của chợ Hoa Cường Bắc, chính là các con buôn đã đổi hướng và lựa chọn nền tảng bán hàng khác, nhanh chóng, hiệu quả hơn - thương mại điện tử.

Ngoài ra, thuế và chi phí duy trì gian hàng trong chợ Hoa Cường Bắc cực đắt, nếu ngoan cố ở lại các con buôn sẽ điêu đứng. Tất cả những lý do trên đã khiến xứ sở trong mơ của hàng giả, hàng nhái bị phá hủy.

Theo A.N