Ác mộng "hack não" cho người sợ Toán: Dùng smartphone làm máy tính, đúng hay không đúng nói một lời?

Hà Thu, Theo Trí Thức Trẻ 15:15 01/04/2019
Chia sẻ

Cư dân mạng Facebook Việt Nam những ngày gần đây bỗng rộ lên vì một hình ảnh đọ sức giữa smartphone và máy tính, cãi nhau ỏm tỏi.

Toán học chưa bao giờ là một lĩnh vực bị xem thường và coi là dễ dàng. Ngay cả những hằng đẳng thức phức tạp hay quy luật cao siêu chỉ có các tiến sĩ tìm ra cũng bắt nguồn từ những con số nhỏ nhất. Nói đến chuyện những con số, những ngày gần đây, cư dân mạng Việt Nam lại được dịp dậy sóng với hình ảnh tưởng đơn giản mà "hack não" đến không ngờ:

Ác mộng hack não cho người sợ Toán: Dùng smartphone làm máy tính, đúng hay không đúng nói một lời? - Ảnh 1.

Hình ảnh đang gây bão Facebook những ngày gần đây.

Tấm hình trên đang xuất hiện với tần suất ngày một nhiều, xuyên suốt các Group và Fanpage lớn nhỏ, thách thức mọi tầng lớp cộng đồng Internet, từ những anh chị em thích lấy bàn phím làm vũ khí cho tới các thiên tài toán học thật sự đang giấu mặt sau chiếc avatar ảo. Kẻ tám lạng, người nửa cân, kết quả dù đúng dù sai, vẫn cứ đang chia làm 2 phe riêng biệt.

Thực ra, trước đây cũng đã có những trường hợp tương tự từng được lôi ra mổ xẻ khá nhiều, đôi khi chỉ khác con số nhưng vẫn liên quan đến cách thức và phạm trù toán học như nhau. Lần này, cuộc chiến giữa chiếc smartphone láng bóng và máy tính toán học vẫn tiếp tục là một vấn đề hot bất chấp dòng thời gian xoay chuyển.

Đâu là đáp án đúng nhất? Lý do gì lại có sự khác nhau như trên?

Dĩ nhiên, câu trả lời đúng chỉ có một. Để tiện cho mọi người dễ hiểu, hãy theo dõi lời giải chuẩn xác 100% đã được anh chàng này nêu lên sau đây, cũng là comment nhận được nhiều lượt Like và hưởng ứng nhất:

Ác mộng hack não cho người sợ Toán: Dùng smartphone làm máy tính, đúng hay không đúng nói một lời? - Ảnh 2.

Chính thứ tự ưu tiên phép tính cơ bản là điều mà nhiều người còn hiểu sai.

Theo như nhiều chuyên gia cũng như cả người học Toán trước đây từng chỉ ra, cách diễn đạt và nhập số/ký tự trên máy tính toán học chuyên dụng đôi khi có thể gây ra mâu thuẫn. Cụ thể, hai phép tính 6/2(2+1) và 6/2x(2+1) về lý thuyết là giống nhau, nhưng khi nhập vào máy tính sẽ lần lượt cho ra đáp án hoàn toàn khác nhau. Phép tính đầu sẽ cho kết quả "1" là sai, nhưng phép tính sau vẫn cho đáp án "9" đúng.

Tất cả là bởi sự hiểu lầm trong cách diễn đạt ngoài đời và cách nhập ký tự trong máy tính. Ngoài đời, dấu nhân (x) có thể bị viết tắt lược bỏ đi hoặc thay bằng dấu chấm (.), nhưng khi làm vậy trong máy tính, hệ thống sẽ nhận biết đó là một cụm riêng và làm sai lệch quy tắc thứ tự tính toán cơ bản. Hiện tại, một số hãng máy tính mới hơn hoặc chăm cập nhật chi tiết đã sửa được lỗi này dù có viết dấu đầy đủ hay lược bỏ vắn tắt, nhưng chưa chắc toàn bộ các sản phẩm đều làm được như vậy.

Trong khi đó, ứng dụng máy tính trên smartphone tuy đơn giản và không nhiều chức năng bằng, nhưng ngôn ngữ lập trình cấu tạo nên hệ thống lại tân tiến và dễ bao quát hơn nhiều. Toán học cũng là một môn bắt buộc chuyên sâu hàng đầu để theo ngành IT, vì thế rất khó để lỗi mâu thuẫn cơ bản như trên lọt qua mắt một lập trình viên làm ra những ứng dụng Android, iOS ngày nay. Hơn nữa, kể cả lỡ sơ suất thì khi phát hiện ra, smartphone sẽ update ngay chỉ trong một nốt nhạc, có khi bạn còn... chưa kịp ngáp đã sửa xong lỗi rồi.

Dù có viết dấu nhân (x) theo cách nào thì Google vẫn cứ là thông minh biết tuốt đúng không cả nhà!

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày