Chiếc tủ kính với dòng chữ "Nơi trưng bày hành lý, tài sản của khách để quên", được đặt tại vị trí dễ nhìn trong Bến xe Nước Ngầm, Hà Nội. 10 năm qua, hệ thống camera an ninh và nhóm nhân viên bến xe, tài xế và cả hành khách, mỗi khi phát hiện hành lý, tài sản bị bỏ quên tại bến, hoặc trên các tuyến xe, đều đưa về tủ lưu giữ.
Trong chiếc tủ đặc biệt này, khi là tiền bạc, đồ vật rất đắt tiền như ví, điện thoại, đồng hồ, hay giấy tờ quan trọng gồm chứng minh thư, hộ chiếu, sổ hộ khẩu,...
Trên mỗi món đồ, nhân viên bảo vệ ghi rõ ngày, tháng, năm, địa điểm bị thất lạc để hành khách dễ dàng nhận ra. Trong ảnh là chiếc ví nhỏ ở dãy ghế Sài Gòn, ngày 22/12.
Thẻ căn cước, chứng minh thư, sổ hộ khẩu và hộ chiếu, đều là những giấy tờ quan trọng, mà nếu mất đi sẽ rất phức tạp khi phải làm thủ tục xin cấp lại. Nhiều năm qua, ban quản lý bến xe đã thu thập hàng trăm, hàng nghìn loại giấy tờ như này.
Điện thoại di động đủ hãng, kích cỡ, màu sắc, đến con chuột máy tính, gậy tự sướng, mắt kính,... cũng "có mặt" trong tủ. Mỗi khi nhận một món đồ thất lạc, trước tiên ban quản lý bến xe sẽ thông báo trên loa phát thanh để tìm kiếm hành khách. Nếu không có ai đến nhận, họ trưng bày đồ vật trong tủ kính với hy vọng hành khách lần sau quay lại bến hoặc người nhà, bạn bè của họ, sẽ nhận ra món đồ.
Chiếc đồng hồ nằm im ở góc tủ đã mấy năm qua. Anh Bắc - thuộc nhóm nhân viên bảo vệ của bến xe cho biết, trong những món đồ bị bỏ quên, nhiều vật có giá trị lớn và cả giấy tờ quan trọng. Nếu có thông tin của hành khách, ban quản lý bến xe sẽ cố gắng liên hệ.
Thậm chí, một cọc tiền bị đánh rơi ở nhà chờ bến xe ngày 16/12/2019, vẫn chưa tìm được "chủ nhân".
Bằng khen giải thưởng văn học nghệ thuật, bằng tốt nghiệp cao đẳng dược,...
Ngay cả những vật trang trí, quân tư trang cũng bị thất lạc. Trung bình mỗi năm, rất nhiều hành khách quay lại xin nhận đồ. Họ tỏ ra bất ngờ vì không nghĩ rằng những tài sản trên còn hy vọng tìm kiếm. Ban quản lý bến xe yêu cầu chứng minh nhân thân trước khi tiếp nhận tài sản. "Rất nhiều người cảm ơn và vui mừng. Họ không nghĩ một món đồ bị đánh rơi từ lâu mà vẫn có thể tìm lại được", anh Bắc nói.
Những món đồ "nhuốm màu thời gian". Với những loại tài sản khác nhau, nếu quá thời hạn, ban quản lý bến xe sẽ trao tặng chúng cho những tổ chức xã hội như hội khuyết tật, hội nạn nhân chất độc da cam, hội từ thiện,... giúp lan tỏa những hành động tử tế.
Những bức thư xác nhận đã nhận lại tài sản bỏ quên tại Bến xe Nước Ngầm.
"Chúng tôi thấu hiểu nỗi lo lắng của hành khách mỗi khi tới bến xe, điển hình là nạn trộm cướp,... Vì vậy, lực lượng an ninh luôn túc trực, đảm bảo an ninh trật tự tại bến. Mỗi ngày, chúng tôi đều đi một vòng, quan sát liệu có ai bỏ quên đồ đạc hay không, rồi chia nhau nhóm 4-5 người, làm việc theo ca để quản lý chiếc tủ". Anh Bắc hy vọng ở những bến xe khách khác trên địa bàn, mô hình tủ trưng bày hành lý, tài sản của khách để quên sẽ được nhân rộng trong tương lai.