"Chị đẹp": Lời tuyên chiến với "bắt nạt chốn công sở" chưa hẳn bạn đã nhìn ra!

Cô Hàng Xóm, Theo Helino 00:03 17/04/2018

Người phất lá cờ đầu nói không với "bắt nạt chốn công sở" là trưởng phòng mặt lạnh Jung Young In. Chị Jung là người có cá tính, bí quyết đối nhân xử thế và quan điểm làm việc siêu hay ho.

Chuyện tình yêu ở "Chị đẹp mua cơm ngon cho tôi" được khai thác hấp dẫn và thú vị thế nào chắc chúng ta cũng chẳng cần phải bàn cãi nhiều nữa. Nhưng ngoài tình yêu, bộ film còn dẫn dắt người xem đến trước bức tranh đa chiều về nhịp sống của người trẻ trí thức: có niềm vui nhưng cũng đầy rẫy những góc tối.

Ở một môi trường trẻ và tác phong làm việc chuyên nghiệp như công ty của "chị đẹp" Yoon Jin Ah vẫn tồn tại thực trạng "bắt nạt chốn công sở" (nhân viên không dám chỉ ra cái sai của sếp, đi liên hoan phải hầu rượu, nướng thịt, hát hò phụ hoạ để sếp vui), nhìn mặt sếp để làm việc, những người ở cấp bậc quản lý thì lăm le chờ thời cơ để hạ bệ nhau. 

Chị đẹp: Lời tuyên chiến với bắt nạt chốn công sở chưa hẳn bạn đã nhìn ra! - Ảnh 1.

"Chị đẹp" bị ép đi mời rượu trong tiệc liên hoan.

Trong một môi trường như thế, là nhân viên hay làm sếp, nếu muốn đồng nghiệp phục mình - cấp trên nể mình, thì ngoài năng lực xuất sắc ra bạn còn cần có bí quyết sống nữa đấy! 

Nếu tinh ý, bạn có thể "bỏ túi" kha khá kinh nghiệm đối nhân xử thế cho mình từ phong cách làm việc của Jung Young In, người đã dùng "quyền lực mềm" để ngăn chặn "bắt nạt chốn công sở" xảy ra.

Luôn chìa tay ra với nhân viên, không ai phải vượt qua khủng hoảng một mình cả!

Cửa hàng mới khai trương cần tặng khách hàng 100 thỏi son và voucher khuyến mãi. Trưởng phòng quên duyệt kế hoạch marketing đã trình lên. Sai sót xảy ra, quà khuyến mãi không đến được tay khách hàng. Phát hiện sai sót này, một nhân viên đã kêu cứu những người có liên quan nhưng ai cũng tìm cách né tránh vì ngại lên tiếng, ngại va chạm với... sếp. Riêng Jung, cô liền đứng ra "cứu nguy" cho nhân viên dù lỗi không do mình gây ra. Đó là hành động rất bản lĩnh. Nó vừa không tăng thêm áp lực trên vai cấp dưới, vừa không khiến sai lầm trở nên tồi tệ thêm. Chuyện quy trách nhiệm thuộc về ai, tính sau!

Chị đẹp: Lời tuyên chiến với bắt nạt chốn công sở chưa hẳn bạn đã nhìn ra! - Ảnh 2.

Lập tức xử lý khủng hoảng, cứu nguy cho nhân viên dù đó không phải là lỗi của mình.


Người khác làm sai, hãy cho họ cơ hội để tự sửa sai một lần

Là khi vị trưởng phòng tắc trách gây sự cố nghiêm trọng cố lấp liếm lỗi bằng một câu phủ nhận thẳng tưng, Jung không cố "vạch trần" anh tại thời điểm đó. Jung lường trước được chuyện sự thẳng thắn của mình có thể châm ngòi cho một "cuộc chiến" mà cả hai hoàn toàn có thể tránh được. Jung nhẹ nhàng bảo "có lẽ tôi đã nhầm" để đối phương giật mình và sửa sai. 

Nhận mình nhầm, lùi một bước không phải là chịu thua, trong trường hợp này, Jung đặt sự tôn trọng đồng nghiệp lên ở mức cao nhất. Cô cũng đã cố gắng thấu hiểu đối phương vì: Ai chẳng có lúc quên, lúc sai, nhưng xử lý cái quên ấy, cái sai như thế nào mới quan trọng!

Chị đẹp: Lời tuyên chiến với bắt nạt chốn công sở chưa hẳn bạn đã nhìn ra! - Ảnh 4.

Tờ giấy màu vàng ấy là anh không thấy thật sao?


Khích lệ cấp dưới, không chỉ khi họ làm tốt mà ngay cả lúc họ gặp khó khăn nữa

Sếp Jung đã rất kịp thời động viên Yoon Jin Ah khi phát hiện sai sót của người đồng cấp đang gây ảnh hưởng trực tiếp lên uy tín của cô nhân viên chăm chỉ này. Không tỏ ra mình đứng về phía Jin Ah, nhưng Jung thể hiện sự ủng hộ với lẽ phải bằng cách nói một lời động viên đơn giản và ý nhị với nhân viên của mình. Chỉ cần như vậy thôi, ai cũng sẽ cảm thấy mình được sếp tiếp thêm rất nhiều năng lượng để "chiến đấu" phải không? Nghệ thuật thu phục lòng người là ở chỗ đó!

Chị đẹp: Lời tuyên chiến với bắt nạt chốn công sở chưa hẳn bạn đã nhìn ra! - Ảnh 6.

Khi đồng nghiệp quay lưng với sự thật, hãy thể hiện thái độ không-đồng-tình một cách tinh tế!

Vị trưởng phòng làm sai vẫn khăng khăng mình vô can trong câu chuyện tổn thất của công ty. Jung đã cho anh ta cơ hội để chuộc lỗi. Cô đã không làm lớn chuyện, đã lờ đi cơ hội "hạ bệ" người đồng cấp. 

Nhưng, trên đời này có những người khi chưa bị dồn đến chân tường thì nhất định không chịu nhận mình sai. Đối với những người như vậy, tốt nhất là đừng nên tranh cãi hay gây chiến với họ. Khi xung đột xảy ra, giám đốc ở trên cao vời vợi đâu thể đứng về phía một người nào. Đôi khi, bạn chọn bảo vệ sự thật sai cách hoặc sai thời điểm có thể biến bạn thành tâm điểm của thị phi, mà vấn đề cốt lõi thì lại không giải quyết được.

Chị Jung đã tặng cho đồng nghiệp một ánh nhìn rất khó quên. Đợi đấy, rồi chị sẽ có cách khiến anh phải... ngoan ngoãn nhận tội!

Chị đẹp: Lời tuyên chiến với bắt nạt chốn công sở chưa hẳn bạn đã nhìn ra! - Ảnh 8.

Jung tặng cho đồng nghiệp một ánh nhìn rất khó quên.


Bình đẳng khi đối thoại với cấp trên, nhất định làm cho kẻ "có tật phải giật mình"

Cuối cùng thì thời cơ của chị Jung cũng đến: một buổi đi ăn trưa riêng với giám đốc và trưởng phòng thiếu trung thực. Khi sếp hỏi đến báo cáo về sai sót xảy ra lần trước, chị chỉ nhẹ nhàng bảo rằng mình đang giữ các giấy tờ có liên quan. À thì ra, chị đã thủ sẵn chứng cứ trong tay rồi mà vẫn bình tĩnh nhìn đồng nghiệp... diễn kịch. Đúng là rất phục chị!

Chị đẹp: Lời tuyên chiến với bắt nạt chốn công sở chưa hẳn bạn đã nhìn ra! - Ảnh 10.

Sự thật không phải là khi bạn chiến thắng trong cuộc đấu khẩu với đồng nghiệp, sự thật thể hiện trong quy trình làm việc minh bạch

Người làm sai ắt hẳn sẽ sợ chết khiếp khi biết Jung nắm trong tay tất cả những bằng chứng có thể "lật mặt" mình bất cứ lúc nào. Jung quả thật thâm sâu theo cách của riêng chị. Trước đó, chị đã điều phối nhân viên làm việc theo một quy trình hoàn hảo, ai ký xong đều phải giữ lại bản sao. Vậy, nhân viên cuối cùng có liên quan đã ký và trình lên trưởng phòng, thì lý do gì anh lại không nhận được? Là ai đã quên?

Vở kịch cũng đã đến lúc phải hạ màn và người xấu bị buộc phải tháo lớp bỏ mặt nạ vô can.

Cách xử lý vừa nhẹ nhàng vừa tinh tế nhưng cũng không kém phần quyết liệt của Jung khiến đồng nghiệp tinh quái chẳng thể lên tiếng trách cứ được mình. 

Khép lại cuộc chiến ngầm chống "bắt nạt chốn công sở" cho cấp dưới, Jung đã giúp Yoon Jin Ah không phải bỏ tiền túi ra để bù lỗ chuyện 100 thỏi son và voucher cho khách. Ai làm sai, người đó phải chịu trách nhiệm.

Chị đẹp: Lời tuyên chiến với bắt nạt chốn công sở chưa hẳn bạn đã nhìn ra! - Ảnh 12.

Đừng nghĩ mình làm sếp mà bắt nhân viên phải "phục tùng mệnh lệnh" một cách vô lý.

Trong những bữa tiệc liên hoan dài bất tận của công ty Yoon Jin Ah có một cảnh khiến người xem "ngứa mắt", đó là các nhân viên nữ phải đến nướng thịt và mời rượu cấp trên. Chị Jung cũng thấy "gai con mắt" với cảnh này. 

Khi một số nam trưởng phòng tiếp tục đề nghị nhân viên nữ làm chuyện này để thể hiện việc "phục tùng mệnh lệnh" với sếp ngay cả khi đã ra khỏi công ty, Jung phản ứng luôn.

Cô gọi một nam nhân viên đến bàn mình, bắt anh nướng thịt cho mình và hỏi lớn: Cậu nướng đi, ý anh là phục tùng mệnh lệnh như thế này đúng không?

Ai cũng ngẩn người, ừ thì, nếu sếp nam đòi hỏi sự "phục tùng" thì sếp nữ sao lại không? Nhưng nếu mọi người phục tùng nhau thì sao không tự mình phục vụ mình cho rồi. Chẳng phải có câu: Tự túc là hạnh phúc? Sao cũng cùng là người làm công ăn lương với nhau mà lại thích biến nhau thành người không-hạnh-phúc vậy?

Chị đẹp: Lời tuyên chiến với bắt nạt chốn công sở chưa hẳn bạn đã nhìn ra! - Ảnh 14.
Chị đẹp: Lời tuyên chiến với bắt nạt chốn công sở chưa hẳn bạn đã nhìn ra! - Ảnh 15.