Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), trong một vài tuần trở lại đây, các đám cháy rừng lớn đã khiến bầu trời California và Oregon mù mịt khói bụi. Các thành phố ở hai bang này bị phủ kín tro bụi, chất lượng không khí trong khu vực ảnh hưởng cũng bị giảm sút nghiêm trọng.
Dòng khí quyển đã thổi khói độc hại từ các đám cháy rừng ở bờ Tây ra toàn nước Mỹ và kéo sang bờ Đông. Theo Cơ quan Dự báo Thời tiết Quốc gia, lượng khói còn lớn đến mức che phủ một phần Mặt Trời tại bờ Đông.
Bụi khói mờ mịt và chất lượng không khí kém tại Oregon do cháy rừng. Ảnh: AFP
“Hình ảnh vệ tinh sáng 15/9 cho thấy khói đang di chuyển hướng về phía Đông Bắc và Đại Tây Dương. Làn khói che khuất Mặt Trời và nhiệt độ ngày hôm nay giảm vài độ so với nhiệt độ nếu không có khói”, chi nhánh cơ quan dự báo thời tiết tại Baltimore-Washington đăng trên Twitter.
Trong tuần này, tình trạng khói và sương mù dày đặc đã xuất hiện tại New York, Boston và thậm chí cả Maine. Khói từ các đám cháy còn tràn vào Hà Lan và thành phố Hamburg (Đức).
Các đám cháy lớn cũng thải ra một lượng đáng kể chất ô nhiễm. Theo kết quả đo của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ NASA, nồng độ carbon monoxide có trong không khí tại các khu vực ảnh hưởng tuần trước ở mức cao gấp 10 lần chỉ số cho phép.
NASA thông báo: “Sức nóng dữ dội từ các đám cháy rừng đã thải mạnh carbon monoxide vào bầu khí quyển… Sau đó, dòng khí quyển thổi carbon monoxit về phía đông và qua Đại Tây Dương”.
Các quan chức cảnh báo thêm rằng lượng carbon monoxit độc hại "có thể tồn tại trong khí quyển khoảng một tháng và có thể bay xa hơn. Mặc dù lượng carbon monoxit bay ở trên cao và ít ảnh hưởng đến chất lượng không khí mà chúng ta hít thở, nhưng gió mạnh có thể đẩy khí này xuống thấp. Bên cạnh đó, carbon monoxit là nguyên nhân gây ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu”.
Tính đến thời điểm hiện tại, cháy rừng ở miền bắc California và miền nam Oregon đã thiêu rụi ít nhất 2 triệu hecta đất. Ít nhất 36 người đã thiệt mạng trong các đám cháy trên.
Ngày 14/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thăm California để thị sát tình hình hỏa hoạn trong bang.
Thống đốc California Gavin Newsom so sánh chất lượng không khí tại các khu vực bị lửa tàn phá tương đương với việc hút 20 bao thuốc lá mỗi ngày. Giới sinh vật học cho rằng cháy rừng có thể là nguyên nhân khiến hàng trăm nghìn con chim di cư chết ở New Mexico và các bang khác.