Cháy nhà trọ 14 người chết ở Trung Kính: Cách phòng ngừa ngạt khói khi có hỏa hoạn

Mỹ Diệu, Theo Phụ nữ mới 11:52 24/05/2024

Hít phải khói cướp đi nhiều sinh mạng hơn là bỏng. Vì vậy, hãy ghi nhớ những lời khuyên này để tránh hít phải khói trong trường hợp hỏa hoạn.

Nửa đêm 24/5, một vụ cháy lớn đã xảy ra tại ngõ 119 Trung Kính (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) khiến 14 người thiệt mạng. Qua sự việc này, chúng ta thấy rằng việc tìm hiểu và nắm bắt đầy đủ các kiến thức để biết tự bảo vệ bảo thân và những người xung quanh trong các trường hợp khẩn cấp, đặc biệt là trong các đám cháy, hỏa hoạn là vô cùng quan trọng.

Trái ngược với suy nghĩ thông thường, nguyên nhân chính gây tử vong - trong trường hợp hỏa hoạn - không phải do bỏng mà do ngạt khói. Khói độc hại, đầy bồ hóng từ đám cháy có thể giết chết một người ngay cả trước khi ngọn lửa kịp chạm tới người đó.

Trong quá trình đốt cháy, oxy cạn kiệt nhanh chóng và một lượng lớn khí độc như carbon monoxide (CO), carbon dioxide (CO2), hydrogen cyanide và hydrogen chloride được thải vào không khí, sau đó nạn nhân hít phải. Những khí độc này sau đó gây tổn thương phổi, dẫn đến tắc nghẽn đường hô hấp, tổn thương tế bào và suy nội tạng. Hơn 80% tổng số ca tử vong liên quan đến hỏa hoạn là do ngộ độc carbon monoxide trong các vụ hỏa hoạn. Dưới đây là một số điều nên và không nên về an toàn cháy nổ bạn phải biết.

Cháy nhà trọ 14 người chết ở Trung Kính: Cách phòng ngừa ngạt khói khi có hỏa hoạn - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: RNZ

Các triệu chứng khi ngạt khói

Các triệu chứng hít phải khói khác nhau tùy theo mức độ nghiêm trọng của ngộ độc. Điều quan trọng là phải chăm sóc y tế cho người đó nếu nồng độ carboxyhaemoglobin (hợp chất được hình thành khi carbon monoxide và hemoglobin tương tác trong máu) vượt quá 15%. Khi mức độ nằm trong khoảng từ 15 đến 20, nạn nhân có thể bị đau đầu và lú lẫn.

Ở độ tuổi 20-40, nó có thể gây mất phương hướng, mệt mỏi, buồn nôn và các vấn đề về thị lực. Ảo giác, phản kháng và hôn mê có thể xảy ra ở những nạn nhân có mức carboxyhaemoglobin 40-60%. Bất cứ ai có mức này trên 60% sẽ tử vong.

Ai có nguy cơ cao?

Mặc dù hít phải khói có thể gây tử vong cho bất kỳ ai, bất kể tuổi tác hay tình trạng sức khỏe, nhưng những người có hệ thống tim mạch bị tổn thương, bệnh phổi, đau ngực và hen suyễn có nguy cơ cao hơn. Người cao tuổi cũng có nguy cơ cao hơn do sức khỏe tim mạch và phổi yếu. Trẻ em có xu hướng hít nhiều không khí hơn trên mỗi kg trọng lượng cơ thể so với người lớn. Vì vậy, họ cũng có nguy cơ tử vong cao hơn do hít phải khói.

Cần làm gì để tránh ngạt khói?

Trong trường hợp bạn bị mắc kẹt, một chút thận trọng và suy nghĩ nhanh chóng sẽ giúp bạn ngăn ngừa hậu quả có thể gây tử vong do tai nạn hỏa hoạn. Để ngăn ngừa nguy cơ tổn thương phổi và ngộ độc khói, hãy thực hiện các bước sau:

1. Phản ứng ngay khi bạn cảm thấy nguy hiểm. Tìm kiếm các lối thoát.

2. Hãy tìm lối thoát thay vì nhốt mình trong phòng an toàn.

3. Di chuyển bằng cách bò với tay và đầu gối. Vì khói và khí bay lên cao nên bạn sẽ hít thở ít chúng hơn nếu ở gần mặt đất.

4. Lấy một mảnh vải hoặc một mảnh quần áo lớn, làm ẩm nó và áp vào mũi và miệng. Nước sẽ lọc các khí độc, ngăn bạn hít phải.

5. Tránh xa và tránh lao vào những căn phòng mà bạn có thể nhìn thấy khói cuồn cuộn.

6. Trong trường hợp bạn bị mắc kẹt trong phòng, hãy đóng cửa lại để ngăn khói bay vào và lót khoảng trống xung quanh khung cửa và quạt thông gió bằng vải ướt hoặc băng keo.

7. Nếu quần áo của bạn bắt lửa, hãy nằm xuống và lăn qua lại cho đến khi lửa tắt.

Cháy nhà trọ 14 người chết ở Trung Kính: Cách phòng ngừa ngạt khói khi có hỏa hoạn - Ảnh 2.

Ảnh minh họa: Healthline

Các dấu hiệu người bị ngạt khói cần sơ cứu ngay

- Ho: Các màng nhầy trong đường hô hấp tiết ra nhiều hơn khi bị kích thích. Tăng sản xuất chất nhầy và co thắt phế quản dẫn đến phản xạ ho. Chất nhầy có thể trong, xám hoặc đen tùy thuộc vào mức độ các hạt bị đốt cháy đọng lại ở khí quản và phổi nạn nhân.

- Thở hụt hơi: Do tổn thương trực tiếp đến đường hô hấp làm giảm cung cấp oxy cho máu. Mặt khác, bản thân máu cũng giảm khả năng vận chuyển oxy do hóa chất trong khói hoặc tế bào cơ thể không thể sử dụng oxy. Dẫn đến nạn nhân cố gắng thở nhanh để bù trừ cho tình trạng thiếu oxy này.

- Khàn tiếng: Tổn thương do nhiệt và các hóa chất có trong khói gây co thắt dây thanh quản, viêm và phù nề đường hô hấp trên dẫn đến nói khàn, nói khó.

- Thay đổi màu da: Da có thể tái nhợt, hơi xanh hoặc đỏ do thiếu oxy, ngộ độc CO và bị bỏng khi tiếp xúc với lửa trong đám cháy.

- Tổn thương mắt: Mắt có thể bị đỏ, khó chịu do khói và nguy cơ bỏng giác mạc.

- Bồ hóng (mảng bụi đen): Bồ hóng trong lỗ mũi hoặc cổ họng cho biết mức độ hít phải khói.

- Đau đầu, rối loạn ý thức: Trong tất cả các vụ hỏa hoạn, mọi người đều phơi nhiễm với lượng khí CO, CN khác nhau. Nồng độ oxy thấp và hít khí độc có thể gây các triệu chứng khác nhau từ tim đập nhanh, thở nhanh, khó thở, buồn ngủ, buồn nôn và đau đầu ở nồng độ thấp đến rối loạn nhịp tim, hạ huyết áp, co giật và hôn mê ở nồng độ cao.

Cách sơ cứu cho người bị ngạt khói

Nếu gặp người bị ngạt khói cần sơ cứu theo các bước dưới đây:

- Nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi đám cháy đến nơi an toàn, rộng rãi và thoáng mát.

- Gọi xe cấp cứu để được hỗ trợ y tế khẩn cấp.

- Để nạn nhân ngồi xuống hoặc nằm nghiêng nếu tỉnh táo, sau đó nới lỏng quần áo và hỏi các triệu chứng họ đang gặp phải.

- Nếu nạn nhân thở yếu, ngừng thở hãy thực hiện hô hấp nhân tạo và nới lỏng quần áo, trong khi chờ cấp cứu đến.

Lưu ý, nếu nạn nhân có dị vật, đàm nhớt trong mũi miệng cần lấy ra để thông thoáng đường thở. Trường hợp nạn nhân bị bỏng, cần dội nước sạch nhẹ nhàng lên vùng bỏng để xoa dịu cơn đau, giúp nhiệt độ cơ thể thoát ra ngoài nhanh chóng. Tùy mức độ bỏng, thời gian dội có thể từ 10 – 20 phút hoặc lâu hơn, cho đến khi nạn nhân cảm thấy bớt bỏng rát.

Tuyệt đối không được dùng đá lạnh hoặc nước quá lạnh để xối, chườm lên người nạn nhân. Do cơ thể nạn nhân đang bị bỏng nóng, da chưa điều tiết về lại nhiệt độ bình thường mà dội ngay đá lạnh sẽ gây bỏng lần 2 dẫn đến bỏng lạnh.

Nguồn: The Health Site

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày