Chạnh lòng trước hình ảnh hiện trường 1000 con chó bị bỏ đói đến chết: Chỉ có 4 con còn sống sót, chủ nhân được trả 7,6 USD/con để ''chăm sóc'' từ năm 2020

TAETAE, Theo Thể Thao Văn Hoá 17:21 07/03/2023

Vụ việc 1.000 con chó bị bỏ đói đến chết đang gây rúng động toàn xã hội Hàn Quốc, dấy lên tranh cãi về nhận thức quyền bảo vệ động vật hiện nay ở xứ sở kim chi.

Theo The Korea Herald, hơn 1.000 xác con chó đã được tìm thấy trong khuôn viên một ngôi nhà ở Yangpyeong, tỉnh Gyeonggi và cảnh sát đang điều tra một người đàn ông ngoài 60 tuổi về tội vi phạm luật bảo vệ động vật.

Người này khai rằng ông ta đã nhận thu thập những con chó bị chính chủ nhân bỏ rơi và bỏ đói chúng đến chết, nhưng các nhà hoạt động vì quyền động vật cáo buộc rằng ông ta được những người chủ của các chú chó này trả tiền để loại bỏ những con chó không thể mang thai được nữa hoặc giá trị thương mại của chúng đã giảm sút.

Đại diện của nhóm bảo vệ quyền động vật CARE nói với kênh truyền hình cáp MBN rằng người đàn ông này được trả 10.000 won (7,6 USD) cho mỗi con chó để "chăm sóc chúng", và điều khiến nhiều người phải phẫn nộ chính là việc ông ta đã nhốt và bỏ đói chúng đến chết từ năm 2020.

Chạnh lòng trước hình ảnh hiện trường 1000 con chó bị bỏ đói đến chết: Chỉ có 4 con còn sống sót, chủ nhân được trả 7,6 USD/con để chăm sóc từ năm 2020 - Ảnh 1.

1 trong 4 con chó còn sống sót trong thảm kịch 1000 con chó bị nhốt đến chết trong thứ 7 vừa qua. (Ảnh: The Korea Herald)

Theo Đạo luật bảo vệ động vật ở Hàn Quốc, những người cố ý giết động vật bằng cách không cho chúng ăn hoặc uống nước có thể bị phạt tù tới 3 năm hoặc phạt tới 30 triệu won.

Được biết, sự việc xảy ra vào thứ 7 vừa rồi khi một người phụ nữ trong khu phố này đang tìm kiếm con chó bị lạc của mình và vô tình phát hiện ra ngôi nhà bỏ hoang gần đó la liệt những xác chết của con chó trong tình trạng thối rữa và đang phân hủy. Chứng kiến điều kinh khủng này, cô đã báo cảnh sát để giải quyết sự việc trên.

Đài KBS và các đài truyền hình khác đã chiếu những hình ảnh làm mờ về những xác chết của con chó được gói trong lồng, bao tải và thùng cao su trên mặt đất trong sân.

Theo nhân viên Care quan sát hiện trường, các xác chết của gần 1000 con chó này đã bị thối rữa và tạo thành một lớp trên mặt đất, bên trên là những xác con chó khác cũng được chồng lên tạo nên một lớp khác.

Tuy nhiên, vẫn có một phép màu xảy ra khi trong 1.000 con chó bị nhốt vẫn có 4 con còn sống đã được giải cứu khỏi ngôi nhà và đang được điều trị tích cực tại một bệnh viện thú y. Tất cả 4 đều bị suy dinh dưỡng, mắc các bệnh ngoài da và 2 trong 4 con chó này đang trong tình trạng nguy kịch.

Quận Yangpyeong có kế hoạch dọn dẹp các thi thể trong tuần này.

Chạnh lòng trước hình ảnh hiện trường 1000 con chó bị bỏ đói đến chết: Chỉ có 4 con còn sống sót, chủ nhân được trả 7,6 USD/con để chăm sóc từ năm 2020 - Ảnh 2.

Nhân viên nhóm bảo vệ quyền động vật CARE đang giải cứu các con chó bị ngược đãi. (Ảnh: The Korea Herald)

Dữ liệu của Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc do văn phòng ông Lee Myeong-soo thuộc đảng Quyền lực Nhân dân công bố cho thấy các vụ ngược đãi động vật tăng mạnh trong những năm gần đây.

Năm 2011, có 98 trường hợp vi phạm luật bảo vệ động vật song con số này là 398 vào năm 2017 và 992 vào năm 2020.

Vào tháng 7, cảnh sát bắt được 2 người đàn ông bị tình nghi điều hành một phòng trò chuyện mở chia sẻ hình ảnh và video bạo lực với động vật.

"Tình trạng đối xử tàn ác với động vật gia tăng đang trở thành một vấn đề xã hội nghiêm trọng. Điều này phải bị chấm dứt, đặc biệt khi những hành động đó có nguy cơ nhắm vào cả con người", ông Lee nói.

Chạnh lòng trước hình ảnh hiện trường 1000 con chó bị bỏ đói đến chết: Chỉ có 4 con còn sống sót, chủ nhân được trả 7,6 USD/con để chăm sóc từ năm 2020 - Ảnh 3.

(Ảnh: The Korea Herald)

Một số chuyên gia về tâm lý học tội phạm chỉ ra điểm tương đồng giữa những kẻ ngược đãi động vật và tội phạm bạo lực vì cả hai nhóm đều thiếu sự đồng cảm với nạn nhân của mình.

Song Byung-ho, người đứng đầu Hiệp hội Tâm lý học tội phạm Hàn Quốc, chỉ ra rằng có thể quan sát thấy các mức độ rối loạn nhân cách chống đối xã hội khác nhau ở những kẻ ngược đãi động vật, chẳng hạn như thiếu sự đồng cảm với người khác và không thể kiềm chế ham muốn bạo lực.

"Nếu những kẻ ngược đãi động vật không thể thỏa mãn sự kích thích thông qua hành vi bạo lực, thì rất có khả năng là họ có thể nhắm vào con người, đặc biệt là những nhóm yếu như phụ nữ hoặc trẻ em". Ông nói.

Nguồn: The Korea Herald