Chi tiêu có kế hoạch, phân bổ tiền nong đâu ra đấy, vừa lo được cho mình, vừa lo được cho mẹ mà vẫn có tiền tiết kiệm hàng tháng,... Nhiều người phải thốt lên một từ "đỉnh" khi nhìn bảng chi tiêu của chàng trai này.
"Dưới đây là chi tiêu của thanh niên 30 tuổi lương 15 triệu, tuy không là gì so với mức thu nhập của các bạn khác ngoài kia, nhưng mình vẫn luôn biết ơn những gì mình đang có. Chỉ mong mãi luôn bình an để chăm sóc gia đình là được" - Chàng trai chia sẻ.
Mỏi mắt cũng không tìm nổi 1 điểm để chê với bảng chi tiêu này!
Trong phần bình luận của bài đăng, chàng trai này còn cho biết thêm bản thân đang sinh sống và làm việc tại Đà Nẵng. Bên cạnh đó, với những thắc mắc về việc mua sắm quần áo, đồ dưỡng da hay những vật dụng cơ bản như dầu gội, sữa tắm, kem đánh răng,... chàng trai này cho biết: Rất hiếm khi mua sắm quần áo, các đồ dùng khác thì 2 mẹ con dùng chung nên khoảng gần nửa năm mới phải mua 1 lần.
Khoản tiền "chi phí lặt vặt" trong nhà là anh bạn tính xông xênh 200k/tháng, khi thì dùng mua mắm muối, gia vị; khi thì mua dầu gội sữa tắm,...
Cuối cùng, động lực quan trọng nhất để chàng trai này quyết tâm chi tiêu có kế hoạch chính là lương chưa cao, thu nhập từ các công việc bên ngoài cũng chưa ổn định.
Thu nhập chưa cao nên phải cố gắng vun vén chi tiêu thôi!
Muốn có dư thì phải có kế hoạch chi tiêu, đó là điều chắc chắn!
1 - Không đợi lương cao mới tiết kiệm
Điều làm nên sự khác biệt giữa người "có tiền phòng thân" và người không dư nổi 1 đồng, thực ra, chưa bao giờ nằm ở vấn đề thu nhập. Bởi thu nhập cao mà không biết chi tiêu, không có kế hoạch thì kiếm bao nhiêu cũng tiêu bằng sạch.
Người biết tích tiểu thành đại không bao giờ ỷ lại vào hai từ "lương cao". Và ranh giới giữa "Đợi lương cao rồi tiết kiệm" và "Không bao giờ tiết kiệm" thực ra rất mong manh.
Ảnh minh họa
Lương bao nhiêu là cao? - Chắc chắn chẳng ai có thể đưa ra một con số cụ thể, đúng với tất cả, vì nhu cầu chi tiêu của mỗi người là khác nhau.
Chưa kể, cũng không có gì đảm bảo thu nhập tăng mà mức chi tiêu không tăng. Thế nên, dẹp ngay cái suy nghĩ "đợi lương cao rồi tiết kiệm" đi! Lương thấp thì tiết kiệm ít, từng chút, từng chút một. Trước tiên là để hình thành thói quen tiết kiệm rồi sau đó mới bàn tới con số.
Yếu tố quan trọng nhất, quyết định bạn có tiết kiệm thành công hay không, chính là tính bền bỉ. Mỗi ngày tiết kiệm 30k mà duy trì được liên tục trong 365 ngày vẫn tốt hơn là hôm nay tiết kiệm hẳn 500k, rồi mai thấy oải quá nên "tiêu bù" và chẳng thèm tiết kiệm nữa.
2 - Đều đặn làm từ thiện hàng tháng
Mỗi tháng, anh bạn này đều trích ra khoảng hơn 100k để làm từ thiện. Đây là điều rất đáng học hỏi, hoan nghênh. Nghe có vẻ không liên quan, nhưng việc trích một phần nhỏ trong thu nhập để làm từ thiện có thể giúp rèn luyện, thực hành kỷ luật tài chính.
Bên cạnh đó, khoa học đã chứng minh khi làm từ thiện, não bộ của chúng ta giải phóng endorphin, tạo ra một cảm giác hưng phấn và vui vẻ. Đây là một loại "đầu tư" vào hạnh phúc cá nhân, mang lại giá trị tinh thần không thể đong đếm bằng tiền bạc.
3 - Quản lý chi tiêu chặt chẽ, không thừa, không thiếu khoản nào
Nhìn lại một lượt các khoản chi được liệt kê, có thể thấy với mức lương 15 triệu, gần như không có đầu mục nào bị bỏ qua: Tiền ăn, tiền chi phí sinh hoạt, tiền đóng bảo hiểm, tiền trả nợ, tiền tập gym chăm sóc sức khỏe và tiền đi chơi với bạn gái.
Biết lên kế hoạch chi tiêu chi tiết tới từng đầu mục như vậy, rõ ràng là đáng khen và cũng rất đáng học hỏi.
Giờ thì thử nhìn lại nhu cầu cơ bản của chính mình mỗi tháng xem sao, liệu bạn có liệt kê được những khoản chi cơ bản, cố định kèm theo ngân sách cụ thể như anh bạn này không? Nếu không, bắt đầu ngay đi chứ còn đợi gì nữa?