Bác sĩ Lê Duy, Phòng khám Rối loạn Giấc ngủ và Stress TP.HCM cho biết, vừa qua anh đã tiếp nhận điều trị cho một bệnh nhân mắc căn bệnh khá đặc biệt.
Bệnh nhân là một chàng trai 25 tuổi tên Quang (ngụ TP.HCM, tên đã thay đổi), chủ một tiệm hớt tóc.
Bệnh nhân cho biết thường xuyên nhập viện thăm khám tại một bệnh viện ở quận 5, TP.HCM nhiều lần trong năm. Các bác sĩ phát hiện mỗi khi có sự kiện quan trọng là bệnh nhân lại xuất hiện bất thường về sức khỏe.
Điển hình là khi chuyển tiệm hớt tóc sang một địa chỉ mới và khi chuẩn bị cưới vợ, anh Quang bất ngờ nôn ói trầm trọng. Mỗi khi ăn uống anh cảm giác khó chịu, phải móc họng nôn hết.
Thậm chí, bệnh nhân nôn ói đến mức rối loạn điện giải, phải vào viện truyền dịch tích cực. Chỉ khi các sự kiện kết thúc thì bệnh nhân mới khỏe lại.
Bác sĩ Lê Duy tư vấn sức khỏe cho một bệnh nhân
Sau khi tiếp nhận, qua khai thác bệnh sử và thăm khám lâm sàng, bác sĩ chẩn đoán anh Quang bị rối loạn dạng cơ thể (hay rối loạn triệu chứng cơ thể - Somatic symtom disorder).
Đây là một rối loạn tâm thần thuộc nhóm liên quan đến stress. Bệnh nhân thường không có khả năng ứng phó và kiểm soát stress. Nói cách khác, mỗi khi stress bệnh nhân lại phát bệnh, và biểu hiện khi phát bệnh là biểu hiện ra các triệu chứng về mặt thân thể.
Các triệu chứng này hết sức đa dạng, gần như kiểu gì cũng có như: Đau đầu, đau ngực, ngất xỉu, liệt tay chân, nôn ói, mệt mỏi thường xuyên, suy nhược hay buồn nôn khi lo lắng...
Các triệu chứng của bệnh nhân thường mơ hồ, diễn biến kịch tính (đột ngột xuất hiện rồi lại hết), thường không theo những đặc điểm của bệnh học các chuyên khoa khác.
Theo bác sĩ Duy, thông thường tùy theo triệu chứng mà bệnh nhân sẽ đi thăm khám ở các chuyên khoa cụ thể.
Ví dụ khi đau ngực bệnh nhân sẽ khám tim mạch, nhưng kết quả thăm khám và xét nghiệm hoàn toàn bình thường.
Với trường hợp của chàng trai trên, bệnh nhân nôn ói, đau bụng có thể sẽ cầu cứu bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa. Bệnh nhân ngất xỉu nằm cấp cứu sẽ được chẩn đoán xử trí như là hạ canxi máu, cơn hysteria... nặng hơn là liệt yếu tay chân thì khám ở khoa thần kinh.
"Bệnh nhân thường tốn một khoảng thời gian đi khám nhiều chuyên khoa mà không phát hiện được bệnh trước khi được hướng dẫn đến khám ở chuyên khoa Tâm thần.
Cần lưu ý là biểu hiện bệnh rất đa dạng, có thể từ rất nhẹ cho đến trầm trọng. Có thể bệnh nhân cảm thấy không ai tin mình bệnh, không thể hiểu được vì sao điều này lại xảy đến với mình" - bác sĩ Duy phân tích.
Hiệp hội Bác sĩ Gia đình Hoa Kỳ cho biết, mặc dù chưa có cách chữa khỏi hẳn các rối loạn dạng cơ thể nhưng vẫn có thể kiểm soát được.
Bệnh nhân sẽ được điều trị triệu chứng bằng thuốc và hỗ trợ vấn đề tâm lý. Nhiều trường hợp có thể không cần đến thuốc.