Tiểu Lưu, 25 tuổi, là một lập trình viên tại Bắc Kinh (Trung Quốc). Một ngày nọ, anh vô tình bị ngã khi đang trượt ván. Khi đến bệnh viện, anh được phát hiện gãy xương bắp chân. Sau khi kiểm tra mật độ xương, các bác sĩ vô cùng kinh ngạc khi tuổi xương của Tiểu Lưu tương đương của một ông già 60 tuổi.
Tiểu Lưu bị sốc. Anh chưa bao giờ có thể ngờ rằng mình lại mắc bệnh loãng xương ở độ tuổi còn trẻ. Tại sao mới 25 tuổi mà anh đã bị lão hóa xương đáng sợ đến vậy?
Loãng xương là một bệnh chuyển hóa. Nhiều người lầm tưởng loãng xương là bệnh chỉ có ở người lớn tuổi, không phải bệnh nghiêm trọng. Trong thực tế, người mắc bệnh loãng xương hiện nay có xu hướng trẻ hóa. Loãng xương có thể dễ dàng gây té ngã, gãy xương, giảm chiều cao và thậm chí tử vong trong trường hợp nặng.
Tuy nhiên, không nhiều người thực sự hiểu rõ về bệnh loãng xương, thậm chí rất ít người thực hiện kiểm tra mật độ xương khi còn trẻ.
BS Jin Chenxi (Khoa Nội tiết và Chuyển hóa, Bệnh viện Tsinghua Chang Gung Memorial, Bắc Kinh) chỉ ra, có 5 thói quen thường gặp ở người trẻ làm loãng xương, xương già nhanh không tưởng:
1. Tập thể dục không đủ
Hầu hết nhân viên văn phòng trong thành phố đều giống như Tiểu Lưu, họ dành phần lớn thời gian để ngồi trong nhà và làm việc. Công việc bận rộn khiến mọi người đều kiệt sức về thể chất và tinh thần, hiếm khi có thời gian tập thể dục.
Xương là một cơ quan cần được "kích thích". Việc kích thích quá trình trao đổi chất của nó thông qua tập thể dục có thể duy trì sức sống của xương và tăng mật độ xương cũng như chất lượng xương. Do đó khuyên mọi người nên tập thể dục đều đặn.
2. Thiếu ánh nắng mặt trời
Sự hấp thu canxi và phốt pho của cơ thể phụ thuộc vào sự điều hòa vitamin D. Vitamin D dựa vào tia cực tím để chuyển đổi. Nhưng hiện nay, hầu hết giới trẻ không có thời gian ra ngoài phơi nắng. Nhiều chị em bôi kem chống nắng từ đầu đến chân ngay từ sáng sớm. Vì vậy, thiếu vitamin D đã trở thành một hiện tượng rất phổ biến.
Giống như Tiểu Lưu, lượng vitamin D trong cơ thể quá thấp do thường xuyên ở trong nhà. Xương ở trạng thái "đói" lâu ngày nên không có gì ngạc nhiên khi khối lượng xương giảm đi.
3. Uống quá nhiều rượu và nước ngọt
Các loại nước ngọt quả thực có tác dụng giải khát, ngon miệng nhưng sẽ đẩy nhanh quá trình mất canxi vào xương.
Nhiều nhân viên văn phòng không thể sống thiếu trà hay cà phê mỗi ngày. Tuy nhiên, việc uống quá nhiều cũng sẽ đẩy nhanh quá trình mất canxi. Điều tương tự cũng xảy ra với việc uống quá nhiều rượu.
4. Giảm cân quá mức
Giữ dáng để có ngoại hình xinh đẹp hơn. Nhưng nếu bạn ăn kiêng quá nhiều, chỉ ăn đồ chay không có thịt, hạn chế ăn đạm và giảm cân quá mức sẽ dẫn đến giảm chất lượng xương, nguy cơ loãng xương sớm.
Do đó, chị em muốn giữ dáng cần cân nhắc các biện pháp. Tất cả chỉ nên vừa đủ, không được lạm dụng bất cứ phương pháp nào. Bạn có thể tìm đến huấn luyện viên cá nhân để có chế độ ăn không sợ béo lại giữ được sức khỏe tốt nhất.
5. Ăn nhiều thực phẩm giàu chất béo và muối
Chế độ ăn nhiều muối chứa quá nhiều natri. Khi cơ thể bài tiết natri sẽ bài tiết nhiều canxi hơn. Do đó, ăn quá nhiều muối có thể dẫn đến chứng loãng xương.
Chế độ ăn nhiều chất béo làm tăng nguy cơ mắc các bệnh chuyển hóa như béo phì và tiểu đường, những bệnh này cũng có tác động tiêu cực đến xương.
Theo PGS.TS Nguyễn Vĩnh Ngọc (Trưởng phân môn khớp, Đại học Y Hà Nội), xương được cấu tạo từ collagen, canxi, phốt pho và các thành phần khác. Xương chắc khỏe bảo vệ các cơ quan nội tạng của chúng ta giống như một bức tường sắt. Nếu xương cốt của chúng ta được so sánh với một ngân hàng, tài sản của chúng ta sẽ đạt đỉnh cao vào khoảng tuổi 30 và sẽ lao dốc sau tuổi 50.
Nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ loãng xương ở người trên 50 tuổi vào khoảng 20-25% ở nam giới, 30-40% ở nữ giới. Số người mắc bệnh loãng xương ở nước ta hiện khoảng 3,2 triệu người, trong đó 2,4 triệu là phụ nữ. Người bị loãng xương ở Việt Nam ngày càng tăng, ngày càng có nhiều người phát hiện bệnh khi còn khá trẻ.
Các nghiên cứu cho thấy, gãy xương do loãng xương rất có hại. Ví dụ, sau khi bị gãy xương hông, nguy cơ tử vong do các biến chứng khác nhau trong vòng 1 năm là khoảng 20%. Khoảng 50% số người sống sót có thể bị tàn tật và có thể xảy ra sự cố gãy xương lần 2. Ngoài ra, gãy xương cũng sẽ mang lại gánh nặng kinh tế nặng nề cho gia đình người bệnh và xã hội.
1. Ăn một chế độ ăn uống cân bằng và bổ sung canxi, vitamin D
Hấp thụ đầy đủ canxi và vitamin D là sự đảm bảo cơ bản cho sức khỏe của xương. Thực phẩm giàu canxi và vitamin D trong chế độ ăn bao gồm các sản phẩm từ sữa, các sản phẩm từ đậu nành, các loại hạt, cá, tôm, trứng, nấm...
Bạn có thể đến bệnh viện để kiểm tra nồng độ vitamin D trong huyết thanh để xem mình có bị thiếu vitamin D hay không. Nếu thiếu thì có thể tìm đến thực phẩm bổ sung vitamin D3 dễ dàng hấp thu vào cơ thể, thị trường hiện có nhiều loại.
2. Luyện tập thể dục đều đặn
Tập thể dục không chỉ giúp tăng cường cơ bắp mà còn có lợi cho sức khỏe của xương. Nếu điều kiện cho phép, có thể bổ sung thêm các bài tập chịu trọng lượng và sức đề kháng để tăng mật độ xương bằng cách kích thích xương nhiều hơn.
Các chuyên gia khuyên, nếu bạn thấy có tình trạng đau lưng, giảm chiều cao, thân hình gầy gò, gãy xương do chấn thương nhẹ từ bên ngoài, mãn kinh sớm, gia đình có tiền sử loãng xương, cơ thể thiếu vitamin D... đều nên đi khám xương khớp sớm và có biện pháp kịp thời.