Chỉ khoảng 1 tháng nữa chúng ta sẽ nói lời tạm biệt với 2018. Nhìn lại 1 năm đã qua, nhiều người thở phào vì đã đạt được nhiều thành quả ý nghĩa, rằng mỗi ngày trong năm cũ qua đi họ đã sống tốt hơn ngày trước đó đã từng.
Thế nhưng không ít người lại khác. Họ chìm đắm trong những mớ hỗn độn mà cuộc sống bày ra; mệt mỏi, xô bồ khiến họ bi quan và thờ ơ với nỗi đau của những người trước mặt. Không chỉ là màn bụi tung mù trên đường mỗi ngày, sắc xám trong tâm trạng, trong cách họ đối xử với nhau, trong thái độ với cuộc sống ngày càng rõ rệt.
WeChoice Awards 2018 đã bắt đầu từ đó với sứ mệnh đi tìm kiếm những "mặt trời ẩn trong tim". Dù ở bất cứ nơi đâu thì mặt trời cũng luôn rực rỡ và ấm áp. Mỗi nhân vật, mỗi câu chuyện của WeChoice Awards 2018 sẽ là một "mặt trời" như vậy - âm thầm toả sáng và sưởi ấm, mang đến cảm hứng và lòng tin đẹp đẽ.
Suốt 5 năm qua, WeChoice Awards cũng đã tìm được những "mặt trời" rực rỡ. Cho đến hôm nay, chúng ta vẫn không quên được những câu chuyện về tình yêu gia đình, về những ông bố bà mẹ vì con mà trở nên phi thường như bác Mạc Văn Mỹ, mẹ Thiện Nhân; những tấm gương vượt lên số phận và bệnh tật để lan tỏa niềm cảm hứng sống cho cộng đồng như chị Thủy Muối hay họa sĩ khuyết tật Lê Minh Châu; những người trẻ để lại nỗi sợ sau lưng để lao vào hiểm nguy giành giật sự sống với tử thần như thế hệ trẻ PCCC....
"Người truyền cảm hứng không cần phải là người nổi tiếng, xuất sắc về chuyên môn, mà hãy xuất sắc trong cách sống để theo đuổi đến cùng những giá trị đã chọn của mình", bà Tôn Nữ Thị Ninh (Chủ tịch quỹ Hòa Bình và Phát triển TP. HCM), một trong 5 thành viên của Hội đồng thẩm định WeChoice Awards, chia sẻ.
Và đây, là những câu chuyện đã từng khiến chúng ta bồi hồi, xúc động, thậm chí đã rơi nước mắt vì những gì mà họ làm được cho đời.
Thượng úy Trần Bình Phục (1972) sinh ra tại Trà Vinh, hiện anh đang công tác tại Đồn biên phòng Hòn Chuối thuộc thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.
Năm 2008, anh Phục phát hiện mình bị ung thư máu do làm việc trong môi trường nhiễm phóng xạ. Dẫu thời gian sau đó, các tế bào ung thư trong cơ thể đã được ngăn chặn phát triển tuy nhiên anh Phục lại cảm thấy mình không còn phù hợp với nhịp sống xô bồ nơi thành thị nữa, anh quyết định viết đơn xin chuyển công tác ra đảo Hòn Chuối.
Thượng úy Trần Bình Phục
Đảo Hòn Chuối nằm ở phía cực nam của tổ quốc. Vài chục năm trước nơi đây là đảo hoang không người ở, thời gian gần đây mới có vài chục hộ dân vì quá nghèo đã tìm đường ra đảo sống.
Nơi đây, người ta dựng những ngôi nhà tạm bợ trên vách đá để sinh sống. Cuộc sống du mục, một năm họ chuyển nhà 2 lần để tránh gió, tránh bão. Thu nhập chính của dân trên đảo phụ thuộc vào công việc đánh bắt hải sản. Vì người lớn phải thường xuyên đi biển, nên trẻ em ở nhà chẳng được ai dạy dỗ, chúng sống theo bản năng là phần nhiều.
Cuộc sống người dân đảo Hòn Chuối vô cùng vất vả, trẻ em đa số không được đến trường.
Quyết tâm mang con chữ gieo đến vùng đất hoang sơ, giúp trẻ em thoát khỏi cảnh mù chữ, anh Phục đã xin ban chỉ huy cho phép mở một lớp học tình thương dễ dạy cho lũ trẻ con chữ. Theo anh, chỉ có học mới giúp lũ trẻ thay đổi tương lai của mình.
Chuyện thuyết phục phụ huynh cho con em đi học không phải là chuyện dễ dàng. Ở vùng đảo hoang sơ này, người ta sống đơn giản lắm, đâu cần biết chữ chỉ cần biết bơi, biết lặn là sống được.
Nhiều lần anh Phục bị người dân xua đuổi, nặng lời, nhưng anh vẫn kiên nhẫn. Người lớn gật đầu rồi, anh lại quay sang thuyết phục tụi nhỏ. Tụi con nít suốt ngày quen với cuộc sống mây trời, nay phải đi học thì chẳng khác nào cực hình.
Gần 1 thập kỷ, thầy Phục bền bỉ chăm lo, dạy dỗ cho những đứa nhỏ đảo Hòn Chuối và không nhận về 1 đồng lương.
Thế là đã suốt 9 năm qua, anh Phục thức khuya dậy sớm để chăm lo hành trang tri thức cho tụi nhỏ và chẳng nhận về một đồng thù lao. Gần 1 thập kỷ, anh vẫn bền bỉ duy trì lớp học 0 đồng của mình như thế bằng tất cả trái tim, dù cho căn bệnh ung thư luôn rình rập cướp anh đi bất cứ lúc nào.
Tấm lòng nhân ái, sự nỗ lực không ngừng nghỉ của người bộ đội, người thầy ấy khiến chúng ta vô cùng ngưỡng mộ. Thầy Trần Bình Phục và hành trình gieo chữ gian nan của anh chính là 1 trong 10 nhân vật truyền cảm hứng của Wechoice Awards 2016 với thông điệp "Cánh buồm cảm hứng".
Quen nhau tình cờ vào năm 1943 chỉ bởi một câu nói: "Xuân có người yêu chưa?", bà Nguyễn Thị Xuân - khi ấy là 1 cô thôn nữ xinh đẹp đã đồng ý làm đám cưới với chàng lính người Nhật Bản mà theo bà là hiền lành và tử tế.
Chồng cụ Xuân - ông Shimizu Yoshiharu (SN 1919) lấy tên Việt là Nguyễn Văn Đức. Họ chung sống với nhau hạnh phúc và 3 đứa con lần lượt chào đời. Sau 9 năm chia ngọt sẻ bùi, biến cố chiến sự khiến ông Shimizu phải quay về Nhật Bản , khi đi ông hứa 1 năm sau sẽ quay lại tìm bà Xuân và các con. Nhưng rồi lời hẹn ước ấy lại kéo dài đến hơn nửa thế kỷ.
Cụ Nguyễn Thị Xuân
Năm tháng qua đi, cụ Xuân ngỡ chồng đã mất vì chiến tranh nên lấy ngày ông rời đi làm ngày giỗ. Đến năm 2006, ông Shimizu quay về Việt Nam tìm vợ, nhưng phía sau ông đã có cả một gia đình ấm êm với vợ và con cháu đủ đầy. Một cái kết mà trong mơ cụ Xuân cũng chẳng nghĩ tới! Cứ tưởng cụ ở tuổi gần đất xa trời sẽ sốc lắm, vì người mà cụ tôn thờ suốt 5 thập kỷ đã lập gia đình riêng, nhưng không. Cụ Xuân run run mỉm cười, đón chồng bằng chiếc ôm gầy guộc mà bà mong đợi suốt hơn 50 năm.
Rất nhiều người đã vô cùng ngưỡng mộ cách mà cụ Xuân lựa chọn để đối mặt với bi kịch tình yêu cuộc đời mình. Thay vì oán giận, cụ chỉ giữ lại cho riêng mình những hồi ức đẹp về mối tình không trọn vẹn, gạt bỏ hết đau buồn, mất mát đi, không một lời oán trách chồng mình.
Sang thế giới bên kia, cụ Xuân lại đi tìm chồng, ghép nốt trang nhật ký dở dang đầy tiếc nuối.
Tháng 5/2017, ông Shimizu bị tai biến nặng rồi qua đời. Tâm nguyện của cụ Xuân là đưa hài cốt của chồng về Việt Nam để cạnh mình, cũng đã được con cháu vượt hơn 4000km để thực hiện.
Ngày 18/1/2018, sau hành trình đợi mong đằng đẵng, cụ Xuân đã gặp lại người chồng của mình ở thế giới bên kia. Cuối cùng, họ được gặp lại nhau, quên hết đi những đau thương dằn vặt.
Cụ Xuân đã dành hơn nửa đời mình, từ khi tóc đen huyền chấm lưng cho đến khi bạc phơ để mong ngóng một người duy nhất. Tình yêu của cụ và quãng thời gian đằng đẵng 52 năm chờ chồng đã đem đến niềm tin, hạnh phúc và biết bao bài học yêu thương gieo vào trái tim từng người. Câu chuyện của cụ, về tình yêu đầy bao dung và lớn lao ấy chính là một trong 5 Đại sứ truyền cảm hứng của Wechoice Awards 2017.
Cậu bé Nguyễn Thiện Nhân bây giờ có một cuộc sống đời thường như hàng nghìn đứa trẻ khác. Nhìn cậu, người ta bất giác quên đi quá khứ kinh hoàng ngày nào về đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi trong vườn, một chân và một bộ phận sinh dục bị thú hoang ăn mất.
Suốt hơn 10 năm, trải qua hàng loạt ca phẫu thuật nhiều đến nỗi không nhớ nổi ở khắp trong và ngoài nước để tái tạo bộ phận sinh dục, Thiện Nhân mới có cuộc sống như bây giờ. Nhưng tuyệt nhiên không phải những lần dao kéo ấy giúp cậu bé hồi sinh mà chính là tình yêu thương của cộng đồng, đặc biệt là của mẹ Trần Mai Anh đã làm nên điều này.
Bé Thiện Nhân và mẹ Trần Mai Anh.
Khi đón Thiện Nhân về nhà, chị Mai Anh đã là người mẹ của 2 cậu con trai. Người ta cứ thắc mắc chị lấy đâu ra tình cảm, lấy đâu ra dũng khí mà nhận nuôi 1 cậu bé khuyết tật chẳng phải con mình như thế. Chị chỉ cười. Với chị, Thiện Nhân cũng chính là đứa con do chị sinh ra, sinh ra từ trái tim nhân ái và đầy bao dung của một người mẹ.
Đã hơn 10 năm, nếu một thời người ta gọi Thiện Nhân là “Chú lính chì dũng cảm”, là “Cậu bé sinh ra từ trái tim”, là “Dũng sĩ một chân”… thì giờ đây, đã đến lúc gác lại những mỹ từ to tát ấy. Chỉ cần gọi Thiện Nhân là đủ.
Gia đình nhỏ của chị Mai Anh và Thiện Nhân.
Thiện Nhân giờ mạnh mẽ, nhanh nhẹn như mọi bạn bè cùng trang lứa.
Hành trình tìm lại cuộc sống cho Thiện Nhân cũng là hành trình chị Mai Anh gieo hạnh phúc và hy vọng đến những đứa trẻ giống em. Ngoài vai trò làm mẹ của một cậu bé được cả xã hội yêu thương, chị còn là người sáng lập, điều phối chương trình "Thiện Nhân và những người bạn". Đầu năm 2017, chị còn được Tạp chí Forbes tôn vinh là 1 trong 50 người phụ nữ có ảnh hưởng nhất tại Việt Nam.
Với 1.000 hồ sơ những bé trai, bé gái bị khiếm khuyết cơ quan sinh dục chờ được thay đổi số phận mà ê kíp "Thiện Nhân và những người bạn" tiếp nhận, hành trình tuyệt vời của mẹ Mai Anh và những bác sĩ tâm huyết đang diễn ra, được khích lệ để tiếp tục và sẽ còn vươn xa.
Với trái tim vĩ đại và những năm tháng nỗ lực bền bỉ cùng cậu con trai Thiện Nhân, chị Trần Mai Anh đã vinh dự là 1 trong 10 Nhân vật truyền cảm hứng của WeChoice Awards 2015.
Mỗi người rồi sẽ tìm ra con đường riêng để đi nhưng ở năm 18 tuổi, có khi nào bạn từng nghĩ, một ngày kia, mình sẽ trở thành 1 người lính cứu hỏa?
Người ta gọi lính cứu hỏa là những người chiến đấu giữa thời bình. Họ được rèn giũa để hình thành tính cách gang thép, không sợ khói lửa nguy nan. Điều duy nhất sợ hãi, chính là việc thường xuyên đối mặt với nỗi đau của sự chết chóc. Cái chết ấy có thể không đến với họ nhưng rất có thể là đồng đội, những nạn nhân xa lạ họ chưa từng quen biết. Tiếng gào khóc, xác người nằm sâu trong đám cháy… bấy nhiêu ấy là nỗi ám ảnh kinh hoàng nhưng cũng là điều người lính cứu hỏa buộc phải trải qua.
Hơn tất thảy công việc nào khác, lính cứu hoả thường xuyên phải đối mặt với cái chết và những nỗi đau
Ở đơn vị, những chàng lính cứu hoả phải liên tục tập luyện với cường độ cao để thích ứng nhanh với công việc chuyên môn. Có những ngày nắng rực lửa, anh em vẫn phải ra sân tập thể lực, lúc trời rét, phải lao xuống hồ tập bơi. Vào bất kể lúc nào, bất kể hoàn cảnh và dù đang làm gì, chỉ cần có kẻng báo cháy vang lên, cả đơn vị lại tập trung, sẵn sàng lên đường. Tin cháy có thể thật hoặc giả, đám cháy có thể to hay nhỏ… tinh thần của họ vẫn như vậy, luôn luôn sẵn sàng chiến đấu.
Đi lính cũng là lúc các bạn trẻ phải từ bỏ thói quen sinh hoạt tự do, thích ăn, ngủ, thức dậy lúc nào tùy ý. Ở đơn vị, mọi thứ đều theo kỉ luật giờ giấc nghiêm ngặt. Nỗi nhớ nhà tràn về, thể chất, tinh thần ở tuổi 18 của họ, có lúc tưởng như không kham nổi. Giống như người bị ném vào một hoàn cảnh xa lạ, khắc nghiệt, đã có lúc, họ khao khát được quay lại.
Tuổi 18, gian khó tưởng như có thể làm lu mờ tình yêu nghề nghiệp nhưng không, trái lại, nhờ có nó mà tình đồng đội ngày một gắn bó, giúp họ đồng cam cộng khổ, chiến đấu quên sinh vì người khác.
Tinh thần dũng cảm, can trường của những người lính trẻ đã đưa các anh trở lọt vào Top 10 Nhân vật truyền cảm hứng của WeChoice Awards 2016 với thông điệp Cánh buồm cảm hứng.
Huyện Quế Phong (Nghệ An) cách TP Vinh khoảng 200 km. Nơi đây, để người ngoài có thể đến được với trường Tiểu học Tri Lễ 4, một đoàn xe máy của các thầy trong trường đã phải chờ sẵn vì không xe nào có thể lên đó ngoài những tay lái kỳ cựu.
Đây là ngôi trường được biết đến với điều đặc biệt là 100% các giáo viên đều là nam giới. Thầy hiệu trưởng của trường giải thích, rất khó để một giáo viên nữ nào có thể chịu được những khó khăn mà các thầy đang trải qua tại nơi núi rừng này.
Con đường đất gian nan để lên tới điểm trường.
Những chiếc bánh xe bám đầy bùn đất trên còn đường "gieo chữ" khó khăn.
Con đường lên đến trường tiểu học Tri Lễ 4 gian nan bao nhiêu thì những khó khăn về cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy học tại trường cũng thiếu thốn bấy nhiêu. Thêm vào đó, các thầy trò của trường còn phải đối diện với rất nhiều cái "Không": Không điện lưới, không sóng điện thoại, không mạng intertnet, không trạm y tế, không chợ, không nhà công vụ. Hàng ngày thức ăn chủ yếu của các thầy cũng chỉ là cá khô, lạc, vừng... Để có thể cải thiện bữa ăn, các thầy phải tranh thủ vào rừng hái măng hay xúc cá dưới khe suối.
Ăn ở khó khăn là thế nhưng gian nan hơn hết thảy là việc... giữ được học trò. Phụ huynh học sinh 100% là đồng bào người Mông, thường xuyên đi nương rẫy 2 - 3 tháng mới về việc nên giữ được các em ngồi trên ghế nhà trường cũng là một thử thách lớn. Để đảm bảo đủ sĩ số lớp, cứ đầu mỗi năm học, các thầy trong trường phải phân bổ nhau đi vào sâu trong nương rẫy vận động từng bậc phụ huynh tạo điều kiện tốt nhất để các em có thể đến trường.
Cuộc sống khó khăn nhưng giữ được các em ở lại với trường lớp mới là gian nan hơn hết thảy.
Cuộc sống thiếu vắng bóng phụ nữ khiến các thầy sinh hoạt xuề xoà, thế nhưng sự chăm sóc, kiến thức dành cho học sinh các thầy lại luôn chỉn chu nhất. Trong 30 năm qua, hàng chục thầy giáo miệt mài đóng vai “cha hiền”, chăm lo việc học hành, sức khỏe của học sinh. Và dù lúc khó khăn nhất, họ cũng chưa từng có ý định rời bỏ học trò, đồng nghiệp, rời bỏ gia đình thứ hai - nơi có những người dành cả đời cho sự nghiệp trồng người đầy gian khổ.
Chặng đường "gieo chữ" nơi bản nghèo của các thầy trường Tiểu học Tri Lễ đã lọt top 10 nhân vật truyền cảm hứng của WeChoice Awards 2017.
WeChoice Awards - giải thưởng thường niên do Công ty cổ phần VCCorp tổ chức, với mong muốn tôn vinh những con người, kể những câu chuyện truyền cảm hứng nhất, những sự kiện, sản phẩm và công trình có ảnh hưởng tích cực tới cộng đồng - đã quay trở lại với thông điệp mới: Mặt trời ẩn trong tim.
Đó là những người có xuất phát điểm như bất kỳ ai, đến từ bất cứ nơi nào trong xã hội nhưng họ mang trong mình trái tim như mặt trời, âm thầm lan tỏa hơi ấm của mình, truyền cảm hứng và lòng tin giúp chúng ta mỉm cười giữa những mịt mù cuộc sống.
Hãy cùng Ban tổ chức tôn vinh những câu chuyện và nhân vật mà bạn thấy xứng đáng có mặt trong WeChoice Awards 2018 qua cổng đề cử chúng tôi dành riêng cho bạn.
Hãy truy cập wechoice.vn và gửi Đề cử của bạn về cho WeChoice Awards 2018.