Chăm sóc trẻ sốt xuất huyết thế nào mới đúng?

BS. Việt Bắc, Theo Sức khỏe & đời sống 15:20 17/08/2019

Ở thời điểm hiện tại, số người mắc sốt xuất huyết đang gia tăng ở nhiều tỉnh, thành, nhất là Khánh Hòa, ngay cả Hà Nội và TP.HCM đang có nguy cơ bệnh bùng phát.

Đáng lo ngại nhất là lứa tuổi trẻ em, vì vậy, cần biết cách theo dõi và chăm sóc tốt cho trẻ khi đã được bác sĩ khám và cho phép điều trị ngoại trú.

Đặc điểm của bệnh SXH

Bệnh SXH thường bắt đầu bằng triệu chứng sốt với 3 đặc điểm: đột ngột, liên tục và sốt cao. Triệu chứng xuất huyết thường xảy ra sau khi bắt đầu sốt một vài ngày và rất đa dạng (chảy máu cam, chảy máu dưới da, nôn hay tiêu ra máu...). Có những trẻ hoàn toàn không bị xuất huyết. Một số trẻ chỉ sốt, ho, đau họng cho nên có thể nhầm với viêm họng. Tuy vậy, vì bệnh SXH xảy ra phức tạp, đặc biệt là biến chứng sốc có thể dẫn đến tử vong, vì vậy, cần lưu ý là xuất huyết không phải là một triệu chứng bắt buộc, có hay không xuất huyết thì bệnh vẫn có thể xảy ra sốc do hiện tượng thoát mạch và giảm tiểu cầu. Sốc là biến chứng nguy kịch nhất của bệnh SXH. Đa số trẻ SXH tử vong do sốc nặng, không phục hồi được nếu nhập viện chậm. Sốc là một hội chứng (có nghĩa là gồm nhiều triệu chứng hội tụ lại chứ không đơn thuần là một triệu chứng đặc hiệu nào) với sự thể hiện tụt nhiệt độ, tụt huyết áp, truỵ tim mạch... do hiện tượng thoát mạch. Người bệnh có thể bị giảm tri giác, tinh thần biểu hiện kém lanh lợi hoạt bát, lừ đừ, thậm chí lơ mơ, mê sảng...

Chăm sóc trẻ sốt xuất huyết thế nào mới đúng? - Ảnh 1.

Để trẻ nghỉ ngơi trong phòng thoáng mát, có thể áp dụng chườm khăn ấm giúp trẻ hạ sốt.

Chăm sóc trẻ bị SXH như thế nào?

Khi nghi ngờ bị SXH, cần đưa trẻ đi khám ở cơ sở y tế gần nhất và khi đã được bác sĩ chẩn đoán là bị SXH, cần tuân theo sự tư vấn của bác sĩ. Trẻ sốt xuất huyết nhẹ sẽ được bác sĩ cho điều trị tại nhà theo đơn, có hẹn ngày tái khám. Cần lưu ý là “theo dõi” tại gia đình 24/24 giờ chứ không phải cho về không cần can thiệp gì. Phải theo dõi nhiệt độ của trẻ bằng cách cặp nhiệt độ ở nách hoặc hậu môn hoặc cặp bên khóe miệng, cứ 30 - 60 phút/lần. Tốt nhất là dùng cặp nhiệt kế thuỷ ngân. Nếu thân nhiệt của trẻ sốt dưới 38 độ, không cần cho trẻ uống thuốc hạ nhiệt mà chỉ cần lau mát cho trẻ bằng khăn nhúng nước ấm (nước có nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ của trẻ vài ba độ) để làm thoát nhiệt cho trẻ dễ dàng. Cần cho trẻ uống nhiều nước để bù đắp lượng nước bị mất do sốt, nếu trẻ uống được nước pha từ oresol thì càng tốt (loại oresol 5,63g/gói pha trong 200ml cho uống dần trong ngày, ngày pha khoảng 1- 2 gói, tùy theo tuổi). Nếu không có oresol, có thể cho trẻ uống nước gạo rang hoặc nước muối (cho 2 thìa cà phê muối ăn cùng với 8 thìa cà phê đường trong 1 lít nước đun sôi, để nguội, uống dần trong ngày). Nên cho trẻ uống thêm nước cam, chanh tươi để có thêm sinh tố C làm vững thành mạch, hạn chế xuất huyết, thoát mạch. Cần cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu, hợp khẩu vị để trẻ dễ ăn. Nếu trẻ ăn ít, cần cho trẻ ăn nhiều bữa để cung cấp đủ năng lượng cho trẻ, tránh bị suy kiệt sau SXH. Với trẻ đang bú mẹ, nên cho trẻ bú thêm số lần và kéo dài thêm thời gian.

Chăm sóc trẻ sốt xuất huyết thế nào mới đúng? - Ảnh 2.

Một số triệu chứng sốt xuất huyết.

Lời khuyên của thầy thuốc

Khi thấy trẻ có dấu hiệu bất thường như hạ nhiệt độ, xuất huyết (xuất huyết dưới da, chảy máu cam, nôn ra máu...), cần khẩn trương cho trẻ đi bệnh viện ngay không được chậm trễ. Với bệnh nặng hơn (sốt cao liên tục, mệt mỏi, lừ đừ, nôn, xuất huyết...), cần cho trẻ đến cơ sở y tế đáng tin cậy càng sớm càng tốt. Nếu trẻ sốt trên 38 độ, ngoài chườm mát, cần cho trẻ uống thuốc hạ nhiệt loại paracetamol đơn chất (nghĩa là chỉ có chất paracetamol, không có bất kỳ một loại dược chất nào khác), với liều lượng 10mg/kg trọng lượng cơ thể của trẻ, cứ 6 giờ/lần nếu trẻ vẫn còn sốt cao. Sau khi uống thuốc hạ sốt 1 giờ, cần đo lại nhiệt độ. Tuyệt đối không dùng aspirin vì chất này sẽ làm rối loạn đông máu gây chảy máu kéo dài rất nguy hiểm cho người bị SXH, đặc biệt là trẻ em. Nếu trẻ không biến chuyển tốt, cần nhanh chóng cho trẻ nhập viện.

Các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết

Biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết chủ yếu là kiểm soát côn trùng trung gian truyền bệnh như diệt bọ gậy (lăng quăng), diệt muỗi trưởng thành, tránh muỗi đốt, vệ sinh môi trường, loại bỏ ổ chứa nước đọng. Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại...) để diệt lăng quăng/bọ gậy. Vệ sinh các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ (lu, khạp…) hàng tuần. Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá... Dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến. Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa.

Mặc quần áo dài tay. Ngủ trong màn/mùng kể cả ban ngày. Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi... Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi. Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng chống dịch.