Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta dễ dàng bắt gặp những hình ảnh quen thuộc giữa cha mẹ và con cái: Tan học, bố mẹ lo con mang cặp nặng quá nên vội vàng xách giúp; Đi ăn ngoài, luôn nhường con ăn no trước, mẹ mới ăn sau; Trời mưa, cha mẹ và con cùng che một chiếc ô, người cha ướt sũng nhưng con thì khô ráo; Trên xe buýt hay tàu điện ngầm, dù con đã học trung học, mẹ vẫn thường nhường ghế cho con, còn mình đứng;
Cha mẹ quá mạnh mẽ trước mặt con cái, đôi khi lại là một sự mệt mỏi.
Là cha mẹ, chúng ta cần cố gắng nuôi dạy một đứa trẻ có tinh thần trách nhiệm, để sau này con có thể vững vàng bước vào xã hội. Nhưng trách nhiệm không phải thứ có thể hình thành ngay lập tức, mà là kết quả của cả một quá trình rèn luyện lâu dài.
Ảnh minh họa
Trong một chương trình truyền hình, đứa trẻ 8 tuổi nọ chủ động nhắc mẹ rửa chân, còn lấy nước ấm giúp mẹ ngâm chân; cẩn thận dạy mẹ cách chơi cầu trượt; tự giác dọn dẹp đồ chơi, chén bát sau bữa ăn… Người mẹ chia sẻ sau đó mọi người mới biết, cô thường xuyên thể hiện sự "yếu đuối" và "nũng nịu" với con trai.
Trong đời sống hằng ngày, cô thỉnh thoảng đóng vai "người yếu thế", khi gặp khó khăn liền nhờ con giúp đỡ, rồi hai mẹ con cùng nhau hoàn thành. Cách làm này không chỉ giúp con hiểu rằng: mẹ không phải là người toàn năng, mẹ cũng có những lúc gặp khó khăn, cũng là một cô gái nhỏ cần được bảo vệ.
Đồng thời, qua đó, người mẹ đã âm thầm gieo vào lòng con trai ý thức trách nhiệm, dạy con biết quan tâm và chia sẻ với người khác từ khi còn bé.
Câu trả lời là hoàn toàn có thể. Nghiên cứu của Harvard cho rằng: Biết "tỏ ra yếu đuối" đúng lúc sẽ khơi dậy tinh thần trách nhiệm ở trẻ.
Khái niệm "cha mẹ lười" ở đây không mang ý nghĩa là thật sự lười biếng hay bỏ bê con cái, mà là sự "lùi lại" và "tỏ ra yếu đuối" một cách có chiến lược, từ đó trao lại quyền chủ động giải quyết vấn đề cho trẻ. Cốt lõi của phương pháp giáo dục này là tin tưởng vào năng lực của trẻ, trao cho trẻ trách nhiệm để khơi dậy động lực nội tại, thay vì làm thay mọi việc.
Việc "tỏ ra yếu đuối" là biểu hiện cụ thể của mô hình "cha mẹ lười", và có nền tảng vững chắc từ tâm lý học.
Nhu cầu kiểm soát: Tâm lý học trẻ em cho rằng trẻ có bản năng muốn làm chủ thế giới xung quanh. Khi cha mẹ thể hiện sự yếu đuối, đó là cơ hội để trẻ thể hiện năng lực, từ đó củng cố cảm giác hiệu quả bản thân.
Động lực từ giá trị bản thân: Một nghiên cứu của Đại học Harvard chỉ ra rằng những đứa trẻ thường xuyên làm việc nhà, đóng góp vào gia đình sẽ có trách nhiệm và cảm giác thuộc về cao hơn. Khi trưởng thành, nhóm trẻ này có tỷ lệ việc làm cao hơn và tỷ lệ phạm pháp thấp hơn.
Tóm lại, "giáo dục bằng cách tỏ ra yếu đuối" là nghệ thuật kích thích động lực và trách nhiệm từ bên trong trẻ. Cụ thể có hai cơ chế:
Khơi dậy bản năng bảo vệ: Khi cha mẹ thể hiện sự mệt mỏi, yếu đuối (như bệnh, buồn bã), trẻ sẽ có xu hướng chủ động chăm sóc, từ đó hình thành trách nhiệm. Ví dụ, có cha mẹ giả vờ không thể thay bóng đèn, nhờ con giúp đỡ. Trong quá trình đó, con không chỉ học kỹ năng mà còn tăng sự tự tin và ý thức trách nhiệm.
Vòng lặp phản hồi tích cực: Khi trẻ hoàn thành việc nhà hoặc giúp đỡ gia đình, cha mẹ nên đưa ra phản hồi tích cực (Nhờ con mẹ mới xong việc), điều này tạo động lực cho trẻ tiếp tục tham gia và cảm thấy bản thân có giá trị.
1. Phân chia việc nhà theo độ tuổi – chuyển vai trò một cách tự nhiên
Phân chia theo độ tuổi:
Trẻ 3 tuổi có thể học gấp quần áo, xếp đồ chơi.
Trẻ 5-6 tuổi có thể quét nhà, sắp xếp chén đĩa.
Từ 7 tuổi trở lên có thể tham gia nấu ăn đơn giản như rửa rau, trộn nguyên liệu…
Khi trẻ lớn hơn, hãy tăng dần độ khó, ví dụ để con tự nấu một bữa ăn đơn giản. Việc này vừa nằm trong khả năng của con, vừa nâng cao kỹ năng, đồng thời nuôi dưỡng tinh thần trách nhiệm.
Trao quyền quyết định: Cho con tham gia vào việc lập nội quy gia đình hoặc sắp xếp công việc trong nhà. Khi được trao quyền, trẻ sẽ thấy mình là thành viên quan trọng trong gia đình và tự giác hơn trong việc đóng góp.
2. Dùng tình huống đời thực để "tỏ ra yếu đuối"
Trong sinh hoạt hằng ngày: Cha mẹ có thể tạo tình huống cần con giúp đỡ để con thấy mình "có ích". Ví dụ: "Túi này nặng quá, mẹ không nhấc nổi, con giúp mẹ nhé?" hoặc "Mẹ tìm hoài không thấy chìa khóa, con có thấy đâu không?".
Những lời nói như thế giúp trẻ cảm nhận sức mạnh và giá trị của bản thân.
Biểu lộ cảm xúc: Cha mẹ có thể chia sẻ cảm xúc mệt mỏi, áp lực trong công việc một cách phù hợp để con đồng cảm. Ví dụ: "Hôm nay mẹ đi làm mệt lắm, tâm trạng không vui, con có thể ôm mẹ một cái được không?". Điều này giúp tăng cường sự thấu hiểu giữa cha mẹ và con, đồng thời rèn luyện khả năng lắng nghe, giải quyết vấn đề và lòng nhân ái ở trẻ.
Cho phép thử và sai: Khi trẻ làm việc nhà, có thể sẽ phạm lỗi. Đừng vội trách phạt mà hãy giúp con phân tích nguyên nhân. Ví dụ: Nếu con làm vỡ chén khi rửa bát, hãy cùng con suy nghĩ tại sao lại xảy ra chuyện đó – thao tác sai? Không tập trung? – rồi tìm cách cải thiện.
Thảo luận sau sự kiện: Gia đình nên có các cuộc họp nhỏ để cùng nhau nhìn lại những việc đã làm, thành công lẫn thất bại. Ví dụ: Sau một kỳ thi không tốt, cha mẹ và con cùng phân tích – do thiếu ôn tập? Phương pháp học chưa hiệu quả? – rồi cùng xây dựng kế hoạch cải thiện.
1. Biết giới hạn của "yếu đuối"
Không quá mức: Đừng trút hết mọi nỗi buồn, lo lắng lên con, vì điều đó dễ khiến trẻ bị áp lực và lo âu thay vì trưởng thành.
Giữ sự chân thật: Sự yếu đuối cần xuất phát từ cảm xúc thật, không nên giả vờ để đạt mục đích dạy dỗ. Trẻ rất nhạy cảm, nếu phát hiện sự giả tạo, sẽ mất niềm tin vào cha mẹ.
2. Trách nhiệm phải phù hợp với độ tuổi
Tiến từng bước: Nhiệm vụ cần phù hợp với năng lực. Trẻ còn nhỏ thì bắt đầu bằng việc đơn giản, rồi tăng dần. Nếu giao việc quá sức, trẻ dễ nản và mất tự tin.
Kỳ vọng hợp lý: Không nên vì theo phương pháp này mà đòi hỏi con "trưởng thành sớm", gánh trách nhiệm vượt quá lứa tuổi. Mỗi trẻ có tốc độ phát triển khác nhau, cần linh hoạt điều chỉnh mục tiêu và luôn đồng hành cùng con.
Tóm lại, giáo dục kiểu "cha mẹ lùi một bước" không phải là thụ động, mà là một sự chủ động đầy trí tuệ. Khi cha mẹ biết cách "yếu đuối" đúng lúc, trẻ sẽ có cơ hội trở thành một người có trách nhiệm, biết yêu thương, biết cống hiến, điều mà chúng ta luôn kỳ vọng ở những đứa con mình.