CEO từng là nữ tỷ phú tự thân trẻ nhất nước Mỹ: "Tôi thích bị đánh giá thấp"

Đỗ Hiền (Theo CNBC), Theo NDH 15:08 11/07/2022

Khi nói tới công việc kinh doanh, Whitney Wolfe Herd không ngần ngại thừa nhận, cô thích việc bị coi là một người ở “chiếu dưới".

Whitney Wolfe Herd từng là nữ tỷ phú tự thân trẻ nhất nước Mỹ sau khi Bumble - ứng dụng hẹn hò do cô sáng lập – chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vào tháng 2 năm ngoái. Tuy nhiên, tài sản của nữ CEO này hiện đã xuống dưới mốc 1 tỷ USD.

Trong một cuộc trò chuyện tại Lễ hội Ý tưởng Aspen tổ chức ở Aspen, Colorado vào tuần trước, nữ doanh nhân 33 tuổi đã giải thích lý do tại sao cô cho rằng việc bị đánh giá thấp là một điều có lợi.

Theo Wolfe Herd, bị đánh giá thấp hoặc bị từ chối có thể là động lực để bạn làm việc chăm chỉ hơn - hoặc tìm một nơi/một người nào đó nhận ra giá trị của bạn - cho dù bạn mới bắt đầu sự nghiệp, thay đổi công việc hay đưa ra một ý tưởng mới.

“Cá nhân tôi thích việc bị đánh giá thấp. Tôi nghĩ nó mang tới cho bạn siêu năng lực toàn diện", Wolfe Herd nói. “Chính bản thân tôi cũng đã tự rèn luyện để tìm kiếm động lực và tạo ra năng lượng từ những lời từ chối mình nhận được".

CEO từng là nữ tỷ phú tự thân trẻ nhất nước Mỹ: Tôi thích bị đánh giá thấp - Ảnh 1.

CEO Whitney Wolfe Herd. Ảnh: CNN

Đây là một bài học xương máu của chính Wolfe Herd. Vào tháng 4 năm 2014, cô rời khỏi ứng dụng hẹn hò Tinder, nơi cô là đồng sáng lập kiêm phó chủ tịch mảng tiếp thị. Sau đó, cô đã đệ đơn kiện công ty cũ vì hành vi quấy rối tình dục và phân biệt đối xử. Vụ kiện được giải quyết vào tháng 9 năm 2014. Ba tháng sau, Wolfe Herd đã tung ra Bumble - một ứng dụng hẹn hò cạnh tranh hướng tới việc cho phép phụ nữ nắm quyền chủ động.

Trên Bumble, phụ nữ mới là người chủ động bắt đầu cuộc trò chuyện. Ban đầu, điều này đã khiến khá nhiều nhà đầu tư ngần ngại và từ chối rót tiền cho ứng dụng Bumble. Theo họ, phụ nữ sẽ không muốn chủ động rủ nam giới hẹn hò, còn đàn ông sẽ không đăng ký ứng dụng vì nó đi ngược lại các chuẩn mực xã hội.

Thế nhưng, Wolfe Herd khẳng định, việc bị từ chối không khiến Bumble trở thành một ý tưởng tồi. Thay vào đó, cô cho biết, cô bắt đầu xem nó như một ý tưởng mới mà mọi người chưa biết phải hình dung nó như thế nào.

“Tôi đã rèn luyện bản thân để mỗi khi tôi nhận được một email hoặc dòng tweet gây tổn thương hoặc một số nhà đầu tư nói với tôi ý tưởng của Bumble là ngu ngốc, phản ứng duy nhất của tôi là sự phấn khích", Wolfe Herd nói. “Mọi người thường không biết cách nhìn nhận những thứ chưa tồn tại, vì vậy bạn chỉ cần tin vào chính mình".

Việc bị đánh giá thấp cũng mang lại cho Wolfe Herd lợi thế bất ngờ. Theo nữ doanh nhân này, khi các công ty khác xác định bạn là đối thủ cạnh tranh, họ sẽ theo dõi mọi động thái của bạn. Còn nếu họ không coi bạn là một mối đe dọa, họ sẽ không ý thức được rằng bạn đang và sẽ sớm vượt qua họ.

Bumble ra đời với 10 triệu USD tiền đầu tư từ nhà đồng sáng lập Andrey Andreev - người cũng thành lập ứng dụng hẹn hò Badoo - và đồng sáng lập Tinder Chris Gulczynski. Năm 2021, Wolfe Herd trở thành nhà sáng lập nữ trẻ nhất trong lịch sử niêm yết công ty của mình trên sàn chứng khoán.

Cũng trong buổi trò chuyện ở Aspen, Wolfe Herd cho biết, khi Bumble lên sàn, cô đã nhận được “những lời nhắn nhủ sâu sắc” - và thậm chí là một số lời xin lỗi - từ các nhà báo và “những người có uy tín”, những người ban đầu nghĩ Bumble sẽ không bao giờ thành công. Tính đến sáng ngày 6/7, vốn hóa thị trường của Bumble là 6,7 tỷ USD.

“Nếu mọi người nghĩ rằng những gì mình đang làm chắc chắn sẽ thành công, vậy thì họ chắc chắc sẽ làm được", Wolfe Herd nói. “Đó thực sự là cách bạn tạo ra khoảng trống trên thị trường cho chính mình".

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày