Câu chuyện đầu tiên: Cả thôn rủ nhau sang Lào xem đá bóng
"Chúng tôi đi xe khách từ 6 giờ sáng lên đường. Không ai gặp khó khăn gì, chỉ có di chuyển đường xa nên có chút mệt mỏi", anh Hoàng Sang, người dân ở thôn An Sú, xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ.
Nơi anh chàng 31 tuổi này ở nằm giáp ngay cửa khẩu Cầu Treo, lối mòn gần nhất để di chuyển bằng xe khách từ Việt Nam sang thủ đô Vientiane, Lào. Người dân nơi đây đi sang Lào đơn giản như đi từ Hà Tĩnh lên Nghệ An hay xuôi về Quảng Bình.
Cửa khẩu Cầu Treo nằm ở tỉnh Hà Tĩnh, giáp với biên giới Lào. Ảnh: Facebook Tuan Thanh Nguyen.
Quá tiện lợi và không thể bỏ lỡ, anh Sang quyết định lên đường tiếp sức cho đội tuyển Việt Nam. Nhưng không chỉ có mình anh.
Ở thời buổi công nghệ thông tin phát triển, người dân không chỉ có mái đình để hội họp. Họ tạo nên những hội, nhóm trên mạng xã hội như facebook để dễ dàng thông tin cho nhau. Anh Sang nói thôn anh có một nhóm kín mang tên "Thông tấn thôn An Sú", để tiện bề thông báo đến người dân trong thôn khi có thông tin mới.
Đội tuyển Việt Nam gặp Lào ở trận mở màn AFF Cup 2018 ngày 8/11 được lan tỏa như vậy. "Có ai thành lập hội đi Lào xem Việt Nam đá bóng không hè", anh Sang viết trên nhóm. Gần như cả thôn hưởng ứng, ai không bận công chuyện đều lên đường và chật kín xe khách 45 chỗ sang Vientiane.
Hội của thôn An Sú và thông báo kêu gọi lập hội đi cổ vũ đội tuyển Việt Nam tại Lào của anh Hoàng Sang. Ảnh: Facebook Sang Hoàng.
Anh giãi bày: "Đi cổ vũ đội tuyển Việt Nam khó lắm, thường đội đá ở Hà Nội, TPHCM chứ có bao giờ về miền Trung. Lần này đội đá ở Lào, gần quá rồi nên chúng tôi không thể bỏ lỡ. Người dân vui lắm vì cuối cùng cũng được đi xem đội tuyển Việt Nam thi đấu mà còn là AFF Cup".
Đó là câu chuyện có thực được kể bởi anh Hoàng Sang. Thế nhưng, Hà Tĩnh đâu chỉ có 1 thôn và cũng đâu chỉ có một nơi hào hứng như An Sú.
Câu chuyện thứ hai: Những bếp ăn dã chiến và chiếc xe khách trở chứng
25 tuổi theo chân đội tuyển Việt Nam qua nhiều giải đấu, quốc gia, vì thế, chẳng gì có thể ngăn cản anh Nguyễn Văn Luận xách balô lên và đi đến Lào tiếp lửa.
Từ Việt Nam, ai muốn đi sang Lào đều có 2 lựa chọn: đường bộ hoặc đường hàng không. Một người đi máy bay mất khoảng 4 tiếng (tính cả thời gian làm thủ tục) để đến Vientiane, với đường bộ, thời gian gấp 6 lần như vậy. Giá thành rẻ là ưu tiên hàng đầu để đường bộ trở thành phương án được người hâm mộ sử dụng nhiều nhất. Họ chấp nhận đánh đổi về thời gian nhưng rủi ro thì lúc nào cũng có.
Chiếc xe khách chở đoàn của anh Luận bị nổ lốp tại Nghệ An. Ảnh: Facebook Luận Bóng đá.
Anh Luận kể: "Đoàn chúng tôi đi có 50 người. 11h00 sáng 7/11 xe lăn bánh từ Hà Nội, đi đến Nghệ An thì xe nổ lốp. Chúng tôi nghỉ ngơi 1 giờ đồng hồ cho bác tài sửa chữa rồi lại lên đường. 22h00 chúng tôi đến cửa khẩu Cầu Treo và làm thủ tục xong xuôi".
Thế nhưng, khó khăn chưa dừng lại ở đó, "1h30 sáng 8/11 xe nhận tin là đường tắc vì có tai nạn phía trước. 12h00 trưa nay, xe mới tiếp tục lăn bánh đến SVĐ QG Lào", anh Luận nói.
Vừa nhắn tin, anh vừa gửi cho phóng viên những tấm ảnh về bữa ăn dã chiến bên rìa đường rừng với đá làm bếp, củi nhóm lò. Họ cũng chỉ kịp đun nước cho sôi và ăn những cốc mì ăn liền đem theo,… nhưng nụ cười thì không thể tắt.
Chiều nay, khán đài B sẽ lại nổi kèn trống, lại hô vang hai tiếng "Việt Nam" và tên những chàng trai có mặt trên thảm cỏ SVĐ QG Lào.
Những bếp ăn dã chiến ở đường rừng tại Lào. Ảnh: Facebook Luận bóng đá.
Chiếc xe bồn bê tông gặp tai nạn chắn ngang tuyến đường huyết mạch từ cửa khẩu Cầu Treo sang Vientiane. Ảnh: Facebook Quyen Pham.
Câu chuyện thứ ba: Chuyến xe của chàng lập trình viên từ Thái Lan
Nguyễn Vân Cương, 24 tuổi, lập trình viên của một công ty tại Hà Nội đã có hành trình kỳ lạ như thế. Anh sang Thái Lan, rồi mới bắt xe khách tới xứ sở triệu voi.
Trong cái lạ có lẫn sự may mắn, Cương kể: "Tôi đã lên kế hoạch đi Lào từ mấy tháng trước sau khi có lịch thi đấu AFF Cup 2018. Trùng hợp thay, công ty tôi làm lại tổ chức đi du lịch Thái Lan từ ngày 5/11. Tôi xin phép sếp cho nghỉ đến hết tuần để ở lại Bangkok và đi xe sang Lào tiếp sức cho đội tuyển Việt Nam".
Trên chuyến xe từ thủ đô Thái Lan tới thủ đô của Lào, Vân Cương giãi bày bản thân anh bị say xe nhưng vẫn chấp nhận đi xe khách. 13 tiếng là khoảng thời gian như cực hình với Cương. "Tới Lào, tôi thấy các cầu thủ Việt Nam tập luyện là năng lượng lại trở về, lại sẵn sàng cho trận đấu với đội tuyển Lào", chàng lập trình viên 24 tuổi nói.
Vé lên xe khách và chiếc tai nghe được cho là của Nguyễn Vân Cương. Ảnh: Facebook Nguyễn Vân Cương.
Sau 13 tiếng trên xe khách, say lên say xuống, Vân Cương đã có mặt tại SVĐ QG Lào vào tối 7/11 để theo dõi đội tuyển Việt Nam tập luyện trong khoảng 10 phút. Ảnh: Facebook Nguyễn Vân Cương.
Hành trình ấy được Cương mô tả là để lại kỷ niệm lớn trong tâm trí anh. Anh phải vào quán internet của Thái Lan, nhờ một bạn người Lào để sạc điện thoại, sạc nhờ pin dự phòng và… tắm ở nhà vệ sinh bến xe.
Cương nói: "Đi xe giường nằm từ Bangkok sang Vientiane để cổ vũ đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup với niềm tin vô cùng lớn cho chiến thắng. Tôi cũng trải qua những kỷ niệm khó quên mà từ bé chưa bao giờ nghĩ mình sẽ được trả qua".