Trong từ "mềm mại", nhiều người cho rằng "mại" chỉ là một hậu tố vô nghĩa nhằm tạo nên tính luyến láy cho tính từ "mềm mại". Thực tế không phải vậy, "mại" ở đây chính là "cá mại" - một loại cá tạp cùng họ với cá chép, nhỏ cỡ bằng ngón tay cái, nhìn tựa như cá lòng tong, cá linh ở Nam Bộ.
Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức có giảng: "Mại: Loài cá nhỏ, mình mềm, ở dưới nước ngọt, cũng gọi là mài mại". Từ định nghĩa này, ta hiểu được lý do tại sao "mại" lại đi với "mềm". "Mềm mại" chính là "mềm như cá mại".
Ảnh minh họa
Cấu trúc được sử dụng trong cụm từ là "A như B" biến thành "A B". Cấu trúc này rất phổ biến, có thể kể đến như:
- Đỏ quạch: Đỏ như vỏ cây quạch (dùng để ăn trầu).
- Đỏ hoét: Đỏ như máu ("hoét" là âm xưa của "huyết", tức là máu).
- Trắng toát: Trắng như tuyết ("toát" là âm xưa của "tuyết").
- Mảnh mai: Mảnh như cây mai.
Như vậy, không còn nghi ngờ gì nữa về việc "mềm mại" là "mềm như cá mại". Ngoài ra, theo định nghĩa của Hội Khai Trí Tiến Đức, ta thấy ngay loài cá này có liên quan đến khởi nguồn của từ "mài mại" trong "nhớ mài mại", tức là nhớ một cách mơ hồ, không rõ ràng.
Thực tế, trong kho tàng ca dao tục ngữ Việt Nam, cá mại cũng rất phổ biến, có thể kể đến như:
"Cây khô mấy thuở mọc chồi
Cá mại dưới nước mấy đời hóa long".
Hay:
"Mống Cu Đê chạy về dọn gác
Mống Cửa Đại, cá mại chết khô".
Trong câu ca dao trên, "mống" có nghĩa là cầu vồng, "Cu Đê" là một địa danh thuộc Đà Nẵng ngày nay. Tương truyền có cầu vồng ở đó sẽ có nước lụt. Còn "Cửa Đại" là tên gọi cũ của cửa Đại Chiêm - nơi sông Thu Bồn đổ ra biển. Ý cả câu này có nghĩa là: Nếu cầu vồng ở Cu Đê thì có lũ, phải dọn gác, còn cầu vồng ở Cửa Đại thì sẽ có hạn hán.
Hay câu "khôn như mại, dại như vích", trong đó "vích" là một con thuộc họ nhà rùa. Câu nói này bắt nguồn từ một câu chuyện ngụ ngôn. Có người thấy, con vích ở bãi biển, họ tung dây thòng lòng quấn chân rồi kéo nó vào bờ. Vích cố vùng vẫy theo hướng ngược lại và thoát được về biển. Hôm sau, người ta rút kinh nghiệm, cũng quăng dây thòng lòng quấn chân vích nhưng kéo ra biển. Vích không biết, lại chạy về hướng ngược lại và lún sâu vào bờ rồi bị bắt. Rất có thể, "khôn như mại" cũng bắt nguồn từ một tích xưa tương tự nhưng đến nay đã thất truyền.