Dạo gần đây, trên TikTok bỗng xuất hiện clip về "ly đá me ngon nhất Sài Gòn". Không khó để tìm thấy sạp nhỏ bán đá me của ông Nguyễn Minh Chiến (72 tuổi) ở số 96 Cao Thắng, phường 4, Quận 3, TP. HCM. Đằng sau "Ly đá me ngon nhất Sài Gòn” là cả cái tâm của người bán và câu chuyện về người con gái bại liệt.
Sạp nhỏ bán ly đá me “ngon nhất Sài Gòn” ở số 96 Cao Thắng (Q.3, TP. HCM). Dù nhỏ bé nhưng sạp nước này đã tồn tại được hơn 20 năm. Ngày trước, ông bà bán mỗi ngày được chừng 20-30 ly đá me, có hôm nhiều là 30-40 ly. Nhưng cũng có những ngày sạp nhỏ không bán được một ly đá me nào.
May mắn, từ khi đoạn clip kia xuất hiện, quán được mọi người biết đến, nhiều người đã đến nếm thử ly đá me. Cũng vì thế mà mỗi ngày ông bà bán được 50-60 ly.
Trong một buổi sáng, tôi ghi nhận rất nhiều bạn trẻ đến sạp nước của ông, chủ yếu vì xem được đoạn clip trên. Bạn Ngân (20 tuổi), chia sẻ: “Nhiều lần chạy qua địa điểm này nhưng không biết. Từ khi mình coi được đoạn clip trên thì mình quyết định ghé đến thử”.
Ông Chiến cho biết, vì bất ngờ “nổi tiếng” nên nhiều lúc không chuẩn bị kịp nguyên liệu để bán. Lúc tôi đến, ông bà vừa hết đậu phộng, đành phải khất với khách để rang thêm.
Quán đá mẹ của 2 vợ chồng ngoài 70 tuổi đã tồn tại được hơn 20 năm
Tất cả các nguyên liệu để làm đá me đều được ông bà thực hiện thủ công để cho ra một ly đá me “độc nhất” Sài Gòn. Ông không mua đậu phộng rang sẵn mà tự rang đậu phộng. Đậu phộng được ông bà lựa chọn kỹ để có được những hạt ngon nhất.
Bà Nguyễn Thanh Nga (66 tuổi) - vợ ông Chiến, còn chia sẻ bí quyết lựa đậu: “Đậu phộng ăn phải ngọt, béo mới là đậu ngon. Còn ăn thấy béo, mà xốp thì là đậu dở”.
Ông bà cũng cố gắng chỉ rang đậu vừa đủ chứ không rang quá nhiều vì đậu phộng rang lâu sẽ hôi dầu. Đậu phộng được rang cùng muối trắng, lọc bỏ vỏ rồi cho vào hũ dùng dần.
Theo bà Nga thì nhà đã bán đá me nhiều năm về trước. Hồi đó, bà dùng đá me được sên từ những người quen ở dưới quê, bán vào từng bịch nước. Sau này khi đã có hộp me đóng sẵn, bà chuyển sang dùng loại này luôn. Nhưng với những hũ đá me đóng hộp này, ông bà vẫn phải sên lại. “Làm vậy để đảm bảo vệ sinh hơn, cũng như phù hợp với khẩu vị của khách mình hơn” - ông Chiến chia sẻ.
Điều đặc biệt nhất ở ly đá me này là mứt thơm được ông bà sên sẵn. Bà Nga kể, từ khi có đá me đóng hộp và nhiều người cạnh tranh, bà nghĩ ra được cách sên mứt thơm cho ly đá me của mình thêm đặc biệt.
Công thức đặc biệt để có mứt thơm ngon đó là không được cho nước. Phải sên thật lâu, cho nước từ thơm ra chứ không cho thêm nước bên ngoài vào, nếu không sẽ hỏng, khét, hoặc ngọt quá. Vì sên thủ công như thế nên rất mất thời gian, mỗi mẻ ông bà sên từ 4-5 tiếng.
Đá me mát lạnh, vị chua của me, ngọt của mứt thơm, bùi của đậu phộng, tất cả hòa quyện tạo nên một thức uống hợp lý để giải khát ngày hè. Có lẽ bởi vì làm bằng phương pháp thủ công và bằng cái tâm tình người bán nên chỉ một ly đá me đơn giản vẫn có sức hút khiến nhiều khách quay lại ủng hộ.
Được biết, ông Chiến là công nhân viên chức đã nghỉ hưu và giờ về mở sạp nước kiếm tiền nuôi sống cả gia đình. Vợ chồng ông Chiến có một người con trai, nhưng anh đã sớm qua đời. Ngoài ra, họ còn có một cô con gái từng bị tai biến, liệt một nửa người, nên ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, cả hai vẫn phải bươn chải mưa nắng để kiếm sống.
Mỗi ngày, ông Chiến đều ở luôn tại sạp nước trong khi bà Nga phải chạy đi chạy lại, vừa phụ giúp chồng vừa phải quán xuyến gia đình. Cứ thế, 6 giờ sáng ông có mặt ở sạp, rồi 18 giờ mới bắt đầu dọn dẹp đi về. Có hôm khách đến lắt nhắt, ông cũng bán luôn đến 19 giờ tối nếu có thể.
Ngày trước, ông Chiến còn nhận giao nước cho những công ty, doanh nghiệp nhưng sau này tuổi cao sức yếu, ông chỉ bán tại chỗ, ai có lòng thì ghé đến mua chứ ông không còn sức đi xa để giao.
Hai ông bà cố gắng cáng đáng như vậy vì sạp nước này là nguồn thu nhập chính của cả gia đình. Ông Chiến cho biết, tiền thuốc thang cho con gái mỗi tháng từ 2-3 triệu đồng, chưa tính đến những tháng phải nhập viện, viện phí còn đội lên nhiều.
Mặc dù sạp nước là chỗ dựa kinh tế của cả gia đình nhưng ông bà đều buôn bán rất thoải mái. Ly đá me to, nhiều me, đậu phộng và mứt thơm cũng chỉ có giá 18 nghìn đồng, khách hỏi xin thêm gì bà cũng cho luôn.
Những nhân viên văn phòng nếu đến hàng của ông bà để mua 1,2 nghìn tiền đá đều được ông, bà cho luôn. Cái tính hào sảng lại hài hước “nhiều thì mới lấy tiền chứ ít thì má cho luôn” là thứ níu chân khách ở lại với tiệm nước nhỏ này.
Bà Nga hay xưng với khách hàng là má - con, cũng như ông Chiến cũng hay gọi ba - con với khách vì cả hai đều xem “những đứa nhỏ như con cháu trong nhà”. Khách đến đây đều rất thoải mái gọi ông Chiến là ba, gọi bà Nga là má vì cảm nhận được sự thân thiết như gia đình. Bà bảo: “Đậu lên giá, me lên giá, đường lên giá, thơm cũng lên giá nhưng má chỉ tăng 1 nghìn đồng, từ 17 nghìn lên 18 nghìn thôi. Có khi bán mà huề vốn má vẫn bán”.
Ông Chiến cho biết, trong tương lai vợ chồng ông không có ý định mở rộng việc bán online thông qua các nền tảng giao hàng. Tuổi già, sức yếu, ông sợ sau này mở rộng buôn bán làm không kịp, sợ mất khách. Thế nên chỉ cần buôn bán vừa đủ qua ngày, mọi người đến đây ủng hộ ông bà đã đủ vui rồi.