Người ta vẫn thường nói: “Hãy theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn”. Nhưng quãng đường gặt hái “trái ngọt” phía trước phải vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách thì còn mấy ai dám bước tiếp. Tuy nhiên cũng không ít người chinh phục được đam mê của mình và anh chàng Lê Anh Vũ chính là một điển hình đó.
Là một co-founder của những nhà hàng nổi tiếng được nhiều thực khách yêu thích ở Hà thành, Anh Vũ có sẵn trong người niềm đam mê ẩm thực từ những ngày còn bé, cùng với lợi thế được trải nghiệm, tiếp xúc nhiều nền văn hóa ẩm thực trên thế giới. Tưởng chừng như hành trình khởi nghiệp trong lĩnh vực F&B của anh sẽ rất thuận lợi và dễ dàng, nhưng câu chuyện mà anh chia sẻ lại không chỉ đơn giản như vậy.
Với tinh thần dám nghĩ dám làm và luôn luôn học hỏi, những thành công ở thời điểm hiện tại là minh chứng cho sự cố gắng không ngừng nghỉ của anh để theo đuổi đam mê của chính mình.
Lê Anh Vũ (1991), co-founder của những nhà hàng nổi tiếng ở Hà Nội như Masu, Classé.
Từ một người tốt nghiệp học viện ngoại giao, cơ duyên nào đã thúc đẩy anh đến với ngành ẩm thực?
Việc học và làm của mình là hai ngành hoàn toàn khác nhau, mình theo học ngành Luật và Marketing, nhưng bây giờ lại làm nhà hàng. Thực ra mình chọn marketing vì đây là một ngành rất phổ biến, sau khi tốt nghiệp cũng được thử sức trong môi trường doanh nghiệp nhưng lại cảm thấy bản thân không phù hợp. Còn việc làm nhà hàng là do sở thích và đam mê, mình rất thích ăn uống, mỗi khi đi du lịch thì việc làm đầu tiên chính là khám phá ra những chỗ ăn ngon.
Tiếp theo là cái duyên, sau khi nghỉ việc thì Vũ rủ vài người bạn cùng khởi nghiệp với một quán cà phê và bánh ngọt. Tuy nhiên ngày đấy không có kinh nghiệm, lại cả thèm chóng chán nên cửa hàng đầu tiên đã thất bại. Sau đó mình lại có cơ duyên được làm việc trong môi trường nhà hàng, từ đó nhiều cơ hội mới đến và cho mình rất nhiều kinh nghiệm hay ho. Cuối cùng mình muốn phát triển và thử thách bản thân hơn nữa nên quyết định mở nhà hàng và hoạt động trong ngành F&B như bây giờ.
Được biết anh còn kinh doanh một tiệm có tên gọi là Chú Ba Eats, dù là quán online nhưng lại được khá nhiều người yêu thích đặc biệt là trong thời điểm dịch bệnh Covid-19?
Chú Ba chính xác là cửa hàng đầu tiên. Cửa hàng online này được sinh ra trong đợt dịch Covid-19 và đến một cách rất tình cờ, không hề có tính toán hay kế hoạch gì. Thời điểm đó mình và hai người bạn nữa, thường xuyên mày mò nấu ăn, nấu nhiều nên cũng hay gửi tặng cho bạn bè. Tuy nhiên ăn hoài mọi người cũng kêu (cười) mà nấu nhiều lại không ai ăn, nên chúng mình quyết định mở một cửa hàng online. Đặc biệt trong tình hình dịch bệnh thì mọi người rất ưa chuộng những món ăn ship tận nhà. Bởi vậy mà Chú Ba được rất nhiều người ủng hộ. Vì không có chủ đích nào cả nên có thể thấy Chú Ba bán rất nhiều các mặt hàng, như một siêu thị tổng hợp vậy chúng mình nghĩ gì, thích gì là bán cái đó.
Tại sao anh lại quyết định mở nhà hàng đồ Nhật, đồ Âu chứ không phải nhà hàng với các món ăn Việt Nam?
Ngay sau khi quyết định khởi nghiệp, mình bắt đầu với công việc đi tìm mặt bằng và may mắn tìm được một vị trí đẹp, rộng rãi, lại rất thông thoáng. Mình có dự tính mở một quán mì ramen, vì nhận thấy ở Hà Nội chưa có cửa hàng ramen ngon. Nhưng với một mặt bằng lớn cùng vị trí đẹp chỉ kinh doanh mỗi mì ramen thôi cũng rất phí, chính vì vậy mình lựa chọn ẩm thực Nhật Bản và Masu đã ra đời từ đó.
Ban đầu mình cũng có nghĩ đến mở một nhà hàng Việt, thế nhưng vì đồ ăn Việt dù có đậm chất truyền thống đến đâu thì mỗi người lại có cách cảm nhận riêng, mỗi người lại có một chuẩn mực khác nhau khi thưởng thức. Hơn nữa, hàng quán đường phố rất nhiều quán ăn ngon, nếu chỉ mở một nhà hàng Việt với những món ăn không khác gì các hàng quán vỉa hè thì khó mà cạnh tranh nổi. Còn đối với ẩm thực Nhật Bản, người Nhật có chuẩn mực về nguyên liệu, hương vị từ xa xưa rồi, nên lựa chọn ẩm thực Nhật Bản sẽ dễ dàng hơn.
Khác với Masu nhẹ nhàng, ấm áp thì Classé, nhà hàng thứ hai của Vũ tại Hà Nội lại sở hữu phong cách đậm chất Châu Âu, mang đến sự mới mẻ và sôi động.
Có thể thấy, việc lựa chọn các nguyên liệu của anh khá kỹ lưỡng, gần như tự mình thẩm định. Với anh, điều đó quan trọng thế nào? Việc lựa chọn nguyên liệu có tốn nhiều thời gian của anh không?
Với các nhà hàng của Vũ nguyên liệu đều được nhập khẩu từ Nhật Bản, để chế biến ra những món ăn hấp dẫn, tươi ngon thì chất liệu tạo nên món ăn ấy là điều vô cùng quan trọng.
Việc lựa chọn nguyên liệu không tốn quá nhiều thời gian, bởi đó là những cái rất cơ bản trong ngành. Bên cạnh đó mình cũng nhận được sự trợ giúp của các bên nhập nguyên liệu. Cùng với đó, trong thời đại 4.0 thời đại mà nền ẩm thực được giao thoa. Với những nguyên liệu đó, thông qua cách chế biến khác nhau sẽ tạo ra hương vị hoàn toàn mới mẻ. Bởi vậy mà ở Masu hay Classé cũng có nhiều điểm tương đồng trong nguyên liệu tạo nên món ăn.
Bản thân mình được đi và trải nghiệm nhiều, nên việc lựa chọn nguyên liệu không mất quá nhiều thời gian.
Anh có nguyên tắc nào trong công việc của mình không? Làm thế nào để quản lý tốt nhiều nhà hàng cùng một lúc, nhất là khi bản thân anh tham gia vào cả các công đoạn chi tiết như lựa chọn nguyên liệu?
Để có một nguyên tắc nhất định thì không hẳn nhưng trong quá trình làm việc Vũ muốn làm mọi việc chuẩn chỉnh và có một tiêu chuẩn cao nhất định. Về việc quản lý nhiều nhà hàng, vì mình làm việc luôn có người đồng hành, có những co-founder cùng gắn kết để phát triển. Mỗi người trong team lại mạnh về một mảng riêng và luôn hỗ trợ nhau.
So với thời điểm ban đầu, trải nghiệm trong lĩnh vực này của anh có những thay đổi như thế nào?
Dự án khởi nghiệp đầu tiên của Vũ và các bạn tuy được thai nghén và ra đời kỹ càng nhưng cũng có những giai đoạn thăng trầm nhất định. Mình vẫn nhớ đợt đầu mới mở Masu, vừa nhập cá về thì nhận được lệnh giãn cách xã hội. Cũng lao đao lắm chứ, nhưng chính vì những biến cố lớn vì dịch bệnh thì sau cùng Vũ nhận thấy đó chỉ là chất kích thích. Bởi chính nhờ có quãng chậm đó mà mình có những bài học về sự thích ứng linh hoạt, từ đó củng cố, tái thiết tạo nên một cấu trúc vững chắc hơn, sẵn sàng cho những bước chuyển đổi đột phá.
Để đi được đến thời điểm hiện tại mình nhận thấy rằng không nên làm cái gì một mình. Thấy mình vô cùng may mắn vì xung quanh luôn có những người bạn cùng đồng hành, những người luôn ủng hộ, truyền cho mình năng lượng để tiếp tục theo đuổi đam mê.
Là một người có nền tảng để phát triển công việc như food blogger, trở thành KOL ẩm thực, anh có muốn lấn mạnh sang lĩnh vực này không?
Trước đây mỗi khi đi ăn uống hay du lịch ở đâu, có những chỗ hay mình đều chia sẻ lại cho mọi người bằng những bài viết hay video quay hết sức đơn giản. Còn các bạn trẻ thời nay họ bắt trend rồi quay, dựng trên reels, TikTok rất công phu. Để lấn sân thì Vũ thấy mình chưa đủ khả năng cũng như dành được thời gian cho công việc này.
Trên cương vị là một người trẻ kinh doanh giỏi, anh có thể chia sẻ cho mọi người biết yếu tố nào dẫn đến thành công của anh trong thời điểm hiện tại?
Để có được thành công, tất cả là nhờ sự nỗ lực, và cống hiến không ngừng nghỉ của mình và cả team. Bên cạnh đó là sự sáng tạo và phải biết cân bằng.
Nghề của mình là sáng tạo, mọi thứ luôn thay đổi theo mùa rồi mỗi năm một khác để không bị lạc hậu, đây cũng là thế mạnh của bọn mình. Nhưng cần phải cân bằng sự sáng tạo với kỷ luật, hai cái này phải đồng hành với nhau để phù hợp với thực tiễn.
Là người có nhiều kinh nghiệm trong ẩm thực cũng như F&B, anh có lời khuyên gì cho những bạn trẻ đang có ý định dấn thân khởi nghiệp không?
Nếu được đưa ra lời khuyên thì Vũ nghĩ các bạn hãy đi tìm và học hỏi kinh nghiệm của những người đã làm trong ngành, kể cả thành công hay không thành công đều sẽ có những bài học quý báu.
Nếu như các bạn muốn mở F&B có thể đến gặp Vũ để trao đổi kinh nghiệm với nhau. Trên tinh thần khởi nghiệp liên tục và mãi mãi mình sẽ luôn chào đón các bạn đến với mình. Mình mở cửa hàng đầu tiên từ những năm 22, 23 tuổi, tính đến nay cũng gần 10 năm rồi cả một chặng đường dài và mình tự tin là những bài học mà mình học được đều là những bài học rất thật từ thực tế chứ không hề triết lý, giáo điều.
Trong tương lai, anh có dự án “dài hơi” nào không?
Dự án rất nhiều nhưng chưa thể bật mí, vì sợ nói trước bước không qua. Song bật mí nhỏ là chúng mình sẽ có những dự án hướng đối tượng lớn hơn: các bạn học sinh, sinh viên.
Bên cạnh đó điều mình mong muốn nhất vẫn là trải nghiệm khách hàng. Mình không thể khẳng định mình là ngon nhất, nhưng Vũ muốn khách hàng của mình có trải nghiệm tốt nhất. Mỗi khách hàng đến đây có niềm vui, hài lòng, được tận hưởng những điều khách hàng mong muốn mình cố gắng đáp ứng trong khả năng mình làm được.
Cảm ơn Anh Vũ vì buổi phỏng vấn nhiệt tình này!