(Bài viết có tiết lộ trước nội dung phim)
Em Và Trịnh dẫu mang về nhiều luồng ý kiến trái chiều song khó thể phủ nhận đây chính là tác phẩm điện ảnh Việt Nam gây chú ý trong thời điểm hiện tại. Một trong những điểm sáng lớn nhất của bộ phim điện ảnh này mà phần đông khán giả đồng ý chính là nhân vật Lệ Mai - Khánh Ly do Bùi Lan Hương thủ vai.
Nếu như Dao Ánh là đóa hoa hướng dương trong sáng, tươi trẻ mang đến một mối tình sâu đậm đến Trịnh Công Sơn thì Khánh Ly lại là một "bóng hồng" đặc biệt khác không thể không nhắc đến khi nói về người nhạc sĩ tài hoa. Có hàng trăm, hàng nghìn giọng ca đủ thế hệ đã thử sức và thành công với các ca khúc nhạc Trịnh, nhưng chắc chắn cái tên nổi tiếng nhất khi nhắc đến những sáng tác của Trịnh Công Sơn chỉ có thể gọi tên Khánh Ly. Như chính nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng thốt lên lúc sinh thời: "Khánh Ly không thể tách rời những bài hát của tôi, cũng như những bài hát của tôi không thể thiếu Khánh Ly".
Trong phim Em Và Trịnh, nhân vật Lệ Mai - Khánh Ly (Bùi Lan Hương) đã gặp Trịnh Công Sơn (Avin Lu) trong một biểu diễn ở hộp đêm, ngay lập tức chàng nhạc sĩ trẻ bị thu hút bởi giọng hát vô cùng đặc biệt của nữ ca sĩ. Cả hai sau đó đã có cuộc gặp gỡ lãng mạn và đáng yêu ở quán Cafe Tùng, bắt đầu thu hút sự chú ý của công chúng tại Đà Lạt là một "đôi uyên ương của làng tân nhạc Việt Nam". Giọng hát của Khánh Ly - Bùi Lan Hương được công chúng đánh giá cao, tạo nên cảm xúc cho các cảnh phim.
Tình tiết phim tiếp tục đưa Khánh Ly ngày càng có tình cảm sâu đậm với người nhạc sĩ họ Trịnh tuy nhiên ở chiều ngược lại, Trịnh Công Sơn chỉ xem Khánh Ly là một "nàng thơ" trong âm nhạc. Ngày Trịnh Công Sơn trở về Huế để gặp Dao Ánh, anh đã khẳng định mình chưa hề yêu Khánh Ly. Sau đó, Trịnh Công Sơn tái ngộ Khánh Ly ở Sài Gòn trong hoàn cảnh khá éo le. Bộ đôi tái hợp và bắt đầu đêm diễn ở Quán Văn, trở nên nổi tiếng, đi du ca khắp nơi. Cảnh phim chuyển đến nhiều năm sau, khi Khánh Ly đã ở Mỹ còn Trịnh Công Sơn ở Việt Nam, lúc này người nhạc sĩ đã thể hiện sự bế tắc với nữ ca sĩ khi "Âm nhạc đã rời bỏ anh đi mất rồi..."
Vậy, mối quan hệ giữa Trịnh Công Sơn - Khánh Ly, bộ đôi nghệ thuật huyền thoại của Việt Nam, thực sự ra sao?
Khánh Ly tên thật là Nguyễn Thị Lệ Mai, bà sinh ngày 6/3/1945 tại Hà Nội nhưng vào miền Nam từ năm 1956. Năm 1962, Khánh Ly bắt đầu theo sự nghiệp ca hát tại phòng trà Anh Vũ trên đường Bùi Viện (Sài Gòn) và chuyển lên Đà Lạt hoạt động nghệ thuật cuối năm đó.
Theo lời Khánh Ly chia sẻ, bà gặp Trịnh Công Sơn lần đầu vào năm 1965, tại một phòng trà ở Đà Lạt khi cả hai vẫn chỉ là những nghệ sĩ nhỏ, chưa có tên tuổi lẫn chỗ đứng. "Ông Trịnh Công Sơn ngày đó đẹp trai lắm, ở ngoài đẹp trai hơn trong hình nhiều. Ông còn nho nhã, dịu dàng, phong cách, nhìn một cái là có cảm tình, tin cậy được. Nhưng đó là sự tin cậy trong sáng, chứ không phải có tà ý hay phải lòng gì" – Khánh Ly nhớ lại ấn tượng đầu tiên với Trịnh Công Sơn.
Về phía mình, Trịnh Công Sơn khẳng định cuộc gặp gỡ định mệnh ấy là may mắn cho cả hai: "Gặp gỡ ca sĩ Khánh Ly là một may mắn tình cờ, không phải riêng cho tôi mà còn cho cả Khánh Ly. Lúc gặp Khánh Ly đang hát ở Đà Lạt, lúc đó Khánh Ly chưa nổi tiếng nhưng tôi nghe qua giọng hát thấy phù hợp với những bài hát của mình đang viết và lúc đó tôi chưa tìm ra ca sĩ nào ngoài Khánh Ly".
Bẵng đi hai năm sau, tới một chiều năm 1967, Khánh Ly đang dạo bước trên đường Nguyễn Huệ (Sài Gòn) thì tình cờ gặp lại Trịnh Công Sơn và được ông mời đi hát tại sân cỏ của trường Văn Khoa - quán Văn (nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP.HCM). Chi tiết này trong phim đã được "cường điệu" hóa khi đẩy Trịnh Công Sơn gặp lại Khánh Ly khi nữ ca sĩ trong cảnh chăm con.
Đêm diễn tại Quán Văn chính là buổi diễn định mệnh, nơi Khánh Ly đi chân đất để hát những khúc tình ca bất hủ của Trịnh Công Sơn, được ông đứng đệm đàn phía sau, tạc nên tượng đài về "Nữ hoàng chân đất" in sâu trong lòng công chúng đến tận thời điểm hiện tại.
Khánh Ly hát cùng Trịnh Công Sơn ca khúc Mưa Hồng tại Quán Văn
Khánh Ly hồi tưởng: "Tôi chẳng biết mình hát cho ai, có tiền không, cứ nghe bảo là đồng ý đã. Đêm hát đầu tiên của tôi là năm 1967, trên sân cỏ của trường đại học Văn khoa. Tại đó, cỏ đá lởm chởm, ai đến thì ngồi xuống nghe, mỗi người một chỗ. Tôi vừa đến nơi thì choáng ngợp vì quá đông người, khiến tôi sợ hãi. Chưa bao giờ tôi thấy đông người đến thế. Cái sợ đó đeo đuổi tôi tới tận bây giờ. Bây giờ, cứ mỗi lần ra sân khấu, tôi vẫn run và sợ như thường.
Lúc đó, vì run quá nên tôi quyết định bỏ giày ra để đứng cho đỡ chông chênh. Tôi nhớ về thời còn đi chân đất chạy lông nhông ở Đà Lạt để lấy lại bình tĩnh. Đó là hành động tình cờ, chứ không phải chủ đích của tôi là bỏ giày. Tôi đâu dám nghĩ chuyện làm dáng, làm màu, chỉ tìm cách để hát được thôi. Tôi nhớ, lúc đó tôi còn không biết nhạc, không thuộc lời, hát trật lên trật xuống. Tôi sợ quá nên vịn vai ông Trịnh Công Sơn thì ông hất tay tôi ra nói: "Đứng hát cho đàng hoàng".
Trịnh Công Sơn và Khánh Ly trình diễn ở Quán Văn (Sài Gòn) vào khoảng năm 1967.
Và hình ảnh được tái hiện trên phim Em Và Trịnh.
Sau màn kết hợp này, cái tên Khánh Ly ngày càng trở nên nổi tiếng với các sáng tác của Trịnh Công Sơn. Bà trở thành một trong những giọng ca được săn đón nhất nhì tại các phòng trà ở Sài Gòn với mức thù lao rất cao. Bà cũng trở thành "bầu show" cũng như mở phòng trà của riêng mình, trở thành những trung tâm sinh hoạt văn nghệ thu hút đông đảo khán giả vào thời điểm bấy giờ.
Năm 1970, Khánh Ly được mời sang Nhật Bản và thu âm bản Diễm Xưa bằng cả tiếng Việt - Nhật, sân khấu trình diễn của bà thu hút hàng nghìn khán giả nước ngoài. Ca khúc Diễm Xưa trở thành một "hiện tượng" tại Nhật Bản với tên tiếng Nhật là Utsukushii Mukashi, thậm chí còn được đưa vào chương trình học của học sinh nơi đây.
Khánh Ly trình diễn ca khúc Diễm Xưa bằng tiếng Nhật tại Nhật Bản năm 1970
Sức ảnh hưởng của Khánh Ly với dòng nhạc Trịnh chắc chắn không thể nghĩ bàn. Hàng loạt tuyệt phẩm của Trịnh Công Sơn đã trở nên nổi tiếng gắn liền với giọng hát của bà, số lượng nhiều rất khó để thống kê nhưng tiêu biểu có thể kể đến: Diễm Xưa, Tuổi Đá Buồn, Mưa Hồng, Còn Tuổi Nào Cho Em, Hạ Trắng, Nhìn Những Mùa Thu Đi, Ru Em Từng Ngón Xuân Nồng,.... Bên cạnh đó, Khánh Ly cũng nổi tiếng với những sáng tác viết về đề tài phản chiến, xã hội của Trịnh Công Sơn tiêu biểu có thể kể đến ca khúc Nối Vòng Tay Lớn.
Nhiều thập niên trôi qua, công chúng vẫn luôn thắc mắc về mối quan hệ giữa Trịnh Công Sơn và Khánh Ly: liệu có chăng là tình yêu hay là tri kỉ trong âm nhạc? Khánh Ly chưa bao giờ nói yêu Trịnh Công Sơn, nhưng trong quá khứ bà cũng từng chia sẻ một tuyên bố đầy ẩn ý: "Tôi yêu Huế, bởi từ Huế tôi mới biết thế nào là tình yêu".
Trong một lần được hỏi trực tiếp về tình yêu với Trịnh Công Sơn, Khánh Ly nói: "Đến giờ, nhiều người vẫn hỏi tôi và Trịnh Công Sơn có yêu nhau không, có tình cảm nam nữ không. Tôi không thể trả lời được. Vì nếu đã tin thì không hỏi mà đã hỏi thì không tin, nên tôi có trả lời cũng đến thế thôi.Trịnh Công Sơn là người ban ơn cho tôi mà. Ơn của ông không thua gì ơn cha mẹ tôi. Cha mẹ tôi tạo hình hài cho tôi ra đời, nhưng ông Sơn mới là người nuôi sống đời sống của tôi sau này. Nếu gọi là bạn, thì tôi hơi hỗn với Trịnh Công Sơn. Tôi không xứng đáng là bạn ông Sơn. Ông Sơn như một người cha, người anh với tôi".
Mới đây, trong cuộc gặp gỡ báo chí nhân dịp trở về nước thực hiện chuyến lưu diễn Như Một Lời Chia Tay, Khánh Ly một lần nữa xác nhận mối quan hệ tình cảm giữa bà với cố nhạc sĩ đó là một tình cảm giống với tình cha - con: “Trịnh Công Sơn là người để cho tôi phải kính phục, xem ông như một người cha… Tôi không bao giờ dám hỗn với ông Sơn cả. Không bao giờ dám kiểu ngang vai phải lứa. Vì lúc tôi gặp ông Sơn, tôi nhỏ lắm. Và ông Sơn lúc đó rất nghiêm”.
Có thể thấy, Khánh Ly đã chọn một vị trí ở bên cạnh Trịnh Công Sơn: một tri âm trong nghệ thuật, một người học trò, một người con gái, một người bạn rất thân,... nhưng chắc hẳn không phải là tình yêu nam nữ đơn thuần. Có những tình cảm lớn hơn tình yêu, tạo nên những cảm xúc vô cùng đẹp đẽ mà Trịnh Công Sơn - Khánh Ly chính là minh chứng.
Nguồn: Tổng hợp