Câu chuyện đạo nhái ở Vpop năm 2018: Đến lúc khán giả cần thẳng tay từ chối những sản phẩm không "sạch"

Nguyệt Kiều, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 04/01/2019

Đến lúc câu chuyện đạo nhạc ở Vpop nên được khán giả phán xét khắt khe hơn để mang đến một môi trường cạnh tranh nghiêm túc, với những giá trị xứng đáng.

Năm 2018, khán giả đã quá quen thuộc với câu chuyện một ca khúc với giai điệu bắt tai vừa ra đời chưa được bao lâu thì đã bị đập vào một clip soi những phân đoạn giống hệt với một hoặc một vài bài hát khác. Có những soi mói là quá lố và vô cùng khiên cưỡng, nhưng cũng có những tác phẩm mà thậm chí không cần soi mói, chỉ cần nghe là đã biết tác giả "lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia". Câu chuyện đạo nhái không những không bị chặn đứng mà ngày càng được coi là quá sức bình thường, điều này gây ra nhiều hệ lụy đáng buồn cho một nền Vpop dù đã phát triển từ lâu nhưng vẫn còn non trẻ.

Khi mà những yếu tố đạo nhái không còn được thanh minh là "vô tình trùng hợp"

"Vô tình trùng hợp" là lời giải thích mà khán giả Vpop đã từng được nghe nhiều nhất mỗi khi xuất hiện hai bài hát có giai điệu gần gần giống nhau. Phải gọi là "đã từng", bởi vì trong năm qua xuất hiện rất nhiều phát ngôn để đời khác của các nhạc sĩ khi bình luận về những đứa con tinh thần được cho là hao hao giống… con nhà hàng xóm.

Chỉ trong vòng hai năm trở lại đây, khán giả nghe nhạc đã không ít lần chứng kiến những ca đạo nhạc từ công khai cho đến thầm lặng. Các chương trình thực tế như Sing My Song, Sao Đại Chiến, The Debut… luôn là địa chỉ nhận "gạch đá" quen thuộc từ fan Kpop. Năm 2017 ghi dấu một màn "liên hoàn đạo" của nhạc sĩ Phúc Bồ - người luôn được cộng đồng fan Kpop nói chung và fan nhóm nhạc Winner nói riêng réo tên mỗi lần Winner về Việt Nam biểu diễn. Trong hai tuần liên tiếp tham dự chương trình Sao Đại Chiến, Phúc Bồ đã gây tranh cãi khi hai sản phẩm anh đem dự thi đều có phần beat từ giống vừa vừa cho đến trùng khớp với hai ca khúc "Okey Dokey" và "Body" của Mino (Winner).

Sing My Song, vốn là một cuộc thi dành cho người sáng tác âm nhạc lại vướng 4 cáo buộc… đạo nhạc trong cả 4 số phát sóng. Câu chuyện trớ trêu nói trên còn chưa kịp nguội, lại có một thí sinh tham dự cuộc thi The Debut chắp vá hai bản hit đình đám "Instagram" (Dean) và "That XX" (G-Dragon) thành một ca khúc mới toanh.

Câu chuyện đạo nhái ở Vpop năm 2018: Đến lúc khán giả cần thẳng tay từ chối những sản phẩm không sạch - Ảnh 1.

Câu nói đùa "về đòi tiền bản quyền" dần dần thành câu cửa miệng của fan Kpop khi có tin Winner về Việt Nam biểu diễn.

Trong những vụ đạo nhạc… xuyên biên giới, tranh cãi thường sẽ không đến được tai những nghệ sĩ bị đạo nhái. Tuy nhiên, vẫn có một vài trường hợp hiếm hoi chủ nhân của những ca khúc gốc lên tiếng đòi công bằng cho đứa con tinh thần của mình.

Hồ Việt Trung có thể là một cái tên xa lạ với khán giả Việt, nhưng nam ca sĩ lại được nữ hoàng nhạc Trot Hàn Quốc Hong Jin Young "ưu ái" dành tặng một bài đăng trên tài khoản Instagram cá nhân có hơn 2 triệu lượt theo dõi. Cô đã bức xúc lên tiếng rằng ca khúc "Đừng giận anh nhé" của Hồ Việt Trung có giai điệu hoàn toàn giống với bản hit "Cheer up" đã phát hành năm 2014 của mình, tuy nhiên trong MV "Đừng giận anh nhé", người sáng tác lại là Hồ Việt Trung. Ekip của Hồ Việt Trung sau đó đã lên tiếng đính chính rằng "Đừng giận anh nhé" là ca khúc… nhạc Hàn lời Việt.

Câu chuyện đạo nhái ở Vpop năm 2018: Đến lúc khán giả cần thẳng tay từ chối những sản phẩm không sạch - Ảnh 2.

Nữ ca sĩ nhạc Trot Hong Jin Young lên tiếng về "Cheer Up" và "Đừng Giận Anh Nhé" trên Instagram. Sau khi vấp phải phản ứng nói trên, phần tên tác giả ở cuối MV đã bị che mờ.

"Đừng giận anh nhé" dính nghi vấn đạo nhạc hit "Cheer up"

Hay trong những ngày cuối năm 2018, ca khúc "Tình nhân ơi" (Orange, Binz) do nhạc sĩ Châu Đăng Khoa sáng tác đã trở thành mục tiêu săm soi mới của dư luận. Không ít khán giả mà nhất là khán giả 9x đời đầu, sau khi nghe ca khúc "Tình nhân ơi" đã cảm nhận được sự tương đồng trong giai điệu với "Nước mắt" – ca khúc phát hành 12 năm trước của nhóm nhạc V4Men. Tối 29/12, nhạc sĩ Châu Đăng Khoa đã công khai đoạn tin nhắn khá căng thẳng của anh với ca sĩ, nhạc sĩ Lee Jung Ho, cũng là cựu thành viên của nhóm nhạc V4Men về sự giống nhau giữa hai ca khúc nói trên. Tuy vậy, ở lập trường của nhạc sĩ Châu Đăng Khoa, anh cho rằng điệp khúc của 2 ca khúc "Tình nhân ơi" và "Nước mắt" chỉ giống nhau ở vòng hòa thanh.

Trong khoảng thời gian trước đây, im lặng trước cáo buộc hoặc dùng cụm từ "vô tình trùng hợp" là 2 cách xử sự thường thấy nhất của nghệ sĩ bị dính nghi án đạo nhái. Tuy nhiên trong năm 2018, có khá nhiều sản phẩm âm nhạc dính vào nghi án đạo nhái lại được biện hộ bằng những lí lẽ có phần bất chấp và ngây ngô.

Đó là khi Monstar quay trở lại đường đua Vpop với ca khúc "Hey Girl", không ít khán giả đã lên tiếng rằng MV của nhóm có nét tương đồng với hai MV của Winner, và nhà sản xuất đã nói về sự giống nhau này là "lúc sản xuất thấy giống nhau nhưng ở mức cho phép được".

Lùm xùm đạo nhái nổi tiếng nhất của năm nay chắc chắn thuộc về tam giác Trịnh Thăng Bình – Dương Khắc Linh – JayKii. Cụ thể, ca khúc "Đừng như thói quen" do nhạc sĩ Dương Khắc Linh sáng tác bị cho là giống với ca khúc "Đã biết sẽ có ngày hôm qua", một sáng tác cách đây khá lâu của Trịnh Thăng Bình. Sau đó, nhạc sĩ Dương Khắc Linh lại giải thích: "Nếu cách hát khác, người hát khác và lời khác thì đã thành một bài hát khác". Câu biện hộ để đời của nhạc sĩ Dương Khắc Linh đã nhanh chóng trở thành một trích dẫn nổi tiếng trong cộng đồng khán giả nghe nhạc Việt suốt 1 năm qua.

Từng nhớ Nam Em – cô nàng thị phi của showbiz Việt đã cho ra mắt một phim ngắn tình cảm dài hơn 13 phút mang tựa đề "Gọi tên nỗi đau" vào tháng 8. Nội dung của phim ngắn "Gọi tên nỗi đau" được lấy cảm hứng từ một bộ phim Hàn Quốc nổi tiếng, còn ca khúc OST do chính Nam Em sáng tác cũng được… lấy cảm hứng từ ca khúc "Đừng như thói quen" của nhạc sĩ Dương Khắc Linh. Khi được hỏi về phần giai điệu giống nhau, chính Nam Em cũng không ngại ngần thừa nhận rằng mình nghe ca khúc "Đừng như thói quen" xong và "thích quá nên mới sáng tác bài này".

Ca khúc "Đau Vì Yêu" được sáng tác bởi Nam Em (ở 10:33) có phần điệp khúc giống với Đừng Như Thói Quen, nói cách khác là giống với Đã Biết Sẽ Có Ngày Hôm Qua của Trịnh Thăng Bình.

Dù cáo buộc đạo nhái là đúng hay sai, dù những nghệ sĩ dính nghi án đạo nhái thừa nhận hay phủ nhận, điều dễ nhận thấy nhất ở đây là đạo nhái dường như đã trở thành một… trường phái mới của âm nhạc Việt Nam. Lời biện hộ "vô tình trùng hợp" đã dần được thay thế bằng những dạng thức khác, từ "lấy cảm hứng", "nghe nhiều nên nhập tâm" cho đến "giống ở mức cho phép được". "Trường phái âm nhạc" kì lạ và những lời biện hộ này được sinh ra khi tác giả mang tâm lý sáng tác hời hợt, và còn vì lí do nào khác?

Sự nhạy cảm của fan Kpop, US-UK là cơ hội tốt để các tác phẩm đạo nhạc trở nên nổi tiếng

Trở lại những năm về trước, khi mà đạo nhạc còn là câu chuyện nằm hẳn trong bóng tối, khán giả Việt vẫn chưa có quá nhiều hoài nghi về độ nguyên bản trong một sản phẩm âm nhạc. Bước vào thời kì mạng xã hội phát triển, các tác phẩm âm nhạc dễ dàng đến với khán giả hơn. Cùng lúc đó những nghi án đạo nhạc lại liên tiếp khuấy động vào thị trường âm nhạc Việt, nhưng là những khuấy động không hề mang tính tích cực nào.

Nhắc đến thành phần khán giả gay gắt và nhạy cảm bậc nhất với câu chuyện đạo nhạc, chúng ta phải kể ngay đến bộ phận fan Kpop và US –UK. Vốn là một cộng đồng fan trung thành và cuồng nhiệt, người hâm mộ hai nền âm nhạc lớn này sẵn sàng phản ứng đến cùng bằng những hành động tích cực lẫn tiêu cực để đòi lại công bằng cho thần tượng. Nếu như trong thời gian đầu, fan Kpop và US –UK giống như một cơn ác mộng mà những cá nhân đạo nhạc luôn sợ hãi khi gặp phải, thì dần dần họ lại tìm thấy một cơ hội mới trong chính những chỉ trích này.

Câu chuyện đạo nhái ở Vpop năm 2018: Đến lúc khán giả cần thẳng tay từ chối những sản phẩm không sạch - Ảnh 5.

Những bằng chứng so sánh về nghi án đạo nhạc luôn gây được chú ý trong dư luận. (Ảnh so sánh: WINNER LAND)

Sự nhạy cảm của cộng đồng fan Kpop và US – UK vô tình mang đến tiếng vang không hề nhỏ cho một tác phẩm âm nhạc dính nghi án đạo nhái. Những người hâm mộ của tác giả gốc trở thành anti fan lúc này lại là tác nhân kéo nhiệt độ của ca khúc vừa mới phát hành lên – điều mà đôi khi một số sản phẩm âm nhạc sạch sẽ lại không thể có được.

Hai khái niệm "Nghệ sĩ nổi tiếng bằng tai tiếng" và "Nghệ sĩ nổi tiếng bằng âm nhạc" dường như đã bị chính các cá nhân đạo nhạc trộn lẫn vào nhau. Càng lợi dụng tình cảm của khán giả dành cho một người làm nghệ thuật khác càng dễ dàng nổi tiếng, và sự nhạy cảm của khán giả trong trường hợp này đã trở thành một chiêu thức nổi tiếng hấp dẫn mà những người làm nghệ thuật giả dối cố sức vin vào.

Vì một môt trường âm nhạc công bằng, đến lúc khán giả nên mạnh tay hơn với các hiện trạng đạo nhái

Cách thức nghệ sĩ không tôn trọng chất xám của người khác là một chuyện, còn một câu chuyện nhức nhối nữa cần phải lưu tâm: cách khán giả Việt phản ứng còn quá nhẹ nhàng với scandal đạo nhái.

Nhìn sang làng giải trí ở Hàn Quốc, nơi mà âm nhạc là cả một nền công nghiệp với lợi nhuận khổng lồ cùng hàng trăm ngàn người sống bằng âm nhạc, chúng ta luôn có thể dễ dàng nhìn thấy một quy luật đào thải vô cùng khắc nghiệt. Bất cứ scandal nào dù là về đời tư, cách ứng xử, đạo nhái… đều có thể dẫn tới tấm vé một chiều đưa nghệ sĩ ra khỏi vòng giải trí và vĩnh viễn không có cơ hội quay đầu.

Khán giả Hàn Quốc được cho rằng "thù dai nhớ lâu", nhưng họ cũng rất công bằng. Không một trường hợp đạo nhái nào được phát hiện lại có thể sống sót, bởi theo họ đó là một sự sỉ nhục và là minh chứng cho nhân cách làm nghề vô cùng tồi tệ, không ai đi lên được bằng scandal.

Còn ở Việt Nam thì khán giả vẫn chưa mạnh tay phán xét những trường hợp đạo nhái. Chính điều này đã góp phần nuôi dưỡng một thế hệ nhạc sĩ, ca sĩ có tư duy thiếu trách nhiệm và thừa lười biếng. Trong suy nghĩ của những tác giả này, chỉ cần có scandal thì tên tuổi sẽ nhanh chóng được hâm nóng, việc gì phải lao động nghệ thuật một cách tận tâm?

Sự giống nhau giữa "Đừng như thói quen" và 2 ca khúc của Trịnh Thăng Bình

Câu chuyện đạo nhái ở Vpop năm 2018: Đến lúc khán giả cần thẳng tay từ chối những sản phẩm không sạch - Ảnh 7.

Đừng Như Thói Quen – ca khúc được hơn 90% khán giả cho rằng đạo nhạc vẫn chễm chệ trên các bảng xếp hạng âm nhạc bởi vì giai điệu dễ đi vào lòng người.

"Thương cho roi cho vọt" là điều cần thiết với khán giả và những người tâm huyết với nhạc Việt trong thời điểm đang muốn phát triển. Là đối tượng hưởng thụ giá trị nghệ thuật, khán giả có quyền phán xét tác giả và đứa con tinh thần của họ, khán giả cũng có quyền từ chối đón nhận nếu như đứa con tinh thần đó là một sản phẩm không trọn vẹn hình hài.

Hành động đó không nhằm triệt đường sống của bất cứ ai, mà là một hình thức "gột rửa" để nền âm nhạc Việt Nam càng ngày càng văn minh, lành mạnh. Để làm được điều đó, bên cạnh đôi tai nghe nhạc, khán giả cũng phải trang bị cho mình kiến thức về xâm phạm bản quyền. Hoặc ít nhất, công chúng nghe nhạc phải hiểu được rằng một ca khúc đạo nhái dù hay đến mấy cũng là sản phẩm của một hành động vi phạm cả đạo đức lẫn luật pháp, và điều đó không được chấp nhận ở bất cứ xã hội tiến bộ nào.

Nghệ sĩ đạo nhái không đơn giản là không tôn trọng người khác, mà còn không tôn trọng bản thân mình

Những yếu tố đạo nhái trong làng nhạc Việt càng ngày càng dễ dàng nhận thấy. Bắt đầu là một vòng hợp âm, vài ý tứ, sau đó dần dần là cả một đoạn nhạc vừa nghe đã nhận ra đến mức cụm từ "vô tình trùng hợp" trở nên lố bịch.

Nếu nói trên đời chỉ có chừng đó vòng hợp âm và bảy nốt nhạc cơ bản dùng mãi cũng cạn, vậy thì tại sao những nền âm nhạc khác quy mô lớn gấp nhiều lần Vpop lại có thể sản sinh ra vô số những giai điệu mới từng ngày từng giờ?

Nếu sự trùng hợp dễ dàng nhận ra đến thế thì tại sao người làm nghệ thuật vẫn đưa vào, và tại sao chỉ có khán giả là nhận ra điều đó?

Nếu không phải cố tình, có lẽ nào bản thân người sáng tác và những người trong ngành đều nhốt mình trong studio và không tiếp xúc với thế giới bên ngoài nên không thể phát hiện những "vô tình trùng hợp" mà khán giả có thể phát hiện ra ngay lập tức?

Những nhạc sĩ, ca sĩ dính nghi án đạo nhái cũng nên thôi mang lí do khán giả quá cảm tính để biện minh và trách cứ. Nghệ thuật chính là cảm tính. Hơn ai hết, bản thân người nghệ sĩ chắc chắn phải hiểu rõ điều này.

Câu chuyện đạo nhái ở Vpop năm 2018: Đến lúc khán giả cần thẳng tay từ chối những sản phẩm không sạch - Ảnh 8.

Khán giả là những người có đôi tai thần kì còn nhạc sĩ, ca sĩ thì không?

Trong nghệ thuật, hành vi đạo nhái là thiếu tự tôn nghề nghiệp, thiếu tôn trọng người bị đánh cắp trí tuệ và thiếu tôn trọng cả khán giả. Nhưng đạo nhạc trắng trợn, ngồi chờ khán giả đẩy tác phẩm và tên tuổi của mình lên bằng những làn sóng phẫn nộ, sau đó lại trú ngụ trong sự phán xét "nhẹ tay" của khán giả, có lẽ các "đạo sĩ" cũng đã không tôn trọng chính bản thân mình. Phải nghi ngờ và thiếu tự tin vào tài năng thực sự của mình bao nhiêu họ mới sẵn sàng dùng chiêu trò để nổi tiếng trong một đêm, dù sự nổi tiếng đó không tồn tại lâu dài và cũng chẳng mang đến quá nhiều điều tốt đẹp?