Người ta thường bảo, bao nhiêu sơn hào hải vị cũng không bằng bữa cơm nhà quây quần bên bố mẹ, anh chị em, nhưng có lẽ với chàng trai trong câu chuyện này, mọi thứ lại trái ngược hoàn toàn.
Được đăng tải trên Weibo, bài viết tâm sự về những bữa cơm “như tra tấn” của chàng trai người Trung Quốc suốt từ nhỏ cho đến thời niên thiếu đã gây xôn xao MXH châu Á. Từ bà, cho đến bố, mẹ của anh chàng đều nấu ăn không ngon, chỉ biết nấu đi nấu lại vài món, có khi phải cố ăn để giữ hoà khí gia đình… Đối với anh ta mà nói, những bữa cơm nhà là ác mộng, dù tỉnh cũng không quên. Đối với những người khác, đọc từng lời chia sẽ cũng cảm thấy thống khổ thay.
*Người dịch: Du Du/ Weibo Việt Nam.
Đây là một câu chuyện buồn và dài - Cả nhà nấu ăn dở…
Từ hồi mẫu giáo cho tới khi tốt nghiệp trung học, mỗi sáng bố mẹ đều nấu cho tôi một gói mì tôm vị thịt kho tàu, đến cả vị cũng không đổi, mãi tới khi tôi lên cấp 3, ở tại trường thì mới ăn tại nhà ăn của trường.
Dù sao thì hiện tại tôi vẫn sống nhăn răng, cũng không nảy sinh cảm giác “ám ảnh” đối với mì tôm, vẫn luôn rất thích các hương vị của nó.
Bữa trưa cơ bản là món trứng sốt cà chua và khoai tây xào luân phiên thay đổi, đã ăn mười mấy năm, gần như là chưa từng đổi sang món khác. Nhà tôi mỗi ngày sẽ nấu 3 món, bố mẹ tự làm món họ thích, sau đó sẽ nấu cho tôi một món trứng sốt cà chua hoặc khoai tây xào.
Nói sao đây nhỉ, đồ họ nấu khó ăn kinh khủng, trừ hai món này ra thì những món khác tôi đều không tài nào nuốt nổi, vẫn là hai món này ok nhất.
Dù thế, tôi vẫn thường xuyên phải chịu khổ sở đôi chút . Bố tôi tự biết bản thân nấu ăn không ngon, thế nên luôn nấu theo cách thông thường, không thay đổi, vậy nên mấy món của bố vẫn có thể tạm ăn được. Nhưng mẹ tôi lại không như vậy, có đôi lúc bà cứ nhất định phải bày vẽ, sáng tạo. Có đôi khi mẹ muốn đổi trứng gà thành trứng vịt, thế là sinh ra món cà chua xào trứng vịt, thử hỏi các bạn có thấy sợ không nào? Tôi thích ăn trứng sốt cà chua, mẹ tôi thích ăn trứng xào rau hẹ, bố tôi lại thích món trứng xào ớt xanh mộc nhĩ. Có một hôm bố không có thời gian nấu cơm, vì để giảm bớt công đoạn nên ông ấy dứt khoát đem trứng xào chung với cà chua, rau hẹ, ớt xanh, mộc nhĩ. À phải rồi, còn cho thêm cả khoai tây xào còn thừa từ hôm trước. Bã sữa đậu nành sau khi lọc, lại được cho thêm vào trứng, làm thành món trứng chưng…
Ảnh minh hoạ
Nấu cơm dở thì cũng đành, đằng này thái đồ ăn cũng thật là ba chấm… Mỗi lần mẹ tôi thái khoai tây thì đều giống như biểu tượng của McDonald’s vậy, hơn nữa còn không đều nhau, to thì to quá mà nhỏ thì lại nhỏ quá.
Ngoại trừ hai món trứng sốt cà chua và khoai tây xào, bố mẹ tôi vẫn còn hai “món tủ đặc sắc” khác: 1 là xúc xích rán, 2 là màn thầu xào. Rán xúc xích thường sẽ không gặp khó khăn gì, dẫu sao thì đến muối cũng không cần thêm, tôi lại thích ăn hơi cháy một chút, thế nên dù có bị rán cháy khét thì tôi vẫn thấy ok. Xào màn thầu thì cần khá nhiều kĩ thuật rồi, phải thêm muối, hơn nữa thông thường phải xào cùng với trứng. Thứ mà tôi thường được ăn chính là bánh màn thầu đã mất hết mùi vị, xào với trứng đến mặn chát…
Bởi vì kĩ thuật nấu ăn của họ như vậy, cho nên tôi luôn tưởng rằng mình rất kén ăn, tôi ghét hầu hết các loại rau, mãi cho tới khi lên cấp 3 ăn cơm ở nhà ăn của trường, tôi mới phát hiện, thực ra tôi chính là kiểu người không kén ăn nhất trần đời.
Những đồ mà hồi nhỏ tôi ăn thậm chí đến mức nôn ra, đều được đầu bếp ở nhà ăn “khai sáng”, nào là hành tây, mướp, ngồng tỏi, đậu đũa, súp lơ, ớt chuông, cải thảo, cải thìa, rau chân vịt (đã lược bớt một số loại rau xanh)... Tôi không nói quá chút nào đâu, mấy loại rau này bố mẹ tôi nấu, tôi ăn xong thật sự là đều từng nôn ra cả.
Ấn tượng sâu đậm nhất đối với tôi là mướp. Tôi từ nhỏ đã rất nghe lời, mặc dù không thích ăn nhưng nếu bố mẹ muốn, tôi nhất định sẽ nhắm mắt nhắm mũi ăn. Khi đó còn học tiểu học, họ múc cho tôi một bát mướp xào, tôi lén lấy chút nước ấm, giống như là uống thuốc vậy, cứ từng miếng từng miếng nuốt xuống. Nhưng sau đó bố mẹ cảm thấy tôi không thể nào lại ngoan ngoãn nghe lời ăn hết sạch sẽ như vậy được, liền một mực khẳng định rằng tôi nhất định đã lén đổ đi đâu đó rồi (bây giờ nghĩ lại, bọn họ cũng tự thấy rằng nhai như bình thường để nuốt căn bản là không thể..). Tôi thực sự oan ức vô cùng, từ đó đối với mướp sinh ra bóng đen tâm lí rất lớn.
Mãi cho đến mấy năm trước có lần đi công tác, trong bữa ăn có một người gọi món canh mướp, nhất định muốn chúng tôi lần lượt nếm thử. Tôi quả thực không thể khước từ, đành miễn cưỡng gắp một miếng - vậy mà lại phát hiện mướp cũng có thể ăn được!
(Bổ sung 1 chút nhé, những món tôi nhắc đến ở trên đều là đồ ăn chay, nhà tôi không hay nấu các món thịt, bởi vì… nói sao đây nhỉ, đồ chay cùng lắm là khó ăn, còn thịt nếu làm không tốt còn có thể xảy ra vấn đề về an toàn vệ sinh. Mỗi lần trong nhà đun thịt, tôi đều sợ rằng thịt đun chưa chín sẽ có ký sinh trùng trong đó. Trẻ con thì thường dễ nghĩ nhiều mà, cho nên nhiều lần ăn phải thịt khó nuốt, tôi đều tưởng tượng rằng mình sẽ chết bởi ngộ độc thức ăn).
Ảnh minh hoạ.
Cả nhà đều biết tôi thích ăn cá, thật ra nguyên nhân là vì nếu như tôi nói muốn ăn thịt, bố mẹ tôi sẽ tự mua về làm (thứ lỗi cho tôi nói thẳng rằng tôi thực sự sợ chết), bọn họ không biết làm cá, cho nên nếu tôi nói muốn ăn cá, họ sẽ mua cá nấu sẵn ở tiệm. Nói thật, mỗi lần họ mua cá về, bất kể là cá sốt chua ngọt hay cá hấp, tôi đều chén sạch bong không sót miếng nào.
Tất nhiên, thứ nhất là điều kiện gia đình khi đó không cho phép ăn cá thường xuyên, thứ hai là bố mẹ mặc dù nấu ăn không ngon, nhưng đối với vấn đề vệ sinh và lành mạnh của đồ ăn bên ngoài thì vẫn rất không yên tâm. Thế nên tôi cũng không được ăn cá thường xuyên.
Khi đi ăn ngoài, tôi sợ nhất là gặp ba chữ “món nhà làm” trên thực đơn, món nhà làm đối với tôi mà nói là một cái gì đó vô cùng khủng khiếp, lại còn cái gì mà “có hương vị của mẹ”, tôi tuyệt đối sẽ sinh ra bóng đen tâm lý.
Sau khi tôi lên đại học, trong nhà hầu như không còn hơi ấm của bếp nữa. Mẹ tôi ăn cơm ở nhà ăn trong công ty, bố thì ăn sáng ở quán, buổi trưa đều tới nhà bà nội ăn một bữa, bố thường không hay ăn tối.
Bà tôi nấu ăn cũng dở. Mỗi năm ngày Tt đều ăn sủi cảo, đối với tôi mà nói chính là ăn để hoàn thành nhiệm vụ, mỗi cái bánh đều trực tiếp nuốt chửng, tuyệt đối không được nhai, nhai một phát là thấy ớn ngay.
Bà chỉ biết làm một loại nhân sủi cảo, à nhân thịt lợn củ cải trắng. Tôi viết ra mấy từ này mà còn run rẩy, dường như có mùi của nhân sủi cảo từ màn hình bay ra vậy.
Ở đơn vị của bác tôi vào dịp Tết sẽ phát rất nhiều đồ, bác ấy thường mang về cho bà nội. Có năm bác mang về cho bà nửa con dê con. Tết năm đó bà nội vô cùng vui vẻ, bận tới bận lui, chiên, xào, luộc, hấp, nướng, các cách đều dùng hết cả rồi. Cuối cùng đến khi hết Tết cũng đã xử lý xong nửa con dê đó.
Năm đó cực kỳ kinh hoàng, chúng tôi ăn sủi cảo nhân thịt dê củ cải trắng, uống canh thịt dê không cho muối, còn có các loại đồ ăn chế biến từ thịt dê, mọi người trong nhà hầu như đều thành mắc chứng sợ dê... Bác trai tôi cảm thán mấy hồi, thịt dê này vốn là thịt dê ngon, vậy mà ăn đến mức ám ảnh.
Dù sao sau đó bác ấy nói đơn vị không phát thịt dê nữa, chúng tôi cũng không biết rốt cuộc là thật sự không phát, hay là…
-----
Món duy nhất bà làm mà tôi cảm thấy ngon đó là món bánh rán, nên mỗi lần tôi về nhà bà đều rán bánh cho tôi ăn, còn vô cùng đắc ý vì tôi thích ăn đến vậy.
Thế nhưng vấn đề là… bà rán một lần bánh, vì để không lãng phí chảo rán, nên ngày thứ hai vẫn rán vào chảo đó. Ôi trời ơi, bánh của bà theo lời bác trai nói thì là có thể ăn tới mức xuất huyết dạ dày – hầu như không cho dầu, cứng đến mức đâm thủng cả dạ dày luôn.
Có người ăn cơm để hưởng thụ, có người ăn cơm để sống, còn nhà tôi ăn cơm, đặc biệt là ăn cơm ở nhà bà tôi, hoàn toàn là vì lòng hiếu thảo.
Ông bà có tổng cộng 3 người con, 5 đứa cháu, mỗi lần chúng tôi ở nhà bà ăn cơm, đặc biệt là vào ngày lễ lớn, trước bữa cơm đều bị các ông bố lén dạy dỗ, không cho phép chúng tôi biểu lộ ra là không thích ăn, không được ăn quá ít, không được bỏ thừa đồ ăn, như vậy bà sẽ rất buồn: “Các con một năm chỉ có mấy lần, chịu ấm ức một chút để bà được vui thì có sao, nghĩ xem ba anh em chúng ta năm đó mỗi bữa đều như thế, chẳng phải đều vẫn trải qua được hay sao?”.
Thế là mỗi năm, việc ăn mấy cái sủi cảo trở thành chỉ tiêu mức độ để đánh giá xem con ai hiếu thuận hơn của ba anh em họ... Có một năm, tôi cùng mọi người trong nhà uống rượu, uống hơi nhiều nên đã không ăn sủi cảo (thông thường đều là cố nuốt, nhưng lần đó đã có tí hơi men, tôi cứ khẳng định bản thân ăn vào sẽ nôn ra mất, nhất quyết không chịu ăn). Năm đó thím tôi mấy lần dương dương tự đắc khoe với mẹ tôi rằng con bà ấy đã ăn hết mười mấy cái sủi cảo, còn tôi ngay cả một cái cũng không ăn.
Bà nội thường sẽ nói: “Mấy đứa cháu nội này của ta thật sự rất ngoan, đều ngoan như nhau cả. Hồi còn nhỏ thường ở nhà bà ăn cơm, ăn như thể uống thuốc vậy, phải đuổi, phải mắng rồi ép ăn mới chịu ăn. Bây giờ lớn rồi thì không thường tới đây nữa, nhưng ngược lại mỗi đứa đều rất thích món bà nấu, đều có thể ăn rất nhiều”.
Mỗi lần như thế, chúng tôi đều tự cười thầm với nhau: “Không chắc đâu bà ơi, là do chúng con càng lớn càng hiểu chuyện đó”.
Ảnh minh hoạ
-----
Mỗi năm sau bữa ăn đêm giao thừa, tiết mục không đổi của đại gia đình tôi đó chính là ba người con trai của bà “tranh nhau” mang sủi cảo mà người mẹ già đã vất vả gói về nhà. Thường thì mỗi nhà có thể “tranh” đến gần 100 cái mang về.
Nói sao đây nhỉ, dẫu sao cũng là xuất thân từ gia đình nghèo khó, đồ khó ăn đến đâu chỉ cần chưa bị hỏng thì cũng đều không nỡ vứt. Bố mẹ tôi vì muốn tôi giúp họ xử lý hết chỗ sủi cảo, sẽ đem sủi cảo nấu với mì tôm… Nghe như vậy có phải thấy rất ngon không? Đợt Tết mỗi năm tôi đều sẽ phải ăn như vậy nguyên một tuần…
Yêu cầu của tôi đối với đồ ăn quả thực rất thấp…Chỉ cần là đồ ăn vào không chết người, tôi đều có thể ăn ngon lành. Hầu hết các món ăn đối với tôi đều là món ngon cả. Hồi trưa vừa gọi điện hỏi thăm bà nội, bà lại phàn nàn mẹ tôi không nấu cơm cho bố ăn, hại bố mỗi ngày đều phải tới nhà bà ăn cơm (không phải nhưng mà, đồ mẹ nấu cũng chỉ có mẹ mới miễn cưỡng nuốt được thôi...)
Mẹ, bà và bản thân mình, nếu nhất định phải chọn một, bố tôi vẫn là chọn bà nội rồi.
Ảnh dưới đây là bữa cơm giao thừa nhà tôi, trừ dưa chuột và rau, còn lại đều là đồ mua sẵn, lạnh tanh...
Dưới phần bình luận của bài viết, hàng chục nghìn người đã để lại những chia sẻ đồng cảm, có cả không ít tranh cãi về câu chuyện của chàng trai. Ngoài những người thấu hiểu thì cũng có một số cho rằng sau bao năm như vậy, ít nhất thì anh ta cũng nên tự học nấu nướng để vào bếp nấu cho mình, cho cả nhà, thay vì chỉ nhu nhược chịu đựng và rồi kêu than. Người cảm thông hơn thì cho rằng có lẽ anh chàng cũng sẽ… không khác bố mẹ là mấy. Dù thế nào thì, có người thân nấu ăn dở, bản thân cũng không tháo vát thì vẫn là một… bất hạnh trong đời.
Còn bạn, bạn nghĩ sao về câu chuyện này?
Nguồn: Du Du/ Weibo Việt Nam.