Cắt bỏ 4 thói quen tiêu xài hoang phí, cô gái U30 tiết kiệm hơn 6 triệu đồng/tháng

Vân Anh, Theo Phụ nữ số 00:01 23/12/2023
Chia sẻ

Covid-19 từng lấy hết tiền tiết kiệm của cô gái này song đổi lại là nhiều bài học tài chính.

Minh Minh đang sinh sống tại thành phố Phúc Kiến (Trung Quốc). Năm 2019, khi còn chưa biết đến quản lý tài chính, cô nàng kiếm được 3.000 NTD (~10 triệu đồng), nhưng có tháng cô tiêu đến 5.000 NDT (~17 triệu đồng).

"Luôn hết tiền trước kỳ nhận lương tiếp theo là tình trạng ví của tôi", Minh Minh cho hay.

Sau đó, Minh Minh bắt bản thân phải ghi chép lại các khoản chi tiêu cụ thể vào bảng tính excel và tiết kiệm được 1.000 NDT (~3,3 triệu đồng) hàng tháng. Cứ như thế chỉ sau một năm, cô nàng đã có khoản để dành hơn 10.000 NDT (~34 triệu đồng).

Tuy nhiên, trải qua hai năm dịch bệnh Covid-19, tất cả tiền dành dụm này của Minh Minh đã hết sạch. Bởi công việc của cô bị ảnh hưởng, đồng thời chính chủ phải tự trả nhiều chi phí chữa bệnh phát sinh.

Đi qua thời gian khó khăn thế nên Minh Minh càng học được cách thắt chặt chi tiêu trong cuộc sống hàng ngày. Khi Covid-19 vẫn còn diễn ra, từ số tiền dành cho chi phí sinh hoạt ban đầu là 2.000 NDT/tháng (~6,7 triệu đồng), cô gái giảm mức chi tiêu xuống còn 800 NDT (~2,7 triệu đồng).

Khi dịch bệnh Covid-19 đã đi qua, công việc của Minh Minh đã đi vào ổn định. Tuy nhiên, cô nàng cảm thấy may mắn vì đã học được cách chỉ tiêu 1.000 NDT/tháng (~3,4 triệu đồng).

Cắt bỏ 4 thói quen tiêu xài hoang phí, cô gái U30 tiết kiệm hơn 6 triệu đồng/tháng - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Dưới đây là những thói quen chi tiêu mà Minh Minh vẫn còn giữ để duy trì lối sống tối giản, đồng thời tiết kiệm hơn 2.000 NDT/tháng (~6,7 triệu đồng) từ thu nhập hàng tháng.

1. Ngừng mua đồ ăn vặt

Sau dịch bệnh, sức khỏe của Minh Minh đã suy giảm rất nhiều. Cũng vì thế với cô gái này, cắt giảm hoàn toàn đồ ăn vặt khỏi cuộc sống không chỉ để bảo vệ ví tiền mà còn rất tốt cho sức khỏe, đồng thời khiến cơ thể nhẹ nhàng và linh hoạt hơn.

2. Ngừng tích trữ đồ đạc

Khi lướt các trang mạng xã hội Trung Quốc, không khó để bạn bắt gặp các video chia sẻ về người trẻ mua một đống đồ đạc chất ở nhà, chỉ dùng chúng 1-2 lần sau đó không bao giờ chạm đến.

Với Minh Minh, các clip "đập hộp" này từng kích thích nhu cầu mua sắm từ đó khiến cô nàng tiêu xài hoang phí. "Tuy nhiên, chúng ta không cần thiết sở hữu nhiều đồ như thế để có cuộc sống tốt hơn. Có ý nghĩa hay không nếu trong nhà bạn chất đống đồ nội thất nhưng bạn còn không trả đủ tiền thuê nhà?

Nếu muốn tiết kiệm tiền, bây giờ bạn hãy sắp xếp tất cả các vật dụng trong nhà. Sau đó, bạn chỉ cần giữ lại những món đồ ưng ý và hữu dụng nhất. Bạn có thể nhận ra rằng mình không cần quá nhiều đồ đạc nhưng vẫn sống tốt. Đây cũng là bài học lớn nhất mà Covid-19 đã dạy cho tôi", Minh Minh nói.

Cắt bỏ 4 thói quen tiêu xài hoang phí, cô gái U30 tiết kiệm hơn 6 triệu đồng/tháng - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

3. Giảm nhu cầu mua sắm không cần thiết

Theo Minh Minh, nền kinh tế đang đi xuống và điều chúng ta nên làm nhất là bảo vệ ví tiền của mình. Nếu có tiền, bạn hãy đi mua vàng hoặc trái phiếu - những tài sản không dễ mất giá trị và có tính thanh khoản cao.

Đồng thời, đừng bao giờ tùy tiện vung tiền lương vào các nhu cầu mua sắm không cần thiết như mua liền 6 bộ quần áo, hay 5 màu son đỏ… Trong cuộc sống hàng ngày, nếu thực sự cần sở hữu món đồ mới nào, Minh Minh khuyên bạn nên tìm mã giảm giá, hoặc so sánh cẩn thận giá tiền giữa các nền tảng trước khi chính thức "chốt đơn" mang chúng về nhà.

4. Giảm thời gian giải trí và bắt đầu kiếm nhiều tiền hơn

"Tiền cũng giống như thời gian, cái nào cũng đều quan trọng", Minh Minh nhấn mạnh.

Cô nhận thấy thời gian rất công bằng vì mỗi người đều có 24 tiếng mỗi ngày. Cũng vì thế, bạn nên giảm thời gian để giải trí như chơi game, lướt các nền tảng mạng xã hội… để bắt đầu tích luỹ kinh nghiệm và kiến thức cho cá nhân, chẳng hạn như đọc sách, học hỏi thêm kỹ năng mới. Ở thời điểm hiện tại, Minh Minh cho rằng ai cũng nên có một khoản thu nhập từ kinh doanh. Nhờ đó, bạn sẽ không mang gánh nặng tài chính quá lớn nếu chẳng may bị mất việc hay bệnh nặng.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày