Sau 3 tháng bắt đầu học cách kiểm soát chi tiêu, cho "tiết kiệm" vào vị trí số 1 trong danh sách những mục tiêu cần ưu tiên trong cuộc sống, Diễm Châu - Cô nàng 26 tuổi đến từ Thẩm Quyến (Trung Quốc) đã tìm ra "thủ phạm ăn cắp" tiền của mình.
"Mọi thứ trên đời này đều có công dụng của riêng nó, nhưng với mục tiêu tiết kiệm ở mức tối đa, chi tiêu ở mức tối thiểu, tôi nhận ra những món đồ này thực sự vô nghĩa với mình" - Diễm Châu chia sẻ.
Sau đó, cô bạn này đã "chỉ mặt điểm tên" 5 món đồ mà cô đã tốn kha khá tiền để rước về… mà chẳng để làm gì.
Diễm Châu có một tình yêu bất diệt với các loại túi xách. Trong năm vừa qua, cô bạn này đã mua 8 chiếc túi xách đủ size của các thương hiệu từ tầm trung tới cao cấp. Số lượng túi xách mà Diễm Châu đang sở hữu lên tới 17 chiếc.
Nhìn những chiếc túi nằm gọn một góc trong tủ, Diễm Châu nhận bản thân chỉ thường xuyên dùng 3/17 chiếc túi xách mà mình đang có.
"3 chiếc túi xách tôi thường xuyên đeo đi làm, đi chơi là những chiếc túi có kích thước đủ lớn để đựng được ví, sổ tay, điện thoại và máy tính bảng".
Diễm Châu còn cho biết thêm những chiếc túi chẳng mấy khi được cô sử dụng là túi size nhỏ, có chiếc chỉ đựng được vài thỏi son cùng mấy chiếc thẻ ngân hàng, có chiếc to hơn một chút nhưng cũng không thể đựng vừa điện thoại.
Diễm Châu mua những chiếc túi xách size nhỏ một phần vì trông chúng dễ thương, một phần vì cô nghĩ rằng đeo chúng ra ngoài sẽ tiện lợi hơn nhưng thực tế cho thấy điều hoàn toàn ngược lại.
Diễm Châu đang làm việc trong ngành Du lịch. Tính chất công việc thường xuyên phải đi công tác khiến cô bạn này hình thành thói quen "kết thân toàn phần" với đồ lót mặc 1 lần.
Nếu phần lớn các cô gái khác chỉ thi thoảng mới sử dụng đồ lót mặc 1 lần khi đi du lịch, thì Diễm Châu lại dùng sản phẩm này hàng ngày. Lý do khiến Diễm Châu lựa chọn kết thân với đồ lót mặc 1 lần rất dễ hiểu: Tiện lợi và không tốn sức, tốn thời gian giặt giũ, phơi phóng.
Cô bạn 26 tuổi này thường mua đồ lót dùng 1 lần theo bịch, mỗi bịch 10 chiếc. 93 NDT (khoảng 316 nghìn đồng) là số tiền mà Diễm Châu chi cho đồ lót dùng 1 lần mỗi tháng.
"Tôi đã trung thành với đồ lót dùng 1 lần suốt 18 tháng qua. Thói quen này đã ngốn của tôi tới 1674 NDT (khoảng 5,6 triệu đồng)" - Diễm Châu chia sẻ.
So với việc mua đồ lót bình thường, đồ lót dùng một lần không hề rẻ nếu dùng thường xuyên. Diễm Châu đã nhận ra điều đó và từ bỏ "sự trung thành" với mặt hàng tiện lợi nhưng lại gây tốn kém này.
Đồng hồ treo tường, đồng hồ báo thức, đèn nháy và sách giả là 3 món đồ trang trí mà Diễm Châu gọi là "đẹp và vô dụng". Nói cách khác, ngoài công dụng để trang trí ra thì chúng chẳng có tác dụng gì khác.
"Tôi chỉ xem giờ giấc và đặt báo thức bằng điện thoại nhưng nhà tôi có tới 3 chiếc đồng hồ, 1 chiếc treo trong phòng ngủ, 1 chiếc treo ngoài phòng khách và 1 chiếc đặt đầu giường. Tôi mua chúng về chỉ vì thấy khoảng tường này trống quá, cần treo gì đó lên cho đẹp, đồng hồ báo thức cũng vậy. Chúng thậm chí đã hết pin mấy tháng nay mà tôi còn chẳng thèm thay vì có bao giờ nhìn đâu" - Diễm Châu tự thú.
Sau khi rà soát lại chi tiêu, Diễm Châu nhận ra có những tháng, cô tiêu tới 193 NDT (khoảng 657 nghìn đồng) cho những chai nước khoáng và nước ép trong cửa hàng tiện lợi. Diễm Châu vốn luôn nghĩ một chai nước khoáng hoặc nước ép chẳng đáng bao nhiêu tiền, nhưng vì cô mua chúng mỗi ngày nên số tiền bỏ ra cho mặt hàng này không hề nhỏ.
Hiện tại, Diễm Châu đã hình thành thói quen luôn xách theo bình nước cá nhân mỗi khi ra đường và tuyệt đối không bén mảng tới cửa hàng tiện lợi nữa.
Diễm Châu thích nấu nướng, hiếm khi ăn ngoài. Đam mê này giúp Diễm Châu tiết kiệm được một khoản kha khá vì chẳng mấy khi đặt đồ ăn về nhà, nhưng nó lại gây tốn kém theo cách khác. Tự nhận mình là người duy mỹ, thích mọi thứ luôn phải đẹp, kể cả đó chỉ là một quả trứng ốp la, nên Diễm Châu đã tốn không biết bao nhiêu tiền cho mặt hàng bát đĩa.
Hiện tại, Diễm Châu sống một mình nhưng cô có tới 12 chiếc bát ăn, 7 chiếc bát ô tô, 11 chiếc đĩa, 5 chiếc cốc/ly; còn số lượng đũa, dĩa và thìa thì "không đếm xuể".
"Suy cho cùng, bát đĩa đẹp đến đâu thì cũng chỉ để đựng đồ ăn, cốc cũng chỉ để đựng nước. Mua bát đĩa với số lượng vượt quá nhu cầu sử dụng thực sự là hành vi quá vô nghĩa" - Diễm Châu tự rút ra bài học.
Để "hoàn vốn" từ những khoản chi có phần thừa thãi này, Diễm Châu đã đăng bán những món đồ mình không thường xuyên sử dụng trên chợ đồ cũ. Ế ẩm nhất là những chiếc túi xách size siêu nhỏ. Diễm Châu cho biết chẳng có ai "chốt đơn" sau khi hỏi size vì chúng quá bé nên thành ra vô nghĩa.
Hiện tại, Diễm Châu chỉ giữ lại 2 chiếc bát ăn, 2 chiếc bát ô tô, 2 chiếc đĩa và 2 chiếc ly. 17 chiếc túi xách vẫn còn nguyên trong tủ và cô bạn cho biết bản thân đã từ bỏ ý định thanh lý chúng. Cô sẽ giữ lại những chiếc túi xách size mini và coi chúng như một lời tự nhắc nhở về hành vi mua sắm có phần ngớ ngẩn của mình.