Nếu hiện tại, bạn vẫn đang loay hoay với mục tiêu cắt giảm chi tiêu để tiết kiệm, chẳng biết phải lên kế hoạch hay cân đối thu - chi sao cho hiệu quả, hãy thử tham khảo triết lý tiết kiệm Kakebo của người Nhật Bản.
Có hẳn một cuốn sách viết về Kakebo
Theo một cuộc khảo sát được thực hiện bởi chuyên trang tài chính Moni Ninja, những người thực hành tiết kiệm theo triết lý Kakebo có thể cắt giảm 35% các khoản chi mỗi tháng.
Trong tiếng Nhật, Kakebo có nghĩa là cuốn sổ tài chính gia đình. Đây là phương pháp tiết kiệm tiền được tạo ra bởi nữ phóng viên Hani Motoko từ năm 1904, với mục đích giúp các bà nội trợ Nhật quản lý ngân sách dễ dàng và có thể tiết kiệm tiền ngay cả khi thu nhập thấp.
Kakebo tập trung vào sự chú tâm trong chi tiêu, được thể hiện ở hành vi chi tiền cho những đầu mục có ảnh hưởng lớn, tác động trực tiếp tới sức khỏe và cuộc sống của mỗi người; và nói không việc chi tiền cho những thứ vô thưởng vô phạt.
Bắt buộc ghi chép bằng sổ và bút là điểm quan trọng cần lưu tâm khi tìm hiểu về triết lý tiết kiệm Kakebo. Người Nhật quan niệm rằng việc đặt bút, ghi ra từng khoản chi mỗi ngày, hay mục tiêu tiết kiệm mỗi tháng sẽ giúp bạn tăng khả năng ghi nhớ từng mục tiêu, từng khoản chi nhỏ nhất.
Triết lý Kakebo chia chi tiêu thành 4 nhóm chính:
1. Thiết yếu: Chi phí sinh hoạt (tiền thuê nhà, tiền điện, tiền nước,...), chi phí di chuyên (tiền xăng xe, tiền vé xe bus,...), chi phí ăn uống.
2. Sở thích cá nhân: Mua sắm, tập thể thao,...
3. Bồi dưỡng tâm hồn và thư giãn: Mua sách, đăng ký khóa học trực tuyến, gia hạn Netflix, Sportify,...
4. Các khoản chi không định kỳ: Tiền mừng cưới, sửa chữa phương tiện đi lại,...
Kakebo ưu tiên việc lập kế hoạch thu - chi - tiết kiệm theo hạn mức thời gian từ lớn tới nhỏ, đi từ mục tiêu tổng quan tới mục tiêu chi tiết. Bạn sẽ cần xây dựng kế hoạch theo năm, theo tuần và cuối cùng là theo ngày.
Ảnh minh họa
Dưới đây là 4 bước bạn cần làm nếu muốn hình thành thói quen tiết kiệm theo triết lý Kakebo.
Bước 1: Viết ra kế hoạch thu - chi trong cả năm
Bạn cần liệt kê thu nhập dự kiến trong từng tháng cùng các khoản chi bắt buộc mỗi tháng. Nếu bạn có kế hoạch đi du lịch hay có dự định mua sắm những món đồ giá trị lớn như mua xe ô tô hay mua nhà, bạn cũng cần ghi rõ khoản tiền dành cho việc này và cả thời gian dự kiến thực thi.
Bước 2: Lập kế hoạch thu - chi vào đầu mỗi tháng
Vào ngày đầu tiên của mỗi tháng, bạn cần ghi vào sổ câu trả lời cho hai câu hỏi: "Tổng thu nhập của mình trong tháng này là bao nhiêu?" và "Số tiền dự định sẽ chi trong tháng là bao nhiêu?".
Ở bước này, bạn chưa cần đi vào chi tiết, do đó có thể liệt kê các khoản chi lớn và so sánh với các tháng trước để nắm được con số. Sau khi liệt kê được số tiền cần chi cho 2 khoản trên, bạn cần thiết lập mục tiêu tiết kiệm trong tháng - đây là khoản tiền mà bạn tuyệt đối không được "động" vào.
Ảnh minh họa
Ví dụ thế này: Tổng thu nhập của bạn trong tháng 12 là 15 triệu. Bạn dự kiến sẽ chi khoảng 10 triệu trong tháng cho các nhu cầu thiết yếu, sở thích cá nhân, việc bồi dưỡng tâm hồn và muốn tiết kiệm 5 triệu. Lúc này, hãy coi như mình chỉ có 10 triệu để tiêu trong tháng.
Bước 3: Lập kế hoạch chi tiêu theo tuần
Ở bước này, sau khi "quên đi" số tiền tiết kiệm mục tiêu, bạn chia đều số tiền còn lại ra làm 4 phần tương đương với khoản chi của 4 tuần trong tháng.
Theo ví dụ trên, bạn có 10 triệu để tiêu trong tháng. Vậy mỗi tuần bạn chỉ được phép tiêu 2,5 triệu. Từ đó, tiếp tục ghi ra kế hoạch chi tiêu theo từng ngày. Để việc theo dõi dòng tiền đã chi, bạn nên liệt kê kế hoạch chi tiêu theo ngày dựa vào 4 nhóm chi tiêu chính: Thiết yếu, sở thích cá nhân, bồi dưỡng tâm hồn/thư giãn, các khoản chi không định kỳ (nghĩa là khoản chi phát sinh đột xuất).
Bước 4: Tự đánh giá, phân tích tình hình chi tiêu vào cuối tháng
Cuối tháng, bạn cần xem lại cuốn sổ ghi chép của mình và ghi ra câu trả lời cho 4 câu hỏi quan trọng dưới đây:
- Mình có đạt được mục tiêu tiết kiệm đã đề ra hay không? (Hay đã tiêu lẹm vào số tiền dành ra để tiết kiệm rồi?)
- Mình đã áp dụng những cách nào để tiết kiệm?
- Mình đã chi tiêu quá nhiều/chi vượt cho đầu mục nào trong 4 nhóm chi tiêu phía trên?
- Mình sẽ thay đổi điều như thế nào để cải thiện tình hình chi tiêu vào tháng tới?
Bằng cách nhìn kĩ hơn vào những thứ bạn đã chi, những gì bạn đã làm với đồng tiền của mình và đặt các câu hỏi phản tư này, bạn có thể thay đổi thói quen chi tiêu trong tháng tiếp theo để đạt được mục tiêu tiết kiệm của bản thân.