Hiếm có khi nào chúng ta lại khuyên nhau nên tiêu hết tiền tiết kiệm, một phần vì đó không phải khoản tiền dễ dàng mà có được, một phần vì tiêu hết rồi mà chẳng may lại có việc phát sinh cần tiền thì đào ra. Tuy nhiên, đúng là việc gì cũng có ngoại lệ cả.
Chia sẻ của cặp vợ chồng trong câu chuyện dưới đây chính là một trường hợp như vậy.
Trong bài chia sẻ của mình, người chồng viết: "Mình năm nay 36 tuổi, hiện có 2 bé (1 bé 7 tuổi và 1 bé 4 tháng tuổi). Hiện tại, thu nhập hàng tháng của mình khoảng 20-30 triệu, còn vợ mình thì tầm 9 triệu.
Ảnh minh họa
Vợ chồng mình đã có nhà riêng, hiện tại không có khoản nợ nào, và có khoản tiết kiệm 500 triệu. Mình đang có ý định mua xe ô tô để phục vụ gia đình, đồng thời chạy dịch vụ kiếm thêm thu nhập vì công việc của mình thời gian rảnh cũng khá nhiều. Tuy nhiên, mình vẫn băn khoăn vì nếu mua xe thì khoản tiết kiệm sẽ về 0. Mong mọi người tư vấn, chia sẻ góc nhìn và kinh nghiệm giúp mình với ạ".
Nhiều người thường nghĩ ô tô là một loại tiêu sản, vì chỉ cần xe lăn bánh là giá trị đã giảm đi phần nào, có chăng chỉ xe sang phiên bản giới hạn mới là ngoại lệ. Nhưng với dự định của người chồng này, phần lớn mọi người đều khuyên vợ chồng anh nên tất tay, mua ô tô luôn và ngay.
"Triển ngay và luôn đi bác ạ. Như nhà bác thì là đầu tư đấy chứ, vừa có cơ hội kiếm thêm tiền, vừa đi lại thuận tiện hơn thì chẳng tội gì không mua. Nhất là thu nhập đang ổn định, đã có nhà, không có nợ và không cần phải vay tiền để mua thì còn đắn đo làm gì nữa" - Một người động viên.
"Như nhà bạn thì nên mua bạn nhé, bạn chịu khó thế thì cũng nhanh kiếm lại tiền tiết kiệm lại thôi, mua cho gia đình, vừa có xe đi lại mà còn kiếm ra tiền nữa" - Một người đồng tình.
"Mình ủng hộ quyết định mua ô tô nhưng để cho an toàn thì vẫn nên giữ lại khoảng 100 triệu dự phòng bạn ạ. 400 triệu cũng mua được xe ổn ổn rồi" - Một người khác chia sẻ quan điểm.
"Nếu bạn đang sống ở những thành phố lớn như Hà Nội hoặc TP.HCM thì mới nên nghĩ tới việc chạy xe dịch vụ bạn ạ. Đăng ký chạy qua app mà chạy đều thì thu nhập cũng khá, chứ nếu ở những chỗ mà không có app đặt xe công nghệ, chỉ chạy kiểu người quen giới thiệu nhau hoặc chạy đường dài thì khả năng là cũng không khả thi mấy đâu, vì như thế thì mình không được chọn chỉ chạy vào lúc mình rảnh. Còn gia đình đã có nhà, không nợ với không cần vay thêm tiền mua xe thì là quá ổn rồi" - Một người khác bày tỏ.
Có ô tô, việc đi lại đúng là tiện hơn, đỡ phải dầm mưa dãi nắng. Đặc biệt là giống như gia đình phía trên, có ô tô còn đồng nghĩa với việc có thêm 1 cơ hội tăng thu nhập. Dẫu vậy, bạn vẫn cần cân nhắc 2 điều dưới đây trước khi đưa ra quyết định mua xe.
1 - Tính toán rõ ràng chi phí nuôi xe
Có tiền mua xe là một chuyện, có tiền nuôi xe hay không lại là chuyện khác.
Ảnh minh họa
Có 2 câu hỏi quan trọng mà bạn phải tự trả lời trong trường hợp này:
Thứ nhất: Chi phí nuôi xe (bao gồm tiền thuê chỗ để xe, xăng xe, chi phí đăng kiểm, bảo dưỡng định kỳ, phí bảo hiểm) tính theo tháng sẽ khoảng bao nhiêu?
Thứ hai: Chi phí nuôi xe có ảnh hưởng tới chi tiêu chung của gia đình, cũng như tỷ lệ tiết kiệm, dự phòng rủi ro hay không?
Nếu câu trả lời là có, hãy cân nhắc lại về quyết định mua xe. Bởi nếu chi phí nuôi xe "ngốn" hết tiền tiết kiệm của gia đình hàng tháng, mà lại không tạo ra thêm thu nhập, vậy thì cuộc sống sẽ có phần bấp bênh và khá rủi ro nếu có việc đột xuất cần đến tiền.
2 - Tính toán kỹ phương án vay tiền mua ô tô
Nếu phải vay tiền mua ô tô, số tiền phải trả hàng tháng không nên vượt quá 36% thu nhập, để đảm bảo việc trả nợ mua xe không ảnh hưởng tới cuộc sống của gia đình.
Có thể bạn chưa biết: Dù là nợ vay mua nhà, mua xe, hay nợ thẻ tín dụng, tổng các khoản nợ mà bạn phải trả hàng tháng, tối đa, chỉ nên chiếm 36% tổng thu nhập. Nhớ mốc này để cân đối, tính toán trước khi đưa ra quyết định vay nợ.
Lời khuyên "tổng số nợ không được vượt quá 36% thu nhập" chính là 1 phần của Quy tắc 28/36 có nguồn gốc từ các ngân hàng Mỹ. Theo quy tắc 28/36: Bạn chỉ nên dành tối đa 28% tổng thu nhập hàng tháng của mình cho khoản vay mua nhà, và tối đa 36% thu nhập cho toàn bộ các khoản vay khác.