Một cặp vợ chồng người Canada / Pháp bắt đầu đi bộ từ Châu Âu qua Úc và đích đến là Châu Á. Có những lúc họ đi bộ tới 14 giờ một ngày, lạc trong rừng rậm của Lào và bị dính vào một vụ tai nạn xe buýt trong hành trình phi thường của mình.
Vào tháng 2 năm 2019, cô gái 28 tuổi Vanessa Mapp đã khởi hành từ Strasbourg, Pháp, cùng với người bạn đời của cô, Guillaume Perdigues, 30 tuổi, người Pháp. Hai người đã quen nhau khi làm việc chung tại một nhà hàng ở Bourgogne, Pháp. Tuy nhiên, vào tháng 2/2019 nhà hàng này đã tạm thời đóng cửa, đẩy 2 vợ chồng vào cảnh thất nghiệp. “Lúc đó chúng tôi có hai lựa chọn, một là ở lại Pháp và tiếp tục làm việc, hoặc là lên đường theo cách điên rồ nhất có thể", Mapp nói.
Tất cả những gì hai người có ban đầu là hai hộ chiếu đầy thị thực và một kế hoạch mơ hồ về hành trình sắp tới. Khi đi bộ qua biên giới quốc tế, cặp đôi đã thấy được sự va chạm rõ rệt về văn hoá giữa các quốc gia: Từ ẩm thực, tôn giáo đến lối sống,...
“Đi bộ là điều khiến chuyến đi của chúng tôi càng trở nên thú vị. Chúng tôi đã băng qua Tajikistan, Uzbekistan và Myanmar. Tôi cảm thấy mình thật may mắn khi được ở đây. Chúng tôi đã hiểu hơn về cách thế giới vận hành", cô chia sẻ thêm.
Mapp cho biết cô đã mang theo 8 kg hành lý, trong khi Perdigues xoay sở với 6 kg quần áo và sách. Họ ăn thức ăn đường phố, ở với người dân địa phương và đôi khi, tự đun nước uống khi đi khắp 22 quốc gia. Họ đi bộ trung bình 30 km một ngày, nhưng bắt buộc phải đi xe buýt, tàu hỏa địa phương và một vài chiếc máy bay.
Ở Tajikistan, họ đi bộ dọc theo hàng dặm những thảm hoa mới trồng và qua các thành phố gần như trống rỗng. Khi đến Rajasthan, một tiểu bang sa mạc ở tây bắc Ấn Độ, họ gần như chỉ có một mình khi nhiệt độ tăng lên 51 độ C và không ai khác mạo hiểm ra ngoài. Hai vợ chồng đã phải chạy trốn khỏi thành phố Rishikesh của Ấn Độ khi một băng đảng gây áp lực để họ buôn lậu đá quý sang Nepal.
"Phần tồi tệ nhất là phải chờ đợi để vượt biên giới. Chúng tôi muốn đi một chiếc thuyền chở hàng từ Baku ở Azerbaijan đến Kazakhstan vì phà chở khách không hoạt động. Cảng ở Alat, cách Baku 70km. Không có nơi nào để ngủ, không có thức ăn, không có nơi trú ẩn và trời lạnh cóng. Tài xế xe tải cho chúng tôi vào xe của họ và chúng tôi đã lên được thuyền một ngày trước khi nó ra khơi. Nếu không, chúng tôi có thể chết cóng”, Mapp xúc động hồi tưởng lại.
Đối với Perdigues, thức ăn là mối quan tâm chính. "Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Thái Lan là các quốc gia có những món ăn ngon nhất. Mỗi khu vực đều có bản sắc ẩm thực riêng.Ở Trung và Nam Á, chúng tôi đã ăn mọi bộ phận của động vật. Ở Kurdistan, thuộc Thổ Nhĩ Kỳ, gần biên giới Syria, chúng tôi đã ăn món súp đầu cừu thui".
Perdigues cũng đã học được một hoặc hai điều về sản xuất rượu vang. Anh chia sẻ: "Ở Georgia, chúng tôi đã dành một đêm với một gia đình địa phương. Họ rất ngọt ngào; họ cho chúng tôi ở phòng của con trai họ và có một bàn đầy thức ăn. Họ còn cho chúng tôi tham quan hầm rượu của gia đình. Những loại rượu ở đó có chất lượng đáng kinh ngạc. Chúng tôi đã uống 4 lít và không hề có cảm giác nôn nao vào ngày hôm sau".
Gần một năm di chuyển, cặp đôi đến phía bắc nước Lào và được một gia đình tốt bụng bên sông Nam Ou cho ngủ nhờ. Họ nói những gia đình ở đây không có điện, nước và bữa tối chỉ có ba con cá nhỏ cùng một chút gạo. Muốn đi đến khu vực đông dân cư, cặp đôi buộc phải đi xuyên rừng. Dựa vào ứng dụng chỉ đường, Mapp và chồng đi bộ suốt năm ngày trong khu rừng ẩm ướt, chỉ ăn cơm nếp và một ít trứng mang theo. Sau khi ra khỏi rừng, họ đi dọc theo một con sông và được một cụ bà chỉ đến ngôi làng gần nhất.
Mapp nói rằng cô ấy cảm thấy như thể họ đã gần với những gì cô ấy tưởng tượng về ngày tận thế. Người chỉ đường nói với chúng tôi rằng 'hãy đi bộ hai ngày liên tục và sau đó bạn nhìn thấy một cái cây lớn và bạn rẽ trái'. Chúng tôi tìm thấy cái cây lớn nhưng chúng tôi bị mắc kẹt trong một khu rừng ngập nước. Chúng tôi đi bộ suốt năm ngày, không ngủ, chỉ ăn cơm nếp và trứng mang theo. Chúng tôi cạn kiệt nước. Cuối cùng, chúng tôi tìm thấy một con sông và quyết định đi theo nó, nhưng không có cách nào để đi dọc theo bờ của nó.
"Nhưng may mắn nhất là việc thoát chết thần kỳ sau vụ tai nạn xe", Mapp kể về vụ va chạm giữa xe buýt chở họ và xe tải trong chuyến đi đến Thái Lan cuối năm 2019 khiến nhiều hành khách thiệt mạng. Sau khi bình phục, họ xin làm quản lý cho một nhà hàng tại Bangkok để mưu sinh khi nước này đóng cửa biên giới vì dịch bệnh.
Kết thúc cuộc hành trình đến 22 nước trong 12 tháng, đôi vợ chồng đang có ý định tiếp tục xách ba lô lên và đi. Khi các quốc gia dần mở cửa trở lại sau COVID-19, Mapp và Perdigues đang lên kế hoạch cho chặng tiếp theo trong hành trình của họ. Perdigues nói: “Chúng tôi muốn đi qua Indonesia, Philippines, Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.
"Chúng tôi cũng đặt tham vọng vượt qua eo biển Bering (nơi phân cách châu Á và Bắc Mỹ), bằng đường bộ hoặc đường thủy. Sau đó sẽ đi bộ qua Nga đến Canada trước khi kết thúc chuyến hành trình đúng một vòng trái đất", Mapp chia sẻ.
Nguồn: Nikkei Asia